Kỷ nguyên mới, hệ thống giáo dục đại học sẽ phát triển theo hướng nào?

Xã hội sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cho thế hệ trẻ. Việc học tập suốt đời của mọi công dân đều thực hiện ở các dịch vụ giáo dục của các trường đại học. Giáo dục mở sẽ thực hiện trên mọi địa bàn dân cư và xã hội học tập lúc đó sẽ đại chúng hóa và quốc tế hóa giáo dục đại học.

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: BK

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: BK

Quan niệm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trường đại học nói riêng và của nền giáo dục đại học nói chung đã nhiều lần thay đổi trong lịch sử giáo dục thế giới. Một số nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 21, chí ít cũng đã có 4 lần thay đổi quan điểm về trường đại học:

- Từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14 là thời kỳ giáo dục đại học thời trung cổ, phục vụ thần quyền, không dành cho công chúng. Việc mở trường đại học phải do Giáo hoàng. Nội dung ban đầu để giảng dạy là ngữ văn, thuật hùng biện và logic học.

- Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, trường đại học đáp ứng cuộc cách mạng "khoa học thực chứng". Đây là giáo dục đại học của thời kỳ Phục hưng. Sự đóng góp của Leonardo da Vinci, Galileo, Newton... đã làm phát triển các ngành khoa học tự nhiên, hàng loạt phát minh được đưa ra từ các phòng thí nghiệm.

- Từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy việc hình thành mô hình đại học nghiên cứu. Trường Đại học Humboldt ngày nay chính là mô hình đại học này. Đại học Humboldt (hay còn gọi là Viện đại học Humboldt Berlin) là một trong 11 trường đại học và học viện hàng đầu của Đức, nổi tiếng thế giới. Đại học Humboldt được thành lập năm 1810. Nơi đây đã đào tạo được 29 nhà khoa học được giải thưởng Nobel.

- Từ thế kỷ 20 đến nay, các trường đại học lớn từng bước trở thành sân chơi toàn cầu. Các trường như Havard, Standford, Oxford... đã tuyển những sinh viên giỏi nhất từ các quốc gia. Những quốc gia như Mỹ, Úc, Anh, Singapore, Malaysia... đều coi giáo dục đại học là nền kinh tế xanh, sạch, nhiều tiềm năng.

Không gian lý tưởng của các trường đại học hiện đại. Ảnh: unsplash

Không gian lý tưởng của các trường đại học hiện đại. Ảnh: unsplash

Đặc điểm nổi bật của nhà trường đại học hiện đại

Trong trường có nhiều khuôn viên đại học (campus) khác nhau để mở rộng sự hiện diện và mở rộng tầm ảnh hưởng. Mỗi campus trở thành một khuôn viên đại học lớn với một sự đồng bộ về cơ sở đào tạo. Mặt khác, một số trường đại học được tổ chức lại như một tập đoàn toàn cầu, không đóng khung trong một quốc gia.

Trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số, môi trường học tập trong trường đại học đã thay đổi. Nếu như trước kia các trường đại học lớn có thư viện và những kho tư liệu đồ sộ phục vụ cho việc đọc sách, tra cứu của cán bộ giảng dạy và sinh viên suốt cả ngày đêm thì giờ đây, trường đại học có thư viện điện tử mà tiền đầu tư không lớn. Nhà trường có hệ tài nguyên giáo dục Mở như một big data, tổ chức học tập trực tuyến, mở ra các khóa học đại chúng (MOOCs), mỗi khóa có thể có tới trên 100.000 người tham gia. Số lượng sinh viên trở nên vô cùng đông đảo chứ không chỉ dăm ba chục nghìn như trước.

Trung tâm nghiên cứu của trường đại học cũng thay đổi theo hướng chuyển dịch từ các trường và viện đại học sang các doanh nghiệp hoặc các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp. Hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đại học dần như trở thành công việc do các doanh nghiệp đặt hàng. Các hướng nghiên cứu trở nên gắn với hướng sản xuất, kinh doanh của công ty hay của các tập đoàn, phục vụ ngay cho sản xuất, kinh doanh.

Do điều kiện học tập điện tử, vai trò chủ động và năng động của sinh viên ngày càng tăng lên. Người dạy từ truyền đạt kiến thức trở thành người tổ chức và hướng dẫn. Người học có thể tự xây dựng cho mình những kỹ năng và kiến thức riêng. Tính chất trải nghiệm qua học tập ngày càng đậm nét. Thực học, thực nghiệp là điểm ưu việt ở cách đào tạo này.

Quan niệm mới về trường đại học

Trường đại học hiện đại không còn là nơi thực hiện giáo dục tinh hoa, mà là mở ra tính chất đại chúng, từng bước đại chúng hóa và phổ cập tri thức bậc cao cho những ai có nhu cầu. Việc cung cấp dịch vụ giáo dục và phổ cập các dịch vụ đó sẽ dần dần đáp ứng tối đa nhu cầu người học, đồng thời nó mở rộng hướng đào tạo cá nhân hóa để con người phát huy được những năng lực còn tiềm ẩn trong họ.

Trường đại học đầu thế kỷ 21 trở thành đỉnh cao của hệ thống cung cấp tri thức hiện đại, dắt dẫn các nghiên cứu và định hình những xu thế mới trong xã hội.

Trường đại học hiện đại sẽ không tập trung truyền thụ kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, mà chú ý nhiều vào những kỹ năng sống, năng lực công dân, năng lực tự học suốt đời để tạo nên khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, rất khó dự báo chính xác và đầy bất ngờ.

GS.TS Phạm Tất Dong

Với quan điểm học tập suốt đời, trường đại học yêu cầu sinh viên phải tránh tình trạng mù chữ thực dụng, nghĩa là có kiến thức mà không dùng vào sản xuất, kinh doanh được, mà phải luôn cập nhật kiến thức mới nhất để từ đó, tự mình sáng tạo ra tri thức mới cho bản thân, "phải dám từ bỏ cái đã học và học tập cái mới" (Alvin Toffler).

Drew Faust, hiệu trưởng trường Đại học Harvard cho rằng, có 3 lý do buộc giáo dục đại học phải thay đổi: Đó là sự phát triển của công nghệ; sự thay đổi khái niệm "tri thức", sự định nghĩa lại các giá trị giáo dục. Coi nhẹ một trong ba lý do này, bản thân trường đại học cũng tự đánh mất vai trò của mình.

Trong giai đoạn nền kinh tế tri thức đã phát triển mạnh mẽ dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo dục đại học và hệ trường đại học không đóng khung trong một quốc gia. Nó phải có sự liên kết với hệ thống đại học trên thế giới và tham gia vào dòng chảy toàn cầu hóa.

Mặt khác, trong phạm vi quốc gia, trường đại học cũng dần mất vai trò độc tôn của mình trong sự nghiệp đào tạo con người và nguồn nhân lực quốc gia. Sẽ ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo khác ngoài ngành giáo dục cũng giúp cho công dân có học vấn đại học và cũng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết là cho ngành chủ quản của nó, và đồng thời cho quốc gia và quốc tế.

Trường đại học với những chủ nhân của ngôi nhà toàn cầu

Giai đoạn 2001-2025, những người thuộc thế hệ Y (Generation Y - Gen Y) - còn được gọi là thế hệ Millennials (Thế hệ thiên niên kỷ) chiếm đa số trong lực lượng lao động trên toàn thế giới. Millennials là nhóm nhân khẩu học đầu tiên đi vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Đây là nhóm nhân khẩu được sinh ra trong quãng thời gian 1981-1996. Tính đến năm 2025, người lớn tuổi nhất của thế hệ này đã 45 tuổi, con người trẻ nhất là 30 tuổi.

Họ đang là đối tượng của cuộc vận động "Học tập suốt đời", và rất đông trong số họ cần đến sự cung ứng kiến thức đại học để nâng cao chất lượng công việc mà họ đang phụ trách. Những khóa học trực tuyến mở ra và tài nguyên giáo dục của trường đại học đối với họ là cần thiết để họ tiếp cận và truy cập trong quá trình học tập thường xuyên.

Thế hệ kế tiếp nhóm Millennials là Zoomer Generation (Thế hệ Z, Gen Z). Thế hệ Z còn được gọi là Zoomers, xuất hiện trong quãng thời gian 1997-2012. Hầu hết, những người thuộc thế hệ Z là em của thế hệ Y và là con của thế hệ X. Quá trình lớn lên của thế hệ Z là sự tiếp cận hàng ngày với Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử. Thế hệ Z được mệnh danh là những "công dân thời đại kỹ thuật số".

Những người thuộc thế hệ Z tham gia vào hoạt động sản xuất vào những năm 2016 hoặc 2017. Sinh viên trong các trường đại học vào năm học 2024-2025 đều là những thanh niên thế hệ Z. Họ vượt trội những người thuộc Gen Y trong tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và rất nhanh thích ứng với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Các giáo trình đại học và các phương pháp Dạy và Học dành cho thế hệ Y đều không còn phù hợp với Gen Z. Hơn nữa, những kiến thức vốn cung cấp cho Gen Y thì nay đã quá lỗi thời.

Việc dạy học bắt thế hệ trẻ theo khuôn mẫu cứng nhắc, gò các thành viên thuộc Gen Z vào thi cử để lấy văn bằng, nội dung hướng nghiệp với danh mục nghề của công nghiệp 3.0 cũng như những tư vấn khởi nghiệp hướng đến các lĩnh vực nghề nghiệp sắp biến khỏi xã hội tri thức đều trở thành vô bổ và có hại cho Gen Z.

Vào khoảng năm học 2031-2032, thế hệ Alpha sẽ có thành viên của mình có mặt trong các trường đại học. Đây là thế hệ xuất hiện trong quãng thời gian 2013-2027, lứa đàn em của thế hệ Z. Và rồi 18 năm sau tính từ năm 2025, tức là vào năm học 2042-2043, trường đại học đón nhận những sinh viên đầu tiên của thế hệ Beta - thế hệ xuất hiện tại giao thừa 2025.

Vào thời điểm thế hệ Beta bước chân vào trường đại học, mô hình trường đại học chuyển đổi số hôm nay đã lỗi thời. Đại học lúc đó sẽ là một khái niệm được định nghĩa lại, bởi xã hội thông minh đã thay thế xã hội tri thức. Chính thế hệ Alpha và Beta sẽ viết lại những khái niệm như "giáo dục", "đại học", "quốc gia", "công dân", "biên giới"...

Sứ mệnh của các trường đại học giai đoạn 2025-2035

Sứ mệnh của trường đại học phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, vào những giá trị mới của văn hóa và nền văn minh hiện đại.

Trong chừng mực phát triển của từng quốc gia, trường đại học mang những sứ mệnh khác nhau.

Chúng ta dừng lại ít phút để suy nghĩ về sứ mệnh của một vài nền giáo dục đại học trên thế giới hiện nay.

Tuyên ngôn sứ mệnh của trường Đại học Hoa Kỳ

Tuyên ngôn sứ mệnh (Mission Statement) của trường đại học là sự trình bày lý do tồn tại của nhà trường thông qua các câu khẳng định: "Chúng ta sẽ làm gì?", "Chúng ta thực hiện điều đó bằng cách nào?", "Chúng ta làm điều đó cho ai, vì ai?"

Bên cạnh tuyên ngôn sứ mệnh là Tuyên ngôn về tầm nhìn (Vision Statement), xác định những mục tiêu cụ thể của nhà trường.

Sứ mệnh, tầm nhìn bao giờ cũng gắn liền với giá trị(value). Nếu sứ mệnh nói lên đặc điểm tổng quát của trường đại học thì tầm nhìn cho ta thấy cảm ứng và khát vọng mà giáo dục đại học thể hiện, còn giá trị thì phản ánh "tâm hồn" của giáo dục đại học.

Sứ mệnh và tầm nhìn của giáo dục đại học của nước Mỹ được gói gọn ở hình vẽ dưới đây:

Với sứ mệnh và tầm nhìn ấy, người học sẽ không nói "chúng tôi hi vọng", "chúng tôi mong muốn", mà họ sẽ khẳng định bản thân mình: "Chúng tôi sẽ lớn mạnh thành một tổ chức nổi tiếng trên thế giới".

Sứ mệnh của Đại học Tokyo (Todai) Nhật Bản

Đại học Tokyo hướng đến mục tiêu trở thành một nền tảng đẳng cấp thế giới cho nghiên cứu và giáo dục, đóng góp vào kiến thức của con người thông qua quan hệ đối tác với các trường đại học toàn cầu hàng đầu khác.

Đại học Tokyo mở rộng các cơ hội cho mọi người có trình độ và năng khiếu phù hợp, và trong từng ngành, ở cấp độ đào tạo cao, đào tạo những người có phẩm chất lãnh đạo, sở hữu tính cách quốc tế, tinh thần tiên phong.

Đại học Tokyo hội tụ các nền giáo dục chất lượng cao và hiện đại nhất. Khuôn viên nhà trường là sự hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, không gian học tập và kiến thức độc đáo mà bất cứ sinh viên nào cũng đều mong muốn theo đuổi nền giáo dục nơi đây.

Sứ mệnh của trường Đại học Rennes (Pháp)

Trường Đại học Rennes là một cơ sở đại học hàng đầu về nghiên cứu khoa học và đào tạo, có trách nhiệm với xã hội, hướng tới hợp tác quốc tế, cam kết đóng góp vào việc giải quyết các thách thức lớn của xã hội trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, sức khỏe toàn cầu và kỹ thuật số.

Mục tiêu chiến lược của trường Đại học Rennes là:

- Nghiên cứu chuyên sâu phục vụ xã hội;

- Khuyến khích khoa học mở (Open Sciences) và đổi mới sáng tạo.

- Đổi mới phương pháp sư phạm và đa dạng hóa chương trình đào tạo.

- Thúc đẩy hòa nhập nghề nghiệp của sinh viên.

- Hướng những công việc của trường vào bảo vệ và nâng cao hạnh phúc cộng đồng.

1. Sự lúng túng về thực hiện chủ trương tự chủ đại học (University Autonomy) đang thể hiện sự chệch choạc trong định hướng của không ít trường đại học. Người ta lạm dụng thuật ngữ tự chủ này để làm cho giáo dục đại học tăng học phí - một hướng đi tạo ra rào cản của quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học. Có trường hợp, tự chủ đại học thiên về tạo ra một dịch vụ giáo dục đắt đỏ, gây ấn tượng "lợi ích nhóm" trong tâm lý người sử dụng dịch vụ này.

Cần triển khai khái niệm "tự chủ đại học" theo đúng các nghĩa sau:

Tự quản lý học thuật (Academic Seft-Governance). Đây là nội dung cơ bản và chủ yếu của việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tự do tổ chức (Institutional Freedom): được tự quyết định về các tổ chức trong trường.

Thẩm quyền xây dựng chính sách (Policy-Making Authority): Trao quyền cho các tổ chức trong việc xây dựng chính sách.

Kiểm soát tài chính (Financial Control): Cho phép kiểm soát tài chính đối với ngân sách và chi tiêu.

Trong giai đoạn 2025-2035, đại học tự chủ mà không thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì Nhà nước cần xem xét lại những trường đại học này.

2. Giáo dục đại học trong hệ thống các trường đại học phải là giáo dục MỞ (Open Education), nghĩa là, nó phải đắc lực trong việc tháo dỡ những rào cản mọi cách tiếp cận của tất cả công dân đối với các dịch vụ tri thức đại học: Ai cần đến bất cứ một kiến thức nào trong các giáo trình đại học đều có cơ hội tiếp cận - Hơn nữa, các dịch vụ thông tin, kiến thức đó phải rẻ tiền và trong chừng mực có thể, chi phí cho dịch vụ này tiến tới 0.

Vì thế, dịch vụ kiến thức đại học phải theo hướng Bình dân học vụ số. Tức là phải phổ cập nhiều kiến thức đại học cho quảng đại quần chúng bằng các phương tiện học tập kỹ thuật số.

3. Đưa các trường cao đẳng nghề vào các trường đại học đào tạo các lĩnh vực công nghệ hiện đại mà mục tiêu của nó là đào tạo những lao động tri thức (một loại hình công nhân hiện đại), làm việc trong hệ thống sản xuất ứng dụng các công nghệ AI, tự động hóa, các Robot thông minh, công nghệ in 3D v.v...

Những trường trung cấp nghề nên chuyển thành trường trung học kỹ thuật mà chương trình của nó tương đương với chương trình trung học phổ thông. Học xong trung học phổ thông hay trung học kỹ thuật đều đủ điều kiện theo học các trường đại học. Trên cơ sở này, tiến hành phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2030.

4. Các trường đại học đều phải có chương trình giáo dục khai phóng(Liberal Education) và giáo dục khởi nghiệp (Entrepreneurship Education), áp dụng triệt để những phương pháp kiến tạo (Construction method) để sinh viên tích cực chủ động xây dựng tri thức cho chính mình, chủ động khám phá và trải nghiệm những gì được tiếp nhận trong các giờ học. Học tập cá nhân hóa (Personalized Learning), học tập trải nghiệm (Experiential Learning) và học tập cảm xúc - xã hội (Social-Emotional learning) và Chương trình giảng dạy STEAM (STEAM Curriculum) đều là những hướng phát triển mới mà trường đại học ở Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện.

5. Cùng với các tập đoàn và những trường đại học của tập đoàn, trường đại học phải nghiên cứu những công nghệ chiến lược(Strategic Technology), những công nghệ cốt lõi(Core Technology) cần có của đất nước trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, chương trình nghiên cứu của các trường đại học cần chỉ ra những nghề ở Việt Nam sẽ biến mất, bắt đầu từ năm 2025 và tiếp theo ở các giai đoạn sau, những nghề sẽ thay đổi nội dung, phương pháp sản xuất trong những giai đoạn tiếp theo, đồng thời có chương trình đào tạo, huấn luyện các kỹ năng lao động để những lao động trong các lĩnh vực không bị mù kỹ năng (Skill blindness) mù chữ chức năng (Functionally Illiteracy) và mù chữ trực dụng (Direct Illiteracy) khi mà trong những năm tới, có cả triệu những kỹ năng không còn dùng được do ứng dụng các công nghệ mới, và có cả tỷ kỹ năng mới đòi hỏi những lao động phải được huấn luyện.

6. Trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, một trong những mục tiêu đào tạo của các trường đại học Việt Nam là tạo ra những lớp sinh viên đạt tiêu chí "Công dân số". Hiện nay, trên cơ sở bộ tiêu chí khung về công dân số, nhiều trường đại học đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân số" cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của các ngành mà trường đang thực hiện. Việc đào tạo công dân số là một bước quan trọng để đào tạo những công dân toàn cầu - một xu hướng phát triển của giáo dục đại học.

Hệ thống trường đại học phải làm gì trong kỷ nguyên mới?

1. Đã từng có một thời gian dài, các trường đại học được đặt dưới sự quản lý của Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. Trong giai đoạn ấy, các trường đại học có sự chỉ đạo chặt chẽ và phát triển thuận lợi hơn so với giai đoạn hệ thống giáo dục đại học được sáp nhập với hệ thống giáo dục phổ thông và từ đó, mối quan hệ liên thông giữa hai hệ thống này không thấy có gì cải thiện hơn trước. Đã có không ít nhà khoa học đề nghị đưa hệ thống giáo dục đại học sang Bộ Khoa học và công nghệ. Ý kiến này có tính hợp lý của nó.

Một trong những điều không "ổn" trong quan hệ giáo dục đại học với giáo dục phổ thông là ở chỗ, phương hướng phát triển của giáo dục đại học và những xu thế mới của chiến lược phát triển nghề nghiệp trong nền kinh tế chuyển đổi đã không được hệ thống giáo dục phổ thông coi đó là sự định hướng xây dựng chương trình học tập và viết sách giáo khoa. Trường phổ thông đã tỏ ra rất ít tác dụng trong việc hướng nghiệp, khiến cho học xong phổ thông, rất nhiều học sinh viết đơn xin học tại các trường đại học mà không hiểu các chương trình giáo dục của chính nhà trường đó.

Chỉ riêng điều đó cũng đã thấy ngành giáo dục không kết nối hệ giáo dục phổ thông với hệ giáo dục đại học một cách hữu hiệu.

Gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuyển từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lập tức giáo dục nghề nghiệp được sáp nhập với giáo dục thường xuyên. Ý đồ sáp nhập này làm nhiều người khó hiểu về tính liên thông, gắn kết và thống nhất của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục thường xuyên. Một số người ví đây như sự "cưỡng hôn" của hai loại hình thiết chế giáo dục. Muốn hay không thì người ta cũng cho rằng, sẽ nhanh chóng thôi sẽ có cuộc "ly hôn" để hai bên đều được tự do phát triển.

2. Không ai phủ nhận trường đại học của chúng ta đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học, công nghệ nước nhà, đã tạo ra nhiều thay đổi trong việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế tri thức và tham gia vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy vậy, nhiều người cũng nhận thấy rằng không ít trường đại học rất chậm chạp trong việc nắm bắt những xu thế phát triển hiện đại của giáo dục đại học trên thế giới, tiếp cận không nhạy bén với những bước tiến của nền kinh tế mà các doanh nghiệp cùng các tập đoàn lớn đang thúc đẩy.

Cuộc chạy đua về số lượng bài báo được các tạp chí quốc tế cho công bố, việc cải tiến thi cử, đánh giá, tuyển chọn học sinh, việc liên tục tăng học phí... ở một số trường hình như không trực tiếp dẫn đến việc cải thiện chất lượng đào tạo. Vì thế, về phương diện tổ chức, cần dỡ ra, cấu trúc lại giáo dục đại học nhân dịp Đảng và Nhà nước đang xếp sắp lại các tổ chức một cách triệt để.

3. Hiện nay, mô hình giáo dục đại học định hướng cho tương lai bất định đòi hỏi phải đào tạo vượt qua khuôn khổ hạn chế của một chuyên ngành và những kỹ năng đơn lẻ. Sinh viên trong phần giữa thế kỷ 21 phải có năng lực vận dụng linh hoạt những tri thức, những kỹ năng và phẩm chất để đối phó với những đòi hỏi phức tạp của thế giới bất định và biến đổi khó lường với tương lai mong manh.

Mọi sinh viên trong kỷ nguyên số phải được học các môn học nền tảng mang tính liên ngành trải rộng khắp các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật, máy tính, triết học... rồi mới đi vào đào tạo sâu về chuyên ngành. Điều này giúp sinh viên có thể thỏa mãn những hứng thú cá nhân với một lĩnh vực khoa học nào đó, nhưng vẫn tập trung đi sâu vào lĩnh vực chuyên sâu mà họ lựa chọn.

Từ những điều đã nói ở các mục trên đây, chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải cấu trúc lại hệ thống các trường đại học và các cơ chế quản lý tương ứng.

4. Trước hết, nhất thiết phải tạo ra mô hình "Tập đoàn đại học", trong đó là sự liên kết gồm nhiều trường đại học khác nhau trong nước với một số trường đại học nước ngoài. Đồng thời, nó có thể liên kết với những công ty sản xuất - kinh doanh lớn.

Đại học quốc gia cũng là mô hình "Tập đoàn đại học", nhưng sẽ phải dỡ bỏ cấp Đại học quốc gia như một cơ quan quản lý lãnh đạo, mà thay bằng Chủ tịch của Tập đoàn. Xóa cấp chỉ đạo "Đại học quốc gia"như cơ quan cấp trên của "trường đại học" là cần, vì không thể có đại học chỉ đạo đại học. Xóa bỏ cấp Đại học quốc gia là làm bớt tính quan liêu trong một tổ chức, đồng thời, tập đoàn đại học sẽ ra khỏi sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tất cả các trường đại học trong Tập đoàn đại học đều bình đẳng trên nền tảng quyền tự chủ theo đúng nghĩa của khái niệm này.

Các trường đại học không đủ năng lực thực hiện mục tiêu đào tạo theo yêu cầu của nền kinh tế sẽ không được hoạt động. Các đại học vùng cùng trở thành các tập đoàn, mở rộng sự liên kết quốc tế để quốc tế hóa nội dung mở ra cơ hội đào tạo những công dân toàn cầu, đưa giáo dục đại học như một dịch vụ chung toàn cầu.

5. Các trường cao đẳng nghề sẽ trở thành thành viên của Tập đoàn đại học, nó đào tạo những cán bộ kỹ thuật trong những nhà máy tự động hóa. Sẽ rất nhanh chóng có cả triệt Robot thông minh làm việc trong hầu hết các vị trí trên dây chuyền sản xuất. Công nhân kỹ thuật mà ngày nay đang đứng máy sẽ không có việc làm nếu như không được đào tạo để chuyển nghề hoặc không được đào tạo thành những cán bộ kỹ thuật tương tác với AI, với Robot, với hệ thống sản xuất thông minh.

Với những việc làm như sửa chữa quạt máy, tủ lạnh, tivi, bảo dưỡng máy điều hòa nhiệt độ, thang máy... các doanh nghiệp có chuyên môn tương ứng đứng ra đào tạo.

Cần thúc đẩy các tập đoàn sản xuất - kinh doanh lập ra trường đại học. Những trường này đào tạo mới và đào tạo lại cho chính họ. Nếu tập đoàn nào không tự đào tạo thì ký hợp đồng với các tập đoàn đại học.

6. Việc sắp xếp lại các trường đại học và cao đẳng nghề làm như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ quản lý hệ thống giáo dục phổ thông, tất nhiên, Bộ sẽ quay lại với cái tên ban đầu là Bộ Giáo dục. Phần giáo dục chuyên nghiệp sẽ không do Bộ quản lý nữa.

Các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã và trung tâm giáo dục thường xuyên để phục vụ việc học tập suốt đời của cư dân các địa phương sẽ giao cho chính quyền cấp tỉnh quản lý. Việc học tập suốt đời của mọi công dân sẽ thông qua việc học tập theo các thiết chế giáo dục không chính quy tại cộng đồng và các khoa giáo dục người lớn của các trường đại học. Các tập đoàn đại học cũng như các trường đại học của các doanh nghiệp hay các tập đoàn kinh tế đều có phải nghiêm chỉnh thực hiện chức năng xã hội của mình, hướng về cộng đồng, không để sót một ai trong việc học tập suốt đời.

Trong vài năm nữa, xã hội sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cho thế hệ trẻ. Lúc đó, việc học tập suốt đời của mọi công dân đều thực hiện ở các dịch vụ giáo dục của các trường đại học. Giáo dục mở sẽ thực hiện trên mọi địa bàn dân cư và xã hội học tập lúc đó sẽ là xã hội, thực hiện việc đại chúng hóa và quốc tế hóa giáo dục đại học cho đông đảo nhân dân trong cả nước.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ky-nguyen-moi-he-thong-giao-duc-dai-hoc-se-phat-trien-theo-huong-nao-179250507132159766.htm