Kỳ nhân làng biển
Về vùng biển huyện Hậu Lộc lắng trong tiếng sóng biển rì rào câu chuyện của những kỳ nhân chinh phục biển cả như khúc hát khơi dệt nên huyền thoại về con người làng biển.
Anh Nguyễn Văn Thụ (đội mũ) đang cùng các bạn thuyền chuẩn bị đồ cho chuyến ra khơi.
Giữa trưa nắng gay gắt tháng 6, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thụ, sinh năm 1976, thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đang cùng các bạn thuyền chuẩn bị đồ cho chuyến ra khơi. Động tác của anh, từ khuân đồ, kéo lưới, đều hết sức thuần thục. Thấy chúng tôi, một người trên thuyền nói vọng xuống: “Không có ai nghị lực như anh Thụ, bị mất một chân vẫn đi biển bấy lâu nay”. Nghe bạn thuyền nói thế, anh Thụ cười ngượng ngùng: “Đời tôi gắn bó với biển cũng như bao người, có gì đâu mà kể”. Được các bạn thuyền động viên, anh Thụ nghỉ tay rồi đon đả mời chúng tôi chén nước chè đặc quánh, thứ nước dân dã của làng quê. Nhấp xong ngụm nước, câu chuyện về cuộc đời anh cứ thế quay ngược trong tâm tưởng.
Sinh ra và lớn lên cùng biển, anh Thụ đã nếm trải đủ mọi thăng trầm. Thậm chí, có những lúc cái chết như cận kề nhưng anh vẫn thoát nạn. Thế nhưng, năm 1997 định mệnh lại một lần nữa gọi tên cậu thanh niên làng chài nghèo. Anh Thụ nhớ lại: “Hôm đó, tàu đang ngoài khơi đánh bắt thì máy hỏng, tôi vào sửa không may bị khớp mềm của trục chân vịt đánh vào chân trái. Sau khi được sơ cứu và điều trị, tôi may mắn sống sót, nhưng phải cưa chân”.
Lúc bị thương nặng phải nằm bất động ở nhà, anh Thụ chán nản và bi quan. Đã có lúc anh nghĩ quẩn “mình thân tàn ma dại, bệnh tật thế này sống chỉ làm khổ bố mẹ nên chết đi cho rồi”. “Bố mẹ biết tôi bi quan nên buồn lắm, họ nói tôi bị thế này đâu ai muốn vì vậy tôi phải cố gắng sống để đền đáp công ơn bố mẹ đã sinh thành”, anh Thụ chia sẻ.
Sự khuyên nhủ, động viên của người thân dần giúp anh thay đổi suy nghĩ. Hàng ngày, anh dựa vào hai cây xà tập đi để sức khỏe phục hồi nhanh chóng. Ngày nào cũng vậy, bất kỳ trời nắng hay mưa anh Thụ đều kiên trì tập luyện khoảng 4 tiếng đồng hồ. Sau hơn 3 tháng kiên trì tập luyện, anh Thụ đã có thể tự mình dùng nạng đi lại được. Khi đó, anh Thụ rất vui và tiếp tục tập luyện thêm để có thể lắp chân giả thay nạng. Những ngày ở trên bờ, nhớ biển, sáng đến, chiều về anh lại ra biển hít hà mùi tanh nồng của cá tôm, để nắng gió táp vào da mặt. Anh nhớ tiếng sóng, nhớ làn nước biển mặn mòi, nhớ những chiếc ghe đánh cá.
Năm 1999, anh lập gia đình. Áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè lên vai người thanh niên thương tật. Nhận thấy mình phải có trách nhiệm hơn để nuôi sống gia đình, anh lao vào cuộc mưu sinh với nhiều khó khăn, thử thách. “Trở lại với nghề, nhiều người bày tỏ ái ngại vì phận tật nguyền như tôi làm sao có thể đi biển được. Có người còn nói: “Thôi anh ở nhà cho chúng tôi nhờ, đi biển chứ có phải đi chơi đâu, ra khơi lỡ có chuyện gì xảy ra thì khổ”. Nhưng tôi vẫn kiên trì xin đi cho được. Tôi nói mình có thể chèo đò, kéo lưới, cố gắng làm những công việc trên thuyền. Xin mãi rồi mọi người cũng xiêu lòng, cho tôi đi theo. Khi lao động, tôi đứng bên thuyền, tựa vào thuyền để kéo lưới.... Làm mãi rồi tôi cũng thích nghi”.
Khi thuyền về chia cá, anh xin nhận phần ít hơn mọi người, bảo rằng vì mình làm ít nên hưởng ít, vậy mới công bằng. Làm nhiều rồi quen, thành thạo, nhiều lúc người ta quên cả chuyện anh là người khuyết tật.
Gần 30 năm vật lộn với biển cả, dường như anh đã nếm đủ vị mặn đắng của đại dương và thông thuộc từng đường biển, con sóng, nơi trú ngụ, di cư của loài cá biển. Anh triết lý: “Nghề cá nguy hiểm bởi bão, lốc, là nghề nặng nhọc, phải nhanh mắt, nhanh tay thành thục các công đoạn từ thả lưới xuống, kéo lưới lên cho đến phân loại cá. Đi biển, mình phải có kỹ năng hàng hải, phải có sức khỏe để chống chịu với cường độ công việc, tiếng ồn máy nổ, gió mưa và sóng cũng là những bước thử thách sức khỏe, gan dạ của con người”.
Nói rồi, anh xin phép đứng dậy để tiếp tục cuộc hành trình dang dở. Trên chiếc tàu có công suất 450CV, dáng anh Thụ bỗng trở nên nhỏ nhắn.
Tại vùng biển huyện Hậu Lộc có rất nhiều trường hợp tương tự anh Thụ. Nhưng để nói về lòng kiên trì và nghị lực vượt lên chính mình thì trường hợp anh Tô Văn Hồng, sinh năm 1984, thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc cũng được xem là điển hình. Cuộc đời anh Hồng trải qua 3 lần gặp nạn trên biển nhưng anh vẫn kiên trì bám biển mưu sinh và chưa từng có suy nghĩ bỏ nghề.
Đến nhà đã quá giờ trưa, cũng là lúc anh Hồng vừa dọn dẹp xong đống gạch, cát trước căn nhà đang xây dở. Đúng chất con trai miền biển, ngồi đánh trần trùng trục, anh kể: “Từ nhỏ, cuộc sống của tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ làng biển khác. Năm 12 tuổi, tôi đã theo bố vào lộng, ra khơi. Hai mươi mấy năm cưỡi sóng, vươn khơi, trong tôi là cả một bầu ký ức về sinh nghề tử nghiệp”.
Theo anh Hồng, 19 tuổi, anh đã bị máy đập vào mặt khiến gương mặt biến dạng, gãy 2 răng cửa. Năm 2010, trong một lần ra khơi, vừa ra khỏi cửa biển, thuyền anh gặp phải sóng to, gió lớn bị lật, anh cùng các bạn thuyền may mắn thoát chết. “Tôi cứ bơi lúc nào đuối quá thì nằm ngửa. Lúc gặp sóng to thì lặn xuống để tránh sóng đập. Suốt mấy giờ đồng hồ lênh đênh mới vào được tới bờ”, anh Hồng nhớ lại.
Đến năm 2017, một cơn bão lớn ập đến bất ngờ, thuyền anh vội vã quay đầu chạy trốn. Trong lúc tránh bão, anh bị dây buồm quấn khiến bàn tay đứt lìa. Trở về với cơ thể tàn tật, anh chẳng dám nhìn thẳng vào mắt người vợ trẻ, vì sợ chị bắt gặp ánh mắt yếu đuối tuyệt vọng của mình. Chị Nguyễn Thị Bảy năm đó mới ngoài 30 tuổi, đã phải thay chồng gồng gánh gia đình, vừa chăm chồng bệnh tật, mẹ già ốm yếu, vừa nuôi 3 đứa con thơ, đứa lớn học lớp 3, đứa út chỉ mới lên 3...
Nhắc lại những ngày tháng khổ cực đó, chị Bảy cũng không hiểu vì sao mình lại có thể mạnh mẽ đến vậy. “Có lẽ tình yêu thương dành cho chồng, cho con là thứ duy nhất tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng. Tôi chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết phải thật cứng rắn để là chỗ dựa cho chồng con mà thôi”, chị Bảy ngồi xuống cạnh chồng cười hiền hậu và kể tiếp rằng, từ ngày đó, chị đã làm đủ mọi việc, từ bốc đá đến bóc tôm, buôn cá... Bất cứ ai thuê gì chị làm nấy, miễn là có tiền lo cho gia đình.
Thấy vợ quá vất vả, anh Hồng càng thương vợ bao nhiêu thì lại càng day dứt bấy nhiêu. Và rồi, sau một năm điều trị, anh quyết định quay lại nghề biển. Bằng nghị lực, anh Hồng đã làm nên “kì tích” cho cuộc đời mình.
Người lành lặn cầm chèo cho vững, cho chắc để vượt sóng to, gió lớn đã khó, chỉ có một cánh tay như anh phải mất hàng tháng trời tập luyện mới có thể chèo được thuyền. Cứ đều đặn hàng ngày, anh dùng cánh tay trái còn lại cầm phía trên mái chèo, đoạn tay phải bị cụt thì tì vào thân mái chèo mà chèo. Có hôm, anh chèo đến bong hết lớp da ở khuỷu tay phải, máu chảy ra nhiều. Vợ anh và những người bạn thuyền thấy vậy khuyên anh nên kiếm việc khác trên bờ mà làm, nhưng anh vẫn kiên trì... Sau gần 2 tháng tập luyện, cuối cùng anh Hồng cũng điều khiển được con thuyền theo ý mình để ra khơi. “Giờ đây, tôi đi biển thuần thục cũng nhờ những tháng ngày khổ luyện này!”, anh Hồng tự hào.
Trong chuyến đi biển đầu tiên sau tai nạn, vì kéo lưới chưa quen, cả cánh tay anh tứa máu. Một tay anh Hồng nắm lưới, tay kia dùng khuỷu để giữ, lâu dần da ở khuỷu cứ chai lên như lòng bàn chân. Những lúc không chịu nổi đau rát, anh dùng áo quấn dày lên khuỷu tay mới kéo lưới được. Tuy nhiên, theo anh Hồng, làm nghề đi biển không đơn giản cứ chèo thuyền, kéo lưới là xong. Trăm công, nghìn việc trên biển, trên bờ cần đến đôi tay. Ví như ra biển câu mực, cá... người lành lặn thì cứ việc tay cầm ống câu, tay cầm cần câu câu mực, cá. Còn anh phải vất vả tập luyện cả tuần, cả tháng mới kẹp được cần câu vào nách, tay trái cầm ống câu để câu. Rồi kéo lưới, tát nước trên thuyền đều phải tập luyện. Đó là trên biển, lên bờ lại phải tiếp tục tập luyện cách cầm kim, con thoi, kéo cắt... để vá những tay lưới rách bươm vì vướng phải rạn san hô sau mỗi chuyến biển là cả một quá trình dài công phu.
“Nghề biển gian nan, hiểm nguy thế sao anh không chọn nghề khác?, tôi hỏi. Anh cười hiền, bảo: “Tôi sinh ra từ biển thì cũng quyết sống chết với nghề ông cha để lại, vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển. Hơn nữa, nhờ biển mà tôi có tiền xây nhà, nuôi con ăn học. Với người mất tay như tôi, như thế là hạnh phúc lắm rồi. Hiện tại, tôi chỉ mong trời yên biển lặng, không có bão tố và “mẹ Biển” ban lộc để có những chuyến tàu đầy ắp tôm cá”.
Biển cho ngư dân miếng cơm manh áo nhưng biển cũng đã gieo nên những giọt đắng cho nhiều phận người. Dù vậy, những người như anh Thụ, anh Hồng vẫn không quỵ ngã, bám biển bằng cả tình yêu và nghị lực. Bởi, biển không những là nơi giúp họ kiếm sống, mà còn là để nối nghiệp cha ông, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ky-nhan-lang-bien/105163.htm