Kỷ niệm 20 năm Ngày Tạp chí Mặt trận ra số đầu tiên: Bối cảnh ra đời của Tạp chí Mặt trận
Tạp chí Mặt trận ra đời do yêu cầu của công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình hiện nay, cũng như đòi hỏi về công tác lý luận và tổng kết thực tiễn hoạt động Mặt trận phục vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Tháng 8/2001, Tạp chí Mặt trận ra số đầu tiên, đến nay qua 20 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Mặt trận đã xuất bản 216 số luôn bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động và đang không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cách đây 20 năm, Tạp chí Mặt trận đã ra đời phục vụ bạn đọc. Ngày nay, nhìn lại bối cảnh ra đời của Tạp chí, càng thấy rõ việc thành lập Tạp chí Mặt trận là do đáp ứng đòi hỏi khách quan của việc đổi mới công tác Mặt trận. Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Lê Quang Đạo mà năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Từ yêu cầu đổi mới công tác Mặt trận
Nói đến bối cảnh ra đời của Tạp chí Mặt trận nên bắt đầu từ những sự kiện lịch sử rất quan trọng đã dẫn đến yêu cầu đổi mới công tác Mặt trận. Tháng 11/1993, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết 07 về Tăng cường đại đoàn kết dân tộc và phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới. Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến lớn lao trong sự lãnh đạo của Đảng đối với khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ và yêu cầu mới cao hơn đối với công tác Mặt trận trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Tháng 9/1994, Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra Chương trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây là bản Cương lĩnh mới của Mặt trận gồm 12 điểm nhằm quán triệt những quan điểm của Nghị quyết 07 của Đảng. Hai sự kiện quan trọng đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác Mặt trận, đặt công tác Mặt trận trên cơ sở khoa học. Công cuộc đổi mới đất nước đã làm thay đổi bộ mặt xã hội ta, thay đổi cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội và đặt ra nhiều vấn đề mới cả về lý luận, thực tiễn cho công tác Mặt trận. Những kinh nghiệm và nhận thức truyền thống trước đây tuy rất đáng quý, nhưng đã không đủ giải đáp được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Tình hình diễn biến ở trong nước và quốc tế hàng ngày, hàng giờ đặt ra những yêu cầu mới, tư duy, phương pháp, phong cách mới.
Có nhiều chủ trương đã được Chủ tịch Lê Quang Đạo và tập thể Ban Thường trực đề ra, trong đó có chủ trương quan trọng là tổ chức triển khai ngay công tác lý luận của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Mặt trận, Đề án Công tác lý luận đã được Đảng đoàn, Ban Thường trực thông qua. Theo Đề án đó, một kế hoạch hoạt động gồm nhiều đề tài nghiên cứu và dự án khảo sát thực tế đã được triển khai, Trung tâm Công tác lý luận được thành lập, Tạp chí Mặt trận được ra đời, công trình khoa học cấp Nhà nước tổng kết lịch sử “Quá trình hình thành và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam” được tổ chức biên soạn gồm 3 tập Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, 3 tập Biên niên sự kiện lịch sử và 3 tập Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Như vậy, Tạp chí Mặt trận ra đời nằm trong khuôn khổ Đề án Công tác lý luận nói chung của Mặt trận và là một mắt xích quan trọng của Đề án đó nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi bức thiết đổi mới công tác Mặt trận.
Tạp chí Mặt trận trong những ngày đầu tiên thành lập
Theo Quyết định thành lập, Tạp chí Mặt trận là cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Thường trực. Trong Lời chúc mừng Tạp chí Mặt trận ra đời, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng nhấn mạnh, Tạp chí phải “giúp mọi người tìm hiểu, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về chính sách và công tác Mặt trận; đồng thời góp ý với Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới…”. Trong Lời nói đầu tại số ra mắt của Tạp chí Mặt trận, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã chỉ rõ: “Tạp chí Mặt trận là cơ quan ngôn luận chính trị - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là diễn đàn để tập hợp, trao đổi thông tin, tổng kết lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, góp phần bồi dưỡng nâng cao quan điểm, nhận thức và trình độ lý luận, nghiệp vụ về công tác Mặt trận”. Đó là tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị nặng nề cần được thể hiện trong nội dung, hình thức của Tạp chí. Với vị trí là một tạp chí của hệ thống Mặt trận cả nước, Tạp chí phải đảm đương việc nghiên cứu ở tầm vĩ mô những vấn đề lý luận và thực tiễn của khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Những ngày đầu, Tạp chí gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt. Do thiếu cán bộ, thiếu từ Thư ký Tòa soạn, biên tập viên, kế toán, phát hành, chế bản…, tuy là đầu mối trực thuộc Ban Thường trực, nhưng Tạp chí phải tạm thời đặt trong Trung tâm Công tác lý luận và do các cán bộ của Trung tâm kiêm nhiệm từ Tổng Biên tập cho đến các cán bộ của Tòa soạn. Cơ sở vật chất cũng được sử dụng chung với Trung tâm Công tác lý luận. Tạp chí chưa có nguồn thu mà hoạt động theo cơ chế bao cấp. Cái khó khăn nhất là phải thể hiện được tính đặc thù của Mặt trận trong hình thức và nội dung của Tạp chí, làm sao tìm được hướng đi để không trùng lẫn với Tạp chí của các tổ chức khác và phản ánh được hình ảnh, tiếng nói của toàn dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Thời gian đầu, Tạp chí đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Chủ tịch Lê Quang Đạo và Ban Thường trực. Ban Thường trực đã họp bàn để duyệt maket bìa, chọn màu bìa, với hai màu đỏ và vàng là màu cờ Tổ quốc, duyệt cơ cấu chuyên mục và cử một Ủy viên Ban Thường trực phụ trách theo dõi trực tiếp, đọc duyệt bài trước khi đưa in. Sự chỉ đạo nghiêm túc đó là cần thiết để tạo nền móng ban đầu có kỷ cương cho tờ Tạp chí đầu tiên của Mặt trận. Trong điều kiện kinh tế thị trường, tuy còn tìm tòi, học hỏi, Tạp chí đã lấy việc thực hiện tôn chỉ, mục đích làm kim chỉ nam cho hoạt động, không để chịu ảnh hưởng của thương mại hóa làm thay đổi hình ảnh của Tạp chí.
Tập thể cán bộ Tạp chí tuy phải kiêm nhiệm nhiều công việc nặng nề và mới mẻ nhưng luôn tích cực, cố gắng khắc phục khó khăn, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng của Tạp chí, thực hiện tôn chỉ mục đích và đảm bảo cao nhất tính chuyên nghiệp của Tạp chí, thể hiện đầy đủ bản sắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Những năm tháng đầy khó khăn ban đầu đã qua đi, Tạp chí dần dần định hình được hình thức và nội dung được bạn đọc hoan nghênh và ủng hộ; khi đã đủ điều kiện về nhân sự, năm 2004 Tạp chí được tách khỏi Trung tâm Công tác lý luận, chính thức trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Ban Thường trực, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để từng bước trở thành đơn vị sự nghiệp có thu như Quyết định thành lập Tạp chí.
Nhiều năm đã trôi qua, Tạp chí Mặt trận đã trưởng thành và có nhiều thay đổi, Tạp chí Mặt trận ngày nay với đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ, có trình độ chuyên môn tiếp cận được với phương pháp làm báo hiện đại, nhưng vị trí của Tạp chí trong công tác lý luận của Mặt trận với tôn chỉ, mục đích đã được xác định từ ngày đầu chắc chắn sẽ không thay đổi và sẽ được thực hiện ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu mới của công tác Mặt trận. Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất rất phong phú, sinh động, nhưng cũng còn nhiều vấn đề mới, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho công tác lý luận nói chung và Tạp chí Mặt trận nói riêng.
Nhân kỷ niệm 20 năm Tạp chí Mặt trận ra số đầu tiên, xin chúc Tạp chí Mặt trận sẽ không ngừng lớn mạnh và ngày càng giành được nhiều sự tin cậy, yêu mến của bạn đọc.