Kỷ niệm 24 năm cuộc vận động 'Vì người nghèo': Quyết tâm thoát nghèo bền vững

24 năm trước, hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, ngày 17-10-2000, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động 'Ngày vì người nghèo' trên phạm vi toàn quốc, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tại TPHCM, thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ và sự vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm từ 1,49% xuống 0,33%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra.

Tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện

Gần 1 tuần được nhận phương tiện sinh kế là chiếc xe gắn máy do Ủy ban MTTQ TPHCM trao tặng trong lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024, bà Trần Thị Thiên Trang (phường Võ Thị Sáu, quận 3), hiện làm tạp vụ tại một quán ăn ở quận Gò Vấp vô cùng hạnh phúc bởi việc đi lại của bà thuận tiện và an toàn hơn.

Bà Trang năm nay 52 tuổi, là mẹ đơn thân nuôi 3 con đang tuổi ăn học. Không có nhà ở, 4 mẹ con ở nhờ nhà người em. Nhiều năm nay, dù cố gắng đi làm, có khi làm cùng lúc nhiều công việc nhưng thu nhập của 1 phụ nữ phải lo đến 4 miệng ăn, tiền học hành của các con nên gia đình bà Trang cứ thoát nghèo đợt này thì đợt sau lại rơi vào diện hộ nghèo.

“Hoàn cảnh như vậy chứ tôi đâu muốn mình nghèo mãi. Năm nay, đứa con lớn học đại học gần xong, đã đi làm thêm để phụ tôi lo cho 2 em. Con giữa lại được nhận máy tính để phục vụ việc học. Tôi luôn động viên các con ráng học để thoát nghèo”, bà Trang chia sẻ niềm vui khi nghĩ về tương lai.

 Người dân phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM được trao tặng phương tiện sinh kế để ổn định cuộc sống. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Người dân phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM được trao tặng phương tiện sinh kế để ổn định cuộc sống. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Trao “cần câu” là các phương tiện sinh kế để người nghèo từ đó làm ăn, buôn bán, có thêm thu nhập cho gia đình, dần ổn định cuộc sống được triển khai hiệu quả tại TPHCM. Gần 1 năm bước ra khỏi diện hộ nghèo, nhưng bà Phạm Thị Thu Hạnh (ngụ phường 3, quận 5) vẫn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, khi thì phần quà, thẻ BHYT để bà an tâm buôn bán tăng thêm thu nhập cho gia đình. “Sự quan tâm ấy đã giúp gia đình tôi quyết tâm phấn đấu thoát nghèo và cố gắng không để tái nghèo”, bà Hạnh bộc bạch.

Đến nay, TPHCM có 9 địa phương hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025, gồm: các quận 3, 5, 7, 10, 11, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận và huyện Củ Chi. Trong đó, quận 5 là địa phương đầu tiên hoàn thành mục tiêu.

Theo đại diện UBND quận 5, chủ trương của quận là giảm chính sách cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện nhằm hạn chế tình trạng ỷ lại. Điều đó nhằm giúp các hộ nỗ lực vượt khó từng bước, tìm giải pháp thoát nghèo căn cơ, không để tái nghèo.

An cư mới thoát nghèo

Tại lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024 mới đây, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp tại TPHCM đã đăng ký xây dựng, sửa chữa 358 căn nhà tạm, nhà dột nát... trị giá hơn 20 tỷ đồng. Tháng cao điểm năm nay, TPHCM tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhằm chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Phát huy truyền thống nhân ái, bao dung, nghĩa tình, sẵn sàng san sẻ với đồng bào gặp khó khăn và yếu thế trong cuộc sống, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu xóa 10% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn có đủ điều kiện trước ngày 30-4-2025.

 Tổ chức Công đoàn TPHCM tặng mái ấm công đoàn cho đoàn viên gặp khó khăn về nhà ở

Tổ chức Công đoàn TPHCM tặng mái ấm công đoàn cho đoàn viên gặp khó khăn về nhà ở

Là một trong những địa phương có số lượng đăng ký xây dựng, sửa nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất (22 căn, kinh phí dự kiến hơn 1 tỷ đồng), bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 6, cho biết, quận đang triển khai đến 14 phường để khảo sát, nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Theo bà Hương, quận 6 hiện còn nhiều người dân sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là một cách làm hay giúp người dân an cư, thêm quyết tâm vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo.

Thời gian qua, thông qua nhiều hình thức, các tổ chức, ban ngành, đoàn thể tại TPHCM đã giúp xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân khó khăn. Cụ thể, tổ chức Công đoàn thành phố thường xuyên trao kinh phí sửa chữa các mái ấm công đoàn.

Trong các đợt tình nguyện hè, tuổi trẻ TPHCM đã góp công sức sửa chữa nhà tình bạn cho hộ nghèo, gia đình đoàn viên thanh niên khó khăn. Hay công trình “Xây dựng, sửa chữa 500 căn nhà tình thương” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM - Công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đến nay đã giúp 575 gia đình người nghèo an tâm trong căn nhà mới khang trang.

Đặc biệt, để bảo đảm chương trình giảm nghèo có hiệu quả thực chất, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 32-CT/TU về việc tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng xác định năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2021-2025, hướng tới chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các địa phương trên địa bàn TPHCM cũng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực của xã hội tham gia thực hiện công tác giảm nghèo.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-niem-24-nam-cuoc-van-dong-vi-nguoi-ngheo-quyet-tam-thoat-ngheo-ben-vung-post763985.html