'Kỷ nguyên mới' của Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để phát triển quan hệ Nhật Bản - Việt Nam

Nhân dịp năm mới 2025, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh tư liệu: Việt Đức/TTXVN

Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh tư liệu: Việt Đức/TTXVN

Sau gần một năm trên cương vị Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông có cảm nhận gì về đất nước, con người nơi đây? có thể chia sẻ đôi điều về những khó khăn cũng như thuận lợi khi công tác tại Việt Nam?

Kể từ khi nhậm chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm ngoái, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với các quý vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các quan chức Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến đại diện các doanh nghiệp, cơ quan giáo dục và văn hóa. Tôi cũng đã đặt chân tới 20 tỉnh, thành trên khắp cả nước, từ Lào Cai, Yên Bái ở phía Bắc đến Cà Mau ở phía Nam.

Khi mới đến Việt Nam, tôi rất ấn tượng với bầu không khí và nguồn năng lượng độc đáo, khác biệt với bất kỳ thành phố nào khác ở châu Á. Có lẽ là do Việt Nam luôn phát triển nhất quán kể từ sau chính sách Đổi Mới và đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong số các nước ASEAN những năm gần đây. Nhờ đó, người dân Việt Nam tràn đầy tự tin về con đường phía trước và toàn xã hội đều có chung kỳ vọng vào tương lai.

Tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN có tiềm năng đạt được GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD trong tương lai gần.

Hiện tại, đất nước Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ bước vào “kỷ nguyên mới” dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tôi tin tưởng rằng “kỷ nguyên mới” này của Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để phát triển và mở rộng hơn quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam, và những hoạt động hợp tác cụ thể sẽ được thúc đẩy hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh - biểu tượng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam - cuối cùng đã chính thức vận hành vào tháng 12 năm ngoái. Tôi rất vui mừng khi tuyến đường sắt này được người dân địa phương đón nhận nồng nhiệt và nhiều người đã đến trải nghiệm. Trong “kỷ nguyên mới”, Việt Nam chú trọng vào việc hoàn thiện sớm cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm giao thông vận tải, kỹ thuật số và năng lượng. Nhật Bản hoan nghênh những nỗ lực này và sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cùng chung tay cung cấp cho Việt Nam sự hỗ trợ cần thiết hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt mức tăng trưởng hai chữ số.

Nhật Bản cũng chú ý đến thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền. Tôi kỳ vọng mạnh mẽ rằng việc đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình phê duyệt sẽ giúp công việc kinh doanh của các công ty đang hoạt động có những bước tiến cụ thể. Nhờ đó, chắc chắn môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được cải thiện, thu hút thêm các khoản đầu tư mới.

Các công ty Nhật Bản cũng rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Theo khảo sát mới nhất của JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản), trong số các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư nhất trong tương lai. Ngoài ra, trong cuộc khảo sát mới nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản do JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) thực hiện, trong số các quốc gia có triển vọng triển khai kinh doanh, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về ngành sản xuất và đứng đầu thế giới về các ngành phi sản xuất. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng.

Hệ thống tàu siêu tốc Shinkansen đã tạo được tiếng vang lớn, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ cho Nhật Bản. Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì của Nhật Bản khi mà Việt Nam dự định phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam trong thời gian tới?

Năm 1964, tuyến tàu Shinkansen khoảng 500km nối liền hai khu kinh tế lớn của Nhật Bản là Tokyo và Osaka được khánh thành và năm ngoái đã đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày vận hành. Vào những năm 1960, trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng, Nhật Bản đã thực hiện nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, ví dụ như khai thác nhiều tuyến tàu điện ngầm ở Tokyo, Osaka... hay tuyến đường cao tốc kết nối Tokyo và Osaka. Trong số đó, Shinkansen là phương tiện giao thông công cộng mang lại những lợi ích kinh tế rất lớn, như rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, gia tăng một lượng lớn khách du lịch và khách đi công tác tại các khu vực dọc tuyến đường sắt, phát triển khu vực, phục hồi kinh tế.

Điểm nổi bật nhất của tàu Shinkansen Nhật Bản là vận tải với tần suất chưa từng có, lên tới 17 chuyến tàu mỗi giờ, trong khi vẫn đảm bảo đúng giờ và an toàn cao. Mặc dù tần suất phục vụ cao, nhưng thời gian chậm trễ trung bình của mỗi chuyến tàu là 1,6 phút, bao gồm cả tình huống trễ giờ do thiên tai… Về tính an toàn, tuyến đường sắt này độc lập và không có điểm giao nhau để mọi người không đi vào đường ray. Với các thiết bị điều khiển tàu tự động, tàu Shinkansen đảm bảo mức độ an toàn cao, và không có tai nạn tử vong nào trong 60 năm kể từ khi tàu đi vào hoạt động.

Việc Nhật Bản khai thác tàu Shinkansen mang đến hiệu quả to lớn khi kết hợp các khu dân cư có tàu chạy qua, các tuyến tàu địa phương khác ngoài tàu Shinkansen và các phương tiện giao thông khác để phát triển toàn diện. Tôi cho rằng đây là một trong những lý do dẫn đến thành công. Nhờ có sự phát triển toàn diện, tàu Shinkansen thể hiện rõ ưu điểm vượt trội và mang đến hiệu quả lớn hơn. Chúng ta cần nghĩ rằng đây không chỉ là câu chuyện về tàu Shinkansen mà còn là công cuộc phát triển đất nước. Tôi cho rằng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có xây dựng tàu Shinkansen, cũng thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có liên quan.

Ở Nhật Bản, tàu Shinkansen đi vào hoạt động đã tạo ra “bước ngoặt làm thay đổi cục diện” (game changer) cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tại Việt Nam, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cải cách để phát triển hơn nữa.

Việt Nam vừa quyết định sẽ khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Là một cường quốc về năng lượng hạt nhân, Nhật Bản có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì với Việt Nam và ông đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này như thế nào?

Trước tiên, Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố của Việt Nam về việc khởi động lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Tôi cho rằng với 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân cũng như kinh nghiệm xây dựng và vận hành khoảng 60 nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản có thể đóng góp cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.

Về tiềm năng hợp tác cụ thể, phía Nhật Bản cần cân nhắc nội dung có thể triển khai dựa trên nhu cầu của phía Việt Nam, tiến độ dự án... Tuy nhiên, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác trong các nghiên cứu khả thi tập trung vào khả năng triển khai lò phản ứng hạt nhân sử dụng công nghệ Nhật Bản trong tương lai.

Ngoài ra, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về năng lượng hạt nhân dân sự tại Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác giữa các trường đại học trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam với các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức liên quan của Nhật Bản. Nhật Bản mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực, với trọng tâm là các hoạt động của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA), Công ty Phát triển Năng lượng nguyên tử Quốc tế Nhật Bản (JINED).

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Ánh/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-nguyen-moi-cua-viet-nam-se-la-co-hoi-tot-de-phat-trien-quan-he-nhat-ban-viet-nam-20250201171406474.htm