Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020): Mãi mãi niềm tự hào Thủ đô Anh hùng
Cách đây tròn 20 năm, giữa những ngày tháng 10 lịch sử, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Từ mốc son 1010 năm Thăng Long - Hà Nội có thể thấy, Hà Nội thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý này, mãi mãi tự hào là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Hà Nội hiện đóng góp 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong ảnh: Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam
1. Mùa thu năm Canh Tuất 1010, với con mắt nhìn xa trông rộng, Đức vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long với ý nghĩa “rồng bay lên”. Trong bức “Chiếu dời đô”, vị vua anh minh phân tích: “Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.
Từ mốc son ấy, trải qua 1010 năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã không ngừng được bồi đắp bởi những kỳ tích oai hùng sau biết bao biến cố, thăng trầm. 10 thế kỷ qua, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Hà Nội luôn là niềm tự hào của dân tộc, nơi hội tụ của các anh hùng hào kiệt. Mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng đã in dấu rất nhiều cuộc chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm mà mỗi khi nhắc đến luôn khiến người dân nước Việt xúc động, tự hào. Những chiến công hiển hách: Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Ngọc Hồi, Đống Đa... đã trở thành biểu tượng anh hùng, là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc.
2. “Thăng Long phi chiến địa” với khát vọng hòa bình lớn lao, nhưng luôn sẵn sàng trở thành “Quyết chiến địa” để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Năm 1802, vua Gia Long cho dời đô vào Huế. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi Thăng Long thành Hà Nội. Thành Hà Nội sau đó thất thủ, cùng với cả nước chịu kìm kẹp dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Bước sang thế kỷ XX, Hà Nội trở thành một trong những cái nôi của cách mạng. Tổ chức đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng, chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản được thành lập ở Hà Nội. Nhiều phong trào cách mạng đều khởi đầu từ Hà Nội. Điển hình là Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa phát đi từ Tân Trào (Tuyên Quang) dù chưa về tới Hà Nội, song, bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, chỉ với gần 50 đảng viên, Ðảng bộ Hà Nội đã tập hợp các tầng lớp nhân dân nhất tề đứng dậy, giành chính quyền. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội là kinh nghiệm quý giá để Ðảng ta kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trong những cuộc chiến đầy gian nan, thử thách và chiến thắng của dân tộc Việt Nam đều hiện lên hình ảnh của một Hà Nội anh dũng với những chiến sĩ ôm bom ba càng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; những nam thanh, nữ tú xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”... Đó còn là hình ảnh của một Hà Nội, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” trong những ngày cuối tháng 12-1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), góp phần quan trọng vào Đại thắng Mùa xuân 1975, thu non sông về một mối.
3. Đất nước hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới: Khôi phục, phát triển đất nước sau chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã cùng với cả nước nỗ lực, bền bỉ tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Gần 35 năm đất nước đổi mới, 12 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội luôn là tấm gương vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục đạt những thành tựu toàn diện. Nổi bật là đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra; nâng cao vị thế, vai trò trong sự phát triển chung của đất nước. Trong những lúc khó khăn nhất, cả nước luôn hướng về Thủ đô với niềm tin yêu và hy vọng. Dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Gần đây nhất, trước đại dịch Covid-19, Hà Nội là trọng điểm của dịch, nhưng cũng chính Hà Nội là tấm gương đi đầu chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Hà Nội còn đang khẳng định vai trò đi đầu trong quyết tâm phục hồi kinh tế, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 cao gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của cả nước.
Cùng với danh hiệu Anh hùng được phong tặng năm 2000, những nỗ lực, đóng góp của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô qua các thời kỳ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Ðảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Ba lần được tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 1984, 2004 và 2010); Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999... Năm 2019, Hà Nội chính thức tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, tạo tiền đề để tiếp tục xây dựng Thủ đô và đóng góp xây dựng đất nước. Hà Nội quyết tâm: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
… Từ ánh sáng của vận nước bừng lên với hình ảnh huyền thoại “rồng bay lên” - Thăng Long đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm, Hà Nội vẫn vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của cả nước, mãi mãi là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.