Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914/1-1-2024): Lấy thái độ chân thành mà cảm hóa quần chúng

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh 3 lần bị địch bắt giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, từng lăn lộn khắp các chiến trường và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau. Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ: 'Chính trị trọng hơn quân sự', 'Quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại'.

Để nghiên cứu, phát triển lý luận xây dựng Quân đội về chính trị. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn xác định: “Lãnh đạo tư tưởng là trọng tâm của công tác lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản... Cho nên, chúng ta phải đề cao công tác lãnh đạo tư tưởng nhằm đưa trình độ tư tưởng của Quân đội ta lên cao..., có như vậy mới mong hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề sắp tới”. Thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội về chính trị mà trực tiếp là lãnh đạo công tác tư tưởng trong Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn sâu sắc ở những vấn đề sau:

Trước hết, phải gắn lý luận với thực tiễn, lời nói phải đi đôi với hành động. Là người được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; trải qua các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, Bí thư Liên khu ủy khu IV, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hiểu rất rõ tư tưởng của V.I.Lenin về vai trò của lý luận cách mạng, mà theo đó: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đó, lại hiểu rõ thực tế chất lượng chính trị của Quân đội cùng những mạnh, yếu của công tác chính trị thời kỳ thực hiện chế độ “Chính ủy tối hậu quyết định”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất coi trọng chỉ đạo công tác lý luận trong Quân đội.

Tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân (tháng 8-1951), lần đầu tiên những vấn đề về nguyên tắc và phương pháp công tác tư tưởng đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh khái quát một cách rành rẽ, trở thành kim chỉ nam cho hoạt động công tác tư tưởng trong Quân đội. Theo đồng chí, công tác tư tưởng phải tuân theo 5 nguyên tắc: “1- Cần có tinh thần tích cực và ý thức xây dựng; 2- Phải bắt tay giải quyết vấn đề tận gốc; 3- Phải chủ động, nhìn xa thấy trước vấn đề, theo phương châm phòng bệnh kết hợp với chữa bệnh; 4- Phải có tính nguyên tắc và tinh thần đấu tranh sắc bén; 5- Là công việc lâu dài, hết sức phức tạp, khó khăn”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi với Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam năm 1964. Ảnh tư liệu minh họa: bqllang.gov.vn

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi với Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam năm 1964. Ảnh tư liệu minh họa: bqllang.gov.vn

Để phát huy tốt vai trò công tác tư tưởng, Đại tướng luôn cho rằng trước tiên phải gắn lý luận với thực tiễn, đi từ cụ thể thực tiễn khái quát, đúc kết thành nguyên tắc, lý luận, lời nói phải đi đôi với hành động. Đặc biệt phải luôn khéo léo kết hợp giữa giáo dục tư tưởng chính trị với quân sự tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa con người và vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Thứ hai, sâu sát cơ sở, hiểu quần chúng. Theo Đại tướng, có tiếp xúc với quần chúng mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, giúp cho người cán bộ khi định ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp lãnh đạo đạt hiệu quả cao: “Người cán bộ chừng nào càng đi sục sạo đây đó càng nhiều thì càng làm cho quan hệ trên dưới tốt lên, nhất là mạnh dạn đi xuống cơ sở, tuy lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng về sau con mắt sẽ tinh hơn, tai sẽ thính hơn, tác dụng sẽ nhiều hơn”.

Phải biết tìm cái mới trong thực tiễn sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội. Muốn vậy, đối với cán bộ nói chung và nhất là cán bộ chính trị phải là người dám xông vào thực tế, tiếp xúc với quần chúng hằng ngày. Không phải lúc nào quần chúng cũng có thể thổ lộ và không phải với ai họ cũng thổ lộ mà phải là người biết chia sẻ, động viên họ, là chỗ dựa tinh thần cho họ khi gặp khó khăn, khuyến khích họ khi hoàn thành nhiệm vụ thì mọi việc họ sẽ tâm sự, thổ lộ.

Muốn lãnh đạo tư tưởng đạt hiệu quả cao, Đại tướng cho rằng phải có phương pháp, chủ động trong công việc, tác phong phải cụ thể, thiết thực, luôn lấy giáo dục, thuyết phục là chính. Công tác chính trị tư tưởng phải mọi lúc, mọi nơi, gắn chặt với công tác quân sự, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ lợi ích của đất nước, dân tộc. Quân sự không thể thiếu trong việc thực hiện mục tiêu chính trị: “Cuộc chiến tranh nào cũng biến động nhưng cuộc chiến tranh của chúng ta biến động càng dữ. Công tác chính trị phải nắm chắc đường lối chiến tranh, đường lối quân sự và thường xuyên bám sát thực tiễn luôn luôn biến động”.

Nói về phương pháp công tác tư tưởng, đồng chí nêu lên 6 nội dung chủ yếu: “1- Luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng; 2- Khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục; 3- Phát huy tác dụng tự phê bình, phê bình trên tinh thần tự giác và có tính chất quần chúng; 4- Hướng mọi hình thức, công cụ giáo dục chính trị vào mục đích lãnh đạo tư tưởng từng thời kỳ; 5- Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức; 6- Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Thứ ba, thường xuyên khắc phục những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong lãnh đạo công tác tư tưởng. Lãnh đạo tư tưởng là một công việc lâu dài, phức tạp, khó khăn, bởi tư tưởng con người luôn thay đổi, phát triển theo tình hình, hoàn cảnh thực tế. Cho nên, lãnh đạo tư tưởng cần phải căn cứ vào sự thay đổi của hoàn cảnh, nhiệm vụ mà kịp thời đề ra nội dung, yêu cầu. Không thể định ra yêu cầu về tư tưởng quá cao, hoặc lại quá thấp so với nhiệm vụ.

Để lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, trước hết phải nắm vững nguyên tắc, cần phải có tinh thần tích cực và khôn khéo. Đồng chí cũng phê bình nghiêm khắc bệnh làm công tác tư tưởng kiểu hành chính, mệnh lệnh, cần giải thích, động viên, khích lệ, thuyết phục, định hướng, dẫn dắt. Mục đích lãnh đạo tư tưởng là làm cho cán bộ, chiến sĩ biết phân biệt đúng, sai, cái tốt và chưa tốt để có tư tưởng đúng, khắc phục sai trái.

Để làm được điều đó, trong lãnh đạo tư tưởng phải giải quyết vấn đề tận gốc, phải đi từ giáo dục mục tiêu lý tưởng cách mạng cho quần chúng, chỉ rõ mục đích chiến đấu để làm gì, chiến đấu cho ai, vì sao mà chiến đấu. Đồng thời hết sức phản đối thái độ tiêu cực, ba phải, lừng chừng trong lãnh đạo tư tưởng. Có như vậy, mới nâng cao được trình độ giác ngộ cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ cấp dưới tự giác sửa chữa những sai lầm tận gốc, từ chỗ còn đang do dự đến chỗ dũng cảm hy sinh, quyết tâm tiêu diệt địch, từ chỗ ngại khó khăn, gian khổ đến chỗ vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong điều kiện hoàn cảnh phức tạp thì tình hình tư tưởng cũng diễn biến phức tạp. Lãnh đạo tư tưởng phải từ phức tạp nhìn thấy trước, bao quát được mọi vấn đề. Đại tướng khẳng định: “Giáo dục chính trị, cải tạo tư tưởng càng nhiều, càng kỹ, càng công phu bao nhiêu thì càng giảm bớt được sai lầm cho cán bộ, bảo toàn được cán bộ và càng tránh được những biện pháp về tổ chức bấy nhiêu. Điều đó đặc biệt có lợi. Phương châm lấy giáo dục làm chính là phương châm rất đúng để giải quyết mâu thuẫn nội bộ Quân đội. Đảng ta rất chú trọng giáo dục chính trị, cải tạo tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ”.

Đại tướng luôn căn dặn, trong lãnh đạo tư tưởng phải biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục, tránh thái độ hấp tấp, vội vàng, nóng nảy, giản đơn hoặc dùng mệnh lệnh, uy quyền để bắt người ta phải theo. Phải thấu hiểu: “Là người lãnh đạo phải đặt mình vào hoàn cảnh và hiểu rõ quần chúng mà dùng lý lẽ thuyết phục cho phù hợp. Đi đôi với việc dùng lý lẽ để thuyết phục là phải lấy thái độ chân thành mà cảm hóa quần chúng. Phân biệt rõ mặt tốt, mặt chưa tốt của từng người, cái gì tốt thì biểu dương, khuyến khích, cái gì chưa tốt thì đấu tranh, phê bình, không nên thấy có việc gì sai trái thì cho người ta là hỏng bét cả, như thế là không đúng”.

Không nên nhận định tư tưởng một cách qua loa mà phải nắm chắc, đi sâu phân tích bản chất của vấn đề, tìm ra được nguyên nhân của những thắc mắc, phải mở rộng dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình. Đại tướng nhắc nhở lãnh đạo, chỉ huy phê bình việc chứ không phê bình người; phê bình phải từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, kiên quyết đấu tranh để giữ vững cái đúng, tiếp thu cái đúng, phê phán đến nơi đến chốn cái sai để tăng cường đoàn kết, nhất trí, nâng cao nhận thức, rèn luyện lập trường, quan điểm tư tưởng cách mạng, chứ đừng lợi dụng nhân cơ hội phê bình việc làm sai mà trù dập cấp dưới.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một hình ảnh cao đẹp về một con người cộng sản, một vị tướng tài đức, trí dũng song toàn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong cách lãnh đạo tư tưởng của Đại tướng luôn là những bài học có tính thời sự cho Quân đội ta.

Đại tá, TS NGUYỄN DUY PHƯƠNG, Phó chủ nhiệm Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-1-1-1914-1-1-2024-lay-thai-do-chan-thanh-ma-cam-hoa-quan-chung-757730