Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Minh Hiệu, nhà viết kịch Hà Khang

Cùng với không khí hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, thơ ca Thanh Hóa đã định vị một giọng thơ hào tráng góp vào dòng chảy của thi ca cả nước. Bên cạnh những tên tuổi đầy tự hào Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hữu Loan... còn có hai gương mặt đóng góp khá lớn cho thơ ca kháng chiến, đó là nhà thơ Minh Hiệu và nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang. Để tôn vinh họ, chiều ngày 24/2, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Minh Hiệu; nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Lớn lên khi đất nước bước vào giai đoạn chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp, nhà thơ Minh Hiệu và Hà Khang đều tham gia văn nghệ kháng chiến từ sớm, sau đó viết báo, rồi gắn bó và khẳng định tên tuổi trên con đường văn chương, nghệ thuật.

Họa sĩ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát biểu khai mạc.

Họa sĩ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát biểu khai mạc.

Nhà thơ Minh Hiệu, tên thật là Nguyễn Minh Hiệu, sinh ra trong một gia đình trung lưu, xã Trường Giang, huyện Nông Cống. Sau khi dự lớp huấn luyện văn nghệ khóa II năm 1948 của Đoàn văn nghệ Liên khu IV ở làng Quần Tín (Thanh Hóa), ông đi vào chiến trường.

Nhắc đến Minh Hiệu, người đọc thường nghĩ đây là một “cây ca dao” thực thụ với những vần thơ: “...Làm ăn có đội có đoàn/ Như đò bắt nhịp hò khoan mà chèo”; “...Đèo cao thì mặc đèo cao/Trèo trên đỉnh núi ta cao hơn đèo” đầy niềm tin vào cuộc sống mới. “Ca dao” Minh Hiệu đã đi sát cuộc sống, chân thật và sinh động như bản thân cuộc sống. Ông đã biết giữ lại liều lượng nhất định về vần điệu, âm điệu để thơ đạt được yêu cầu đại chúng, thấm sâu vào quần chúng và có tác dụng tích cực trong nhân dân” (Lâm Bằng).

Trong tham luận “Nhà thơ Minh Hiệu, một bản lĩnh thơ đáng kính”, nhà thơ Trịnh Ngọc Dự khẳng định: Minh Hiệu còn là một trong số các nhà thơ mở đầu cho thời kỳ văn học hiện đại Thanh Hóa với khí chất phóng khoáng, ngang tàng, đã tạo nên một phong trào sáng tác sâu rộng, kế thừa được truyền thống thơ ca trước cách mạng Tháng Tám; có những cách tân mạnh bạo, thể hiện sát đúng nội dung và yêu cầu khách quan, không ngừng vận động, biến đổi, bên cạnh cái gân guốc tạo hình sắc sảo, chắt lọc là cái tự nhiên, thoải mái...

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh xúc động khi nhắc về nhà thơ Minh Hiệu.

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh xúc động khi nhắc về nhà thơ Minh Hiệu.

Thơ Minh Hiệu được nhớ đến không chỉ bởi tính thời sự tuyên truyền cổ vũ mọi người thực hiện chủ trương, chính sách qua từng thời kỳ, qua từng giai đoạn, ở mọi nơi mọi lúc, thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người cầm bút, mà còn là một phong cách giản dị, chân chất, nghiêm cẩn về bố cục và câu chữ, vần điệu. Về tính cách, ông là một nhà thơ “liêm khiết, sòng phẳng đến mức cực đoan”.

Ngoài ra ông còn là nhà nghiên cứu “Nghệ thuật ca dao”. Nhà LLPB Thy Lan cho rằng: “Trong yêu cầu nghiêm cẩn của người làm nghề và chu đáo với nghề, ông đã nghiên cứu tỉ mỉ để tìm ra bản chất của ca dao, đặc điểm tính trội và từ đó khái quát nên những đặc trưng của nó”.

Nhắc lại “Một kỷ niệm với nhà thơ Minh Hiệu”, nhà thơ Lê Văn Bài kể về một buổi ngoại khóa., trong đó nhà thơ Minh Hiệu đã phân tích và làm rõ cái tài tình của quần chúng về trí tuệ và ngôn ngữ qua các câu tục ngữ, ca dao rất thú vị.

Với hơn10 tập sách in chung và riêng cùng một đời cống hiến cho văn nghệ, năm 2017, ông vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho các công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian. Tên ông đã được đặt cho một tuyến phố ở thành phố Thanh Hóa.

Nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang tên thật là Hà Phúc Khang, quê gốc ở Ninh Bình, nhưng theo gia đình vào Thanh Hóa, lập nghiệp và sống đến cuối đời. Từ năm 1945 ông đã là hội viên Hội Văn hóa cứu quốc và tham gia hoạt động Bình dân học vụ. Ông cũng chính là thành viên thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa năm 1974.

Dù làm thơ không nhiều, nhưng thơ Hà Khang đã để lại một giọng thơ sôi nổi trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tiêu biểu đó là các bài Đường vào làng Đại (1946) Có một mùa chiêm (1948), Tiệc lửa (1949), Phước lành (1950)...

Nhà thơ Vũ Quang Trạch trong tham luận “Thơ Hà Khang – nguồn mạch tâm hồn, tinh chất nhân văn, mỹ cảm khẳng định”: “Thơ ông có nét tự tin, hồn nhiên tươi trẻ của tuổi thanh xuân buổi đầu lên đường cầm súng diệt thù bảo vệ quê hương đất nước, có tinh chất hào hoa, sang trọng của người tri thức, luôn biết tôn vinh ý thức sống để làm người, có thẩm cảm, mĩ cảm tinh tế mà gần gũi, hợp với những đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Phát đi tín hiệu về một cuộc sống tươi đẹp của mỗi con người, mỗi làng bản được sinh ra trong lòng dân tộc và sống, khát vọng, hy vọng cùng với dân tộc của mình”.

Nhà thơ Văn Đắc chia sẻ một vài kỷ niệm với nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang.

Nhà thơ Văn Đắc chia sẻ một vài kỷ niệm với nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang.

Nhà LLPB Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tham luận tại hội nghị.

Nhà LLPB Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tham luận tại hội nghị.

Đánh giá về nhà thơ Hà Khang ở khía cạnh văn hóa, chất Thanh Hóa, nhà LLPB Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Có bài thơ, tôi thống kê có tới 12 tiếng địa phương được sử dụng rất đúng chỗ, rất đắt. Trong các tiếng địa phương Hà Khang sử dụng có đủ các từ loại, như từ nhân xưng: o, tui; từ chỉ định: tê, tề, mô...; động từ, tính từ như: vô, rứa, ngái, răng...

Nhìn dưới góc độ mỹ thuật, kiến trúc sư Nguyễn Vượng trong tham luận “Thơ như vẽ - những hình thơ dung dị về kháng chiến ở Liên khu Bốn”, cho rằng: “hình thơ, màu thơ, và xúc cảm thơ cũng phải chạy theo con chữ của Hà Khang”. Một trong những “minh chứng” là bài thơ “Có một mùa chiêm”, hai câu thơ “Rằng nghe Bình Trị Thiên/Mùa chiêm toàn lính gặt”, Hà Khang như vẽ thơ theo lối trực họa của thể loại tranh lụa: “Một gam màu vàng như lụa, cánh đồng mùa chiêm lúa chín óng vàng nhè nhẹ, nhấp nhô toàn áo lính sợi đổi ngả màu vàng cỏ lúa, nắng chiều vàng nhè nhẹ, phủ khắp không gian mây trời non ước, óng ả một màu vàng huyền ảo”.

Nói về bài thơ khẳng định tên tuổi nhà thơ Hà Khang – “Có một mùa chiêm”, nhà LLPB Lê Đáng cho rằng: Thơ Hà Khang chính là cuộc đời của những người lính gian lao, xuất thân là nông dân, bước vào trang thơ, họ mang theo cái lấm láp bùn đất, cái mộc mạc chân chất của người nông dân, nhưng họ cũng là hình ảnh sáng ngời hình ảnh quê hương hiện lên trong khói lửa đau thương.

Đại diện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tặng hoa tri ân và cảm ơn gia đình nhà thơ Minh Hiệu đã có mặt tại hội nghị.

Đại diện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tặng hoa tri ân và cảm ơn gia đình nhà thơ Minh Hiệu đã có mặt tại hội nghị.

Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1924-2024) nhà thơ Minh Hiệu; nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang đã giúp mọi người sáng tỏ chân dung cuộc đời đồng thời khẳng định những giá trị sáng tạo, thành tựu của hai ông đối với thơ Thanh Hóa nói riêng và thơ ca cả nước nói chung. Di sản thơ ca của hai ông là niềm tự hào của thơ ca Thanh Hóa. Tên tuổi của hai ông mãi mãi trong lòng những người làm thơ xứ Thanh, mãi mãi trong lòng bạn đọc yêu thơ Thanh Hóa.

KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-nha-tho-minh-hieu-nha-viet-kich-ha-khang-30384.htm