KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo Sắc lệnh 110/SL ngày 20/01/1948, khi ông mới 37 tuổi. Vào những năm đầu của cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng đã có thời gian hoạt động và để lại nhiều dấu ấn lịch sử cách mạng quan trọng tại tỉnh Bắc Kạn. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta cùng nhau ôn lại những dấu ấn lịch sử quan trọng trong những năm đầu của giai đoạn cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng đã hoạt động trên địa bàn tỉnh trước cách mạng Tháng Tám.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941, Việt Bắc được chọn làm căn cứ lớn xây dựng lực lượng vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi xem xét các điều kiện đã chỉ ra rằng: “Từ Cao bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Người chỉ thị “xây dựng con đường quần chúng” nối liền các trung tâm cách mạng với nhau.

Thực hiện chỉ đạo đó, năm 1942 tại Cao Bằng, Ban Thanh niên Nam tiến (hạt nhân của Chi bộ Nam tiến) được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Để giúp quần chúng có điều kiện tiếp thu chủ trương, đường lối của Đảng qua tài liệu, sách báo cách mạng. Cán bộ Chi bộ Nam tiến được cử về cơ sở củng cố và mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự. Do trình độ của Nhân dân lúc đó còn thấp nên chương trình học tập được đơn lược cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bài “Việt Minh ngũ tự kinh” do đồng chí Võ Nguyên Giáp sáng tác được dịch ra các tiếng: Tày, Mông, Dao và được tuyên truyền rộng rãi tới Nhân dân. Bài ca đã trở thành lời kêu gọi các tầng lớp Nhân dân đứng lên cứu nước, cứu nhà dưới ngọn cờ của Việt Minh. Bài ca kêu gọi: “Ta hết lòng hăng hái/ Đi tổ chức tuyên truyền/ Tìm thêm nhiều hội viên/ Vào Hội đoàn cứu quốc/... Cùng đồng tâm hiệp lực/ Đánh đuổi bọn hung tàn/ Để lấy lại giang san/ Mưu tự do độc lập”. Thông qua hoạt động tuyên truyền, học tập đã giúp cho trình độ giác ngộ, khí thế cách mạng của quần chúng nâng lên rõ rệt. Không chỉ những nam giới tích cực tham gia cách mạng, mà phụ nữ các dân tộc cũng hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc, tích cực luyện tập quân sự... Đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập “Đội xung phong Minh Khai” gồm 05 đồng chí, do đồng chí Tự Quyết làm đội trưởng, để đáp ứng phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ của phụ nữ các dân tộc. Hoạt động tuyên truyền của cán bộ Chi bộ Nam tiến và đội xung phong Minh Khai đã giúp phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng. Đông đảo quần chúng Nhân dân đã tham gia Mặt trận Việt Minh. Đây là điều kiện quan trọng cho năm 1943 các đội Nam tiến xây dựng và phát triển các Hội cứu quốc thuận lợi và rộng khắp...

Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của các đội Nam tiến, hành chục cuộc mít tinh đã được tổ chức ở Thượng Ân, Cốc Đán, Đức Vân, Vân Tùng, Thuần Mang... Trong đó đáng chú ý hơn cả là hai cuộc mít tinh ở Diều Phon và Khưa Vài, xã Thượng Ân: Cuộc mít tinh ở Diều Phon mừng thắng lợi “Đại hội liên hoan các dân tộc Cao - Bắc - Lạng đã tập hợp hầu hết các Hội Việt Minh trong toàn huyện Ngân Sơn”. Đến cuối tháng 9/1943, tại Khưa Vài tổ chức một cuộc mít tinh lớn; ngay sau cuộc mít tinh này, dưới chân thác nước khu Nà Coỏng Tát (Bản Duồng xã Thượng Ân), đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nghĩa đã tổ chức lễ kết nạp những đội viên trung kiên vào Đảng gồm: Đồng chí Thành Tân (Đồng Văn Bằng), đồng chí Đông Sơn (Doanh Hằng) và tuyên bố thành lập Chi bộ Chí Kiên do đồng chí Nghĩa (Dương Mạc Hiếu) nguyên Bí thư Chi bộ Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng) làm Bí thư Chi bộ. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn. Chi bộ chí Kiên ra đời là Chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở tỉnh Bắc Kạn...

Tháng 10/1943 Ban Chấp hành Việt Minh tổng Chí Kiên được thành lập tại bản É xã Thượng Ân. Ngày 7/11/1943, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Ban Chấp hành Việt Minh châu Ngân Sơn lấy tên là châu Ngọc Quyến. Tại Chợ Rã phong trào Việt Minh phát triển mạnh ở các xã Hà Hiệu, Chu Hương, Mỹ Phương lan rộng ra đồng bào các dân tộc ở núi Phja Bjoóc lan sang Nặm Tốc (Yến Dương)... Để kỷ niệm thắng lợi và ghi nhận sự phát triển của phong trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặt tên núi Phja Bjoóc là núi “Cứu Quốc”... Cuối năm 1943 phong trào cách mạng ở Bắc Kạn phát triển rộng khắp từ Ngân Sơn đến Chợ Rã, từ Bạch Thông đến Chợ Đồn...

Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, thực dân Pháp dựng lên lực lượng lính khố xanh, lính dõng tiến hành truy lùng, tổ chức càn quét, vây bắt cán bộ, khủng bố quần chúng cách mạng ở khắp địa bàn tỉnh, nhằm cô lập cán bộ, đảng viên với quần chúng. Các cuộc khủng bố của kẻ thù từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944 đã làm cho phong trào cách mạng ở Bắc Kạn gặp không ít tổn thất (Chín đồng chí đã hy sinh, trong đó có đồng chí Đồng Văn Bằng, các đồng chí cán bộ Nam tiến: Đức Xuân, Hồng Giang, Mỹ Thanh... gần 200 người bị tù đày, hàng nghìn quần chúng bị cướp bóc, tra tấn dã man, bị dồn vào trại Pá Deng...). Mặc dù bị địch khủng bố dã man, nhưng phong trào cách mạng ở Bắc Kạn vẫn trụ vững. Những tấm gương oanh liệt của cán bộ, đảng viên đã tạo sức cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhân dân bí mật che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng với khẩu hiệu “không biết, không thấy cộng sản”; “không đầu hàng, không đầu thú”... Vượt qua những khó khăn do các cuộc khủng bố của kẻ thù, phong trào cách mạng ở Bắc Kạn nói riêng và Cao - Bắc - Lạng nói chung từng bước phục hồi và phát triển ngày càng mạnh mẽ...

Ngày 12/3/1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại Cao - Bắc - Lạng chưa liên lạc được với Trung ương Đảng, nhưng nhận rõ thời cơ, Ban Việt Minh Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng đã họp và ra nghị quyết:

“1. Đánh đổ chế độ thống trị của Pháp ở hương thôn, rồi tùy nơi, sẽ thành lập chính quyền nhân dân từ cấp xã đến cấp châu, huyện, phủ đến cấp tỉnh.

2. Phân phối cán bộ của đội tuyên truyền về cùng các đội vũ trang địa phương, tổ chức thêm những đơn vị Giải phóng mới, chuẩn bị trực tiếp đánh Nhật.

3. Phá hoại đường xá, cầu cống, dân chúng tích cực làm vườn không, nhà trống khắp nơi.

4. Đối với quân đội Pháp bị Nhật đánh đuổi, chủ trương không khiêu chiến với họ trong lúc họ rút lui, mà tích cực kêu gọi họ cùng nhau thành lập mặt trận chống Nhật”...

Trong những ngày tháng 3 năm 1945, các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phân phối lực lượng tiến về các địa phương ở Cao Bằng và Bắc Kạn để phát động quần chúng nổi dậy. Ngày 20/3/1945, một đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến vào địa phận xã Thượng Ân. Sáng ngày 21/3/1945 một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại đây nhằm biểu dương lực lượng phát động quần chúng nổi dậy. Cùng ngày đồng chí Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho Đồn trưởng Ngân Sơn Đờđông kêu gọi chúng hợp tác với ta đánh Nhật, đến hết ngày 21/3/1945, 16 xã thuộc huyện Ngân Sơn đã được giải phóng. Ở phía Chợ Rã, ngày 19/3/1945 tại Pò Mò (Bằng Thành), một toán lính địch trắng trợn cướp bóc nhân dân và nổ súng vào lực lượng vũ trang ta. Tự vệ Cao Minh phối hợp với lực lượng vũ trang Thiện Thuật và nhân dân đã chặn đánh địch buộc chúng phải đầu hàng, quân ta thu được 30 súng các loại. Trên đà thắng lợi nhân dân Chợ Rã đã tiến lên đánh chiếm đồn Pác Nặm, xóa bỏ chính quyền địch ở các xã phía Bắc. Ngày 21/3/1945, bộ phận đi trước của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến vào Chợ Rã. Ngày 23/3/1945 châu lỵ Chợ Rã được giải phóng hoàn toàn... Ngày 24/3/1945 trước đông đảo quần chúng mít tinh ở châu lỵ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến toàn châu Chợ Rã... Trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng, ngày 30/3/1945 đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho lập Ủy ban nhân dân lâm thời châu Chợ Rã. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước 1945. Ngay sau đó, do yêu cầu của cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo khác về Tân Trào (Tuyên Quang)... Ban liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được tuyên bố giải thể. Các tỉnh tự hình thành Tỉnh ủy lâm thời để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Nhật giành chính quyền.

Như vậy, phong trào cách mạng ở Bắc Kạn do Chi bộ Nam tiến, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận đã giành được những thắng lợi hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến giành chính quyền ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, cùng với cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam. /.

Hà Đức Thưởng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/chinh-tri/202108/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dai-tuong-vo-nguyen-giap-5e81bf8/