Làng bên chân sóng
Không ai nhớ tuổi của các làng chài, chỉ biết rằng, từ khi có biển, làng đã nhộn nhịp với ghe thuyền, chài lưới và cả những buồn vui bên chân sóng.
“Làng tôi nghề biển, nghề sông”
4 giờ, trời còn chưa tỏ nhưng vùng ven biển thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sáng đèn, rộn ràng tiếng chài lưới ra khơi. Những người đàn ông thân hình vạm vỡ, rám nắng đẩy những chiếc thuyền thúng ra khơi. Khi những chiếc thuyền thúng nhoài về phía biển, từ bờ nhìn ra chỉ còn những chấm nhỏ. Đó là một ngày mới bắt đầu.
Thuyền ra khơi, biển vẫn ồn ào tiếng trẻ thơ nô đùa trên cát, tiếng ghe cộ còn lại trên bãi. 8 giờ 30 phút sáng, những chuyến thuyền thúng đầu tiên đã cập bờ. Các cô, các chị chạy nhanh về phía biển, 2 tay kéo thuyền phụ chồng con. Khoác chiếc áo phong phanh, đội chiếc nón lá, chị Trần Thị Sen nhặt nhạnh từng con cá, con tôm, ghẹ, mực vướng vào lưới. Vừa làm chị Sen vừa kể, lớn lên từ làng chài, chị đã gắn bó hơn nửa đời mình với biển. Chồng chị đi biển, chị cũng coi biển là nồi cơm, là máu thịt của cuộc đời.
“Dù có lúc sóng gió, chúng tôi phải chứng kiến biết bao sự mất mát ở biển. Nhưng cuối cùng biển vẫn cho chúng tôi một đời gắn bó, biển cho cái ăn, cái mặc, biển cho chúng tôi một cuộc sống mặn mòi” - chị Sen nói.
Bên làn sóng cuồn cuộn, ông Lê Hữu Đức (58 tuổi) đẩy chiếc thuyền thúng vào bờ cát rồi thoăn thoắt gỡ hơn 20 tấm lưới đang trộn vào nhau sau một chuyến đánh bắt trở về. Ông Đức cho biết, ngày nào gia đình ông cũng thức dậy sớm và bắt đầu ra biển từ lúc 4 giờ sáng. Khi thuyền vào bờ, vợ ông phụ giúp phân loại ra từng loại cá: cá đối, cá phai, cá ngân, mực, tôm… rồi sau đó đem ra chợ Phước Hải để bán. Theo ông Đức, những người đi thuyền thúng như ông không phải tốn nhiên liệu, tuy nhiên thu nhập lại thấp hơn những người đánh bắt xa bờ. “Ngày nhiều, tôi đánh được vài chục kilogam. Ngày nào sóng to gió lớn, đánh gần bờ cũng được 5-7kg cá mỗi ngày, vợ chồng già đủ sống” - ông Đức vui vẻ chia sẻ.
Rời Phước Hải, chúng tôi đến thăm làng cá Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Giữa bộn bề vất vả với lưới, câu, ghe cộ nhưng vẫn nghe ngân vang đâu đó: “Làng tôi nghề biển nghề sông/Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài”. Ông Đặng Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho hay, đó là câu ca dao mà ngư dân Bình Châu vẫn ngân nga, như một niềm tự hào bởi nghề đã mang lại cho họ một cuộc sống đủ đầy. Theo ông Quân, thiên nhiên đặc biệt ưu đãi Bình Châu khi vùng biển ngoài khơi cá mực thường kéo về đẻ trứng. Trứng mực vùng Bình Châu ngọt bùi, mực ở Bình Châu thịt trắng và dai, ngon nên rất được du khách ưa chuộng. Ngoài mực, cá thu ở Bình Châu cũng là loại hải sản có giá trị thương mại cao.
Lão ngư Trần Văn Diệm (tổ 4, ấp Thanh Bình) cho biết, gia đình ông từ Quảng Nam vào Bình Châu làm nghề đánh bắt từ năm 1945. Con cháu lớn lên lại lập gia đình, sinh con và tiếp nối nghề cá cho đến nay. Theo ông Diệm, người dân xã Bình Châu đến từ nhiều xã vùng biển trong tỉnh: Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nhờ vậy mà nghề biển ở Bình Châu cũng phong phú, có lưới bờ, thúng câu, có câu bủa tôm, câu thu, lại có cả mành mực.
Làng chài “thay da đổi thịt”
Theo UBND xã Bình Châu, mặc dù những năm gần đây hải sản có phần cạn kiệt, nghề biển không còn hưng thịnh như hàng chục năm về trước nhưng đánh bắt hải sản vẫn là ngành kinh tế chủ lực khi hiện nay vẫn có đến 70% dân số sống bằng nghề biển. Tính đến cuối năm 2023, tổng số tàu thuyền xã Bình Châu hơn 500 chiếc với tổng sản lượng khai thác đạt hơn 13.000 tấn. Lãnh đạo xã khẳng định, bằng tình yêu với biển và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực cho ngư dân Bình Châu vươn khơi xa, sẵn sàng đoàn kết, giúp đỡ nhau bảo vệ ngư trường truyền thống của Việt Nam. Chính nhờ sự can trường bám biển, mà đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân địa phương không ngừng được nâng lên.
Trong khi đó, theo lãnh đạo thị trấn Phước Hải, Phước Hải là một làng cá lâu đời của huyện Đất Đỏ. Làng có 7,8km bờ biển trải dài từ thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đến xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) với 9 khu phố nằm ven biển, gần 80% người dân của thị trấn sống bằng nghề biển. Những ngư phủ gắn bó gần ngót thế kỷ với làng chài này cho hay, làng chài Phước Hải hình thành theo bước đường của bà con ngư dân từ các tỉnh miền Trung dọc theo bờ biển về đây lập nghiệp sinh sống. Đến nay, làng chài đã “thay da đổi thịt”, đời sống ngư dân đang ngày một khấm khá lên.
Nhiều năm qua, thị trấn Phước Hải đã đầu tư, chuẩn bị cho phát triển mạnh về đánh bắt xa bờ và các dịch vụ nghề cá. Từ phương tiện nhỏ như thuyền thúng, buồm chèo, máy móc thô sơ đánh bắt ven bờ nên sản lượng thu hoạch còn hạn chế, đến nay, làng chài Phước Hải đã có hàng trăm phương tiện hiện đại đánh bắt xa bờ, sản lượng thu hoạch hàng năm lên tới hàng nghìn tấn. Tuy nhiên, phần đông ngư dân nơi đây vẫn dùng thuyền thúng làm phương tiện chính.
Theo ông Phan Văn Hảo - Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải, mỗi năm, làng chài Phước Hải cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn khô cá các loại. Số lượng nhân công theo nghề phong phú và đa dạng, mọi người đều hăm hở và tất bật với nghề. Họ có thể là người địa phương, cũng có thể là người dân từ khắp các vùng miền khác nhau đến làm thuê. Khô cá Phước Hải cũng vì thế mà vươn ra thị trường, không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn các vùng khác trong nước.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-ben-chan-song-10284861.html