Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 - 8/8/2021): Nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam của đồng chí Lê Quang Đạo - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Sinh ra và lớn lên ở một quê hương giàu truyền thống cách mạng, căn cứ địa, an toàn khu cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng từ năm 19 tuổi, trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt..., được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách lần lượt làm Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh, như: Bắc Ninh, Phúc Yên (tức Bí thư Tỉnh ủy hiện nay), Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Hà Nội.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong lúc cách mạng đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đồng chí đã tích cực đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo tổ chức thành công Tổng tuyển cử ở Hải Phòng, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đối với Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo có ba lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần thứ nhất từ tháng 10/1943 đến tháng 10/1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp. Trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền vận động các tầng lóp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng. Cái tên “Đốc lý đỏ” mà thực dân Pháp đặt, nói lên vai trò của đồng chí trong việc gây dựng phong trào cách mạng ở Hà Nội. Lần thứ hai từ tháng 5/1946 đến tháng 12/1946, thời gian này tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến, là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt hai tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Lần thứ ba, từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, lúc này cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông; đồng chí đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.
Năm l950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động vào quân đội. Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn, đồng chí, chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị trong bộ đội và được phân công biên soạn, viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn cho các cấp, các đơn vị, góp phần xây dựng ngành tuyên huấn quân đội ngày càng hoàn thiện về tổ chức và giỏi về nghiệp vụ.
Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Quang Đạo được Quân ủy Trung ưong giao phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn, vào những thời điểm quyết liệt, như: Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Biên giới (1950); Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), đường 9 - Quảng Trị (1972). Trên cương vị được giao, đồng chí luôn đi sát mặt trận, bám sát chiến trường, nắm chắc diễn biến của từng trận đánh, gần gũi chiến sĩ, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu. Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sỹ quân đội ta lập nên những chiến thắng vẻ vang, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Cuối năm 1973, đồng chí Lê Quang Đạo được cử giữ chức Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự. Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, được mệnh danh là “Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”. Đồng chí đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội đất nước lâm vào tình trạng khó khăn, trên cương vị Trưởng ban Khoa giáo Trung ương với tầm nhìn bao quát, đồng chí Lê Quang Đạo đã quan tâm đến tất cả các ngành khoa học cũng như công tác quản lý, hoạt động khoa học. Những năm tháng phụ trách công tác khoa giáo của Đảng, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng.
Ngày 17/6/1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội trong thời điểm sau Đại hội VI của Đảng, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và Nhân dân trong giai đoạn mới.
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), đồng chí đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tham mưu giúp Trung ương Đảng xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Quang Đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước tin tưởng trao cho nhiều trọng trách quan trọng, ở địa bàn quan trọng và ở những thời điểm lịch sử. Đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, công tác khoa giáo của Đảng; công tác lập hiến, lập pháp của Quốc hội và tổ chức, hoạt động của Quốc hội cũng như trong xây dựng Mặt trận Tố quốc Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tinh thần đoàn kết quốc tế.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ghi nhận công lao to lớn của Đồng chí với dân tộc, Đảng, Nhà nước tặng Đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng, cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước.
Huy Ngoan (BS)