Kỷ nguyên mới - Động lực mới - Làm chủ công nghệ
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cần làm gì để mục tiêu này trở thành hiện thực?
Phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam trao đổi với bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII.
PV: Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bà nhìn nhận như thế nào về định hướng chỉ đạo thể hiện trong nghị quyết?
Bà Bùi Thị An: Với tư cách là một cán bộ khoa học, tôi rất vui với việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều này cho thấy vị trí đặc biệt của khoa học trong sự phát triển của đất nước, nhất là khi Đảng ta xác định đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bởi vì để đất nước phát triển bền vững, không thể không phát triển khoa học công nghệ. Nếu không đặt đúng vị trí của khoa học công nghệ thì sẽ không tập trung đầu tư, không có những chỉ đạo sát sao, tập trung cho việc này. Do đó, nghị quyết là bước “đột phá” trong tư duy về phát triển khoa học, công nghệ.
Nghị quyết có nhiều điểm mới. Đầu tiên, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chính Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Thứ hai, nghị quyết đã đặt đúng vị trí của khoa học, xác định khoa học có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Qua bài học thực tế, một số lĩnh vực khi áp dụng công nghệ, năng suất tăng lên, trong đó rõ nhất là nông nghiệp. Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đến nay đã vươn lên đứng thứ 3 thế giới trong xuất khẩu gạo, với khoảng 9 triệu tấn, đem về 5,7 tỷ USD. Hay lĩnh vực thủy sản, sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 20 năm qua với mức tăng bình quân 9%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn chiếm thị phần lớn trong giá trị toàn ngành nông nghiệp.
Từ những dẫn chứng này tôi cho rằng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 là bước đột phá, trong đó có sự thay đổi trong tư duy - tập trung cho khoa học công nghệ. Đó cũng là cơ sở để chúng ta chuẩn bị cho quản lý, vận hành điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao hay như mục tiêu đưa nước ta thành trung tâm công nghiệp bán dẫn.
PV: Có một điểm mới trong Nghị quyết 57 là “chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”. Phải chăng đây là một yếu tố khẳng định tư duy “cởi trói” sức sáng tạo, thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Trước đây, chúng ta thường cho rằng, đã làm nghiên cứu là phải thắng lợi nhưng nghị quyết lần này cho phép “chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”. Theo đó, nghị quyết nêu rõ: “Cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của Nhà nước, đồng thời được miễn trừ trách nhiệm với những thiệt hại kinh tế do yếu tố khách quan khi thử nghiệm mô hình kinh doanh hoặc công nghệ mới”.
Đây là định hướng vô cùng chính xác. Bởi khi nghiên cứu khoa học có thể thành công nhưng cũng không tránh được thất bại. Không thể 100% nghiên cứu thành công. Tư duy trước đây buộc các nhà khoa học làm đề án nào kết quả cũng phải là “thành công”. Từ đó dẫn đến hệ quả nhiều đề tài bảo vệ xuất sắc nhưng không thể ứng dụng vào thực tiễn. Do đó, việc “chấp nhận rủi ro” sẽ khuyến khích sự sáng tạo cho những cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra đều phải tập trung vào 2 vấn đề: Thể chế và con người. Đối với lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, thể chế đã được tháo gỡ trong Nghị quyết 57 mà Bộ Chính trị vừa ban hành.
Vấn đề còn lại là con người, trong đó làm sao chọn được những người đứng đầu cơ quan khoa học cũng như cơ quan quản lý phải có tâm, có tầm, đưa ra những định hướng chiến lược phù hợp cho lĩnh vực mình được phân công quản lý. Những cán bộ làm khoa học cũng cần phải thực chất trong nghiên cứu gắn với tính ứng dụng thực tiễn cao, tránh hình thức mà lâu nay chúng mắc phải.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, trong đó có vai trò của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số - Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi tin rằng, các mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 57 sớm thành hiện thực.
PV: Phải chăng sự ra đời của Nghị quyết 57-NQ/TW phản ánh sự phù hợp giữa tư duy, nhận thức của Đảng ta với thực tiễn sinh động trước yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Không có quốc gia nào muốn phát triển bền vững, có năng suất cao mà lại không chú ý đến phát triển khoa học. Khoa học công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, sáng tạo, nâng tăng trưởng đất nước lên một cách bền vững. Đảng ta đã nhìn ra, đặt đúng vị trí của khoa học và ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW.
Tôi vô cùng tâm đắc với mục tiêu mà nghị quyết đề ra. Đó là: “Việt Nam từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G-6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Toàn quốc sẽ phủ sóng 5G sau 6 năm nữa. Ít nhất ba doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới được thu hút đến đặt trụ sở, đầu tư, nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam”.
Tôi cho rằng, cụm từ “làm chủ công nghệ” vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu không làm chủ được công nghệ thì cuối cùng đất nước vẫn bị phụ thuộc vào bên ngoài, không phát triển. Việc làm chủ công nghệ giúp chúng ta độc lập trong nghiên cứu, độc lập trong ứng dụng, từ đó sẽ giúp chúng ta tự chủ trong nhiều lĩnh vực trong đó có chủ quyền, an ninh quốc gia.
Đặc biệt, nghị quyết cũng xác định trúng, đúng lĩnh vực cần đầu tư là phải “từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G-6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi…”. Bởi đây là những công nghệ mang tính chất then chốt trong khoa học công nghệ, nếu chúng ta không ứng dụng, không áp dụng sẽ kéo nền kinh tế, đất nước trì trệ. Nếu áp dụng sẽ giúp năng suất lao động tăng lên, phát triển bền vững, minh bạch hơn.
PV: Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số với ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ ngang tầm quốc tế. Theo bà, chúng ta cần làm gì để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra?
Bà Bùi Thị An: Phải nói mục tiêu đặt ra rất chuẩn nhưng mà rất cao, là thách thức vô cùng lớn đối với đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay. Bởi vì muốn làm chủ được công nghệ thì đầu tiên chúng ta phải có tiềm lực về tài chính, tiềm lực về con người. Khi Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cao như vậy nghĩa là đã có những kế hoạch dài hơi cho đào tạo, đào tạo như thế nào, đào tạo ở đâu, đào tạo lĩnh vực gì? Đồng thời có một điểm nhấn quan trọng là cần nguồn ngân sách đủ lớn cho phát triển khoa học công nghệ. Như vậy, tôi cho rằng tầm nhìn ấy là rất xa, rất cao, thách thức rất lớn nhưng bắt buộc phải có, không đặt ra thì Việt Nam không thể nào phát triển được.
Đây là những tư duy rất mới và khoa học công nghệ cần những tư duy đó, nếu không sẽ cản trở phát triển. Cho nên đạt được mục tiêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW là thách thức vô cùng lớn đối với Việt Nam nhưng tôi nghĩ có quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm được. Nếu có cách tổ chức thực hiện thật tốt, trao trách nhiệm cụ thể, đánh giá thường xuyên, đầu tư đúng, thích đáng theo Nghị quyết 57-NQ/TW thì sẽ vượt qua mọi thách thức để đạt được mục tiêu đấy. Bởi vì chúng ta không đạt được mục tiêu đấy thì thế giới vẫn phát triển, khu vực vẫn phát triển, chỉ có Việt Nam bị dừng lại. Cho nên phải thực hiện được yêu cầu đòi hỏi rất cao này mới thúc đẩy đất nước chúng ta là phát triển trong một kỷ nguyên mới, có những bước tiến mới, đạt được những mục tiêu như mong muốn của của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, để làm cho nước ta thật giàu, thật mạnh, thật hiện đại, văn minh, công bằng.
PV: Với tư cách một nhà khoa học, bà xác định tâm thế của mình khi tham gia thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW như thế nào?
Bà Bùi Thị An: Với tư cách nhà khoa học, điều đầu tiên chúng tôi thấy, đây là một nghị quyết rất là mới, rất nhiều điểm mới. Bây giờ, để xác định được những điểm mới nêu ra trong Nghị quyết, chúng tôi phải nghiên cứu cho kỹ, mình có thể tham gia những phần nào, tham gia đến đâu, với tư cách nhà khoa học, làm được cái gì thì chúng tôi sẽ làm phần đó và đã nhận thì làm đến nơi đến chốn, để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, để góp một phần công sức của mình vào thực hiện bước đột phá trong khoa học. Thật ra nghiên cứu khoa học rất khó, đặc biệt là đối với những cái mới. Cho nên chúng tôi đón nhận Nghị quyết 57-NQ/TW với một niềm vui, một sự hồ hởi, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều những điều kiện khác cho bản thân, phải thay đổi tư duy, phải nỗ lực cao hơn. Nếu bản thân chúng tôi không thể thay đổi thì chúng tôi cũng không đón nhận được những cái mới mà Nghị quyết 57-NQ/TW mang lại. Cho nên đối với cán bộ khoa học là phải đầu tư, phải thay đổi và tự đổi mới chính mình để đón nhận Nghị quyết 57-NQ/TW, để có thể góp một phần sức lực nhỏ bé cho nền khoa học nước nhà.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-nguyen-moi-dong-luc-moi-lam-chu-cong-nghe-post1150411.vov