Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2024): Bài học từ giữ vững niềm tin của nhân dân
Ngày 22-10-1918, trong phiên họp liên tịch giữa Ban Chấp hành Trung ương các xô viết toàn Nga, Xô viết Moskva, các ủy ban công xưởng, nhà máy và các công đoàn, Lenin đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng: 'Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ'.
Luận điểm này đã soi sáng cho rất nhiều cuộc cách mạng trên toàn thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam, không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập mà cả trong bối cảnh hiện nay.
Giữ chính quyền là một bài học quan trọng từ Cách mạng Tháng Mười Nga, bởi ngay sau Cách mạng Tháng Mười, các thế lực phản cách mạng đã điên cuồng chống phá Nhà nước Nga xô viết.
Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng bài học này ở nhiều khía cạnh. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Đảng cần phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, bảo đảm đường lối chính trị và tư tưởng của Đảng được thực hiện nhất quán. Việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng là rất quan trọng để giữ vững chính quyền.
Đó là phải không ngừng đổi mới và cải cách; là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà trong đó cần bảo đảm được và tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nhất là trong bộ máy chính quyền, từ đó tạo niềm tin cho nhân dân. Đó là kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đó là tăng cường đối thoại và lắng nghe ý kiến người dân. Để mọi chủ trương, quyết sách thực sự là “ý Đảng lòng dân”.
Đặc biệt, hiện nay, các kênh thông tin trên không gian mạng có thể cung cấp nhiều chất liệu để Đảng và Nhà nước có thể hiểu đúng và hiểu đủ các phản ánh, ý kiến của người dân hơn. Điều này sẽ tạo ra sự gắn bó giữa chính quyền và nhân dân…
Những bài học trên đây được rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Ví dụ, bài học không ngừng đổi mới và cải cách đã đưa Liên Xô từ một nước lạc hậu, sau khi đánh bại 14 nước đế quốc can thiệp, đã thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng đã đưa Liên Xô từ một quốc gia bị thiệt hại nặng nề trong Thế chiến II thành một siêu cường quốc chỉ trong một thời gian sau đó. Hay các bài học về quan liêu, xa dân, buông lỏng công tác xây dựng Đảng, đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng… chính là những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.
Do đó, vận dụng những bài học này không chỉ giúp giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tức là khẳng định vai trò và năng lực giữ chính quyền, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.