Kỷ niệm 20 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật

Sáng 29-11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật tổ chức trao giải năm 2019 và kỷ niệm 20 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật.

TS Nguyễn Nhật Linh (trái) và TS Đinh Văn Viễn (phải) nhận giải nhì Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, năm 2019.

TS Nguyễn Nhật Linh (trái) và TS Đinh Văn Viễn (phải) nhận giải nhì Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, năm 2019.

Lần trao giải năm nay không có giải nhất. Hai giải nhì được trao cho TS Nguyễn Nhật Linh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) với luận án “Sự xâm lược của triều Minh trong bối cảnh Đông Á đầu thế kỷ XV”và TS Đinh Văn Viễn (Đại học Hoa Lư, Ninh Bình) với luận án “Làng Côi Trì (Yên Mô, Ninh Bình) từ thành lập đến giữa thế kỷ thứ XIX”. Bốn giải ba được trao choTS Lê Thị Quý Đức (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế) với luận án “Quan hệ giữa Ấn Độ và một số nước Đông-Nam Á về chính trị - ngoại giao (1947 - 1964); TS Phạm Hồng Kiên (Trường đại học Thủ Dầu Một) với luận án “Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở từ năm 1997 đến năm 2015”; TS Bùi Mạnh Thắng (Trường đại học Tây Bắc) với luận án “Quá trình tổ chức nông dân Hưng Yên và Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La (1961 - 1965)” và TS Nguyễn Doãn Văn (Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội) với luận án: “La Thành (Thăng Long) trong lịch sử qua tư liệu khảo cổ học”.

Danh nhân Phạm Thận Duật sinh ngày 4-11-1825, tại thôn Yên Mô Thượng (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, là nhà chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục và là nhà sử học lớn. Ông đảm nhiệm chức Phó Tổng tài Quốc sử quán và là người tổng duyệt bộ chính sử đồ sộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Năm 1885, Phạm Thận Duật cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị tổ chức kháng chiến. Ông nhận lệnh của vua thảo chiếu Cần vương. Bản chiếu mang tinh thần yêu nước mạnh mẽ đã góp phần tích cực khởi động phong trào chống xâm lược cuối thế kỷ XIX. Vua Hàm Nghi phong Phạm Thận Duật là Khâm sai đại thần và cử ra bắc để chiêu tập nghĩa sĩ. Trên đường đi, ông bị Pháp bắt. Phạm Thận Duật hy sinh trên biển ngày 29-11-1885, khi bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ.

Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật thành lập ngày 15-8-2000, mục đích góp phần động viên, khuyến khích phát triển sử học Việt Nam. Hội đồng xét chọn giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho các luận án tiến sĩ xuất sắc mỗi năm là các giáo sư đầu ngành, các nhà sử học hàng đầu, đã bảo đảm chất lượng và uy tín rất cao của giải thưởng này trong giới sử học. Quỹ còn trao học bổng, trao giải thưởng khuyến học cho các học sinh nghèo vượt khó, các học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh và tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, KTS Phạm Vũ Hưng, Chủ tịch Quỹ, cho biết, Quỹ sẽ tiếp tục thử nghiệm mở rộng các hoạt động mới và mong muốn có thêm nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay để tôn vinh lịch sử dân tộc, khuyến khích sử học và học sử. Sau 20 lần trao giải, đến nay đã có 107 TS được tặng giải thưởng sử học có uy tín này.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/42408102-ky-niem-20-nam-giai-thuong-su-hoc-pham-than-duat.html