Kỷ niệm 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2024): Biên giới mùa xuân - Bài 2: Sức sống Vị Xuyên

Khác với các địa phương khác trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phải đến năm 1989, Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) mới 'im tiếng súng', tính đến nay là 35 năm. Trái với cảnh hoang tàn của 'lò vôi thế kỷ' những năm 1979-1989, hiện nay Vị Xuyên đang trở thành một trong những huyện miền núi phát triển nhất Hà Giang.

Những ngày tháng lịch sử

Đầu năm 2024, chúng tôi trở lại Vị Xuyên - mảnh đất từng được ví như “cối xay thịt” hay “lò vôi thế kỷ” - chỉ sự ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979-1989. Đi dọc con đường trung tâm huyện là hàng ngàn ngôi nhà cao tầng với mái tôn đỏ thắm và hàng cây xanh rì được trồng hai bên đường. Chứng kiến sự phát triển của Vị Xuyên hiện nay, không ai nghĩ địa danh này từng là “trận địa” ác liệt và kéo dài nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

 Trung tâm huyện Vị Xuyên hôm nay, nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Trung tâm huyện Vị Xuyên hôm nay, nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Huyện Vị Xuyên hiện có hơn 115.000 nhân khẩu và có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm hơn 47%. Người dân ở đây sinh sống bằng nghề nông là chính. Từ xa xưa trong lịch sử, đồng bào các dân tộc ở Vị Xuyên vốn có truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng để xây dựng và bảo vệ bản làng quê hương. Qua các cuộc chiến tranh và biến đổi của thiên nhiên, người dân Vị Xuyên đã hình thành đức tính chung quý báu: thật thà, bao dung, tự trọng, dũng cảm trong đấu tranh, cần cù kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất, yêu quê hương đất nước. Những đặc tính đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt để tồn tại trước nghiệt ngã của thiên nhiên và chiến thắng mọi kẻ thù.

Lịch sử Đảng bộ huyện Vị Xuyên còn lưu danh những tháng ngày oanh liệt của quân và nhân dân địa phương trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979-1989. Sau khi huy động 60 vạn quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, thì ở biên giới Hà Tuyên (tỉnh cũ, gồm tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang), Trung Quốc đưa 3 trung đoàn vào các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Riêng ở huyện Vị Xuyên, Trung Quốc dùng một trung đoàn đánh vào các xã Lao Chải, Minh Tân, Thanh Thủy. Để bảo vệ xóm làng, tấc đất quê hương, quân và dân địa phương đã dũng cảm chiến đấu. Trên hướng xã Thanh Thủy, vào ngày 1-3-1979, cán bộ, chiến sĩ Trạm công an vũ trang đã đánh lui các đợt tấn công của một tiểu đoàn địch.

Thời điểm đó, toàn huyện được chia thành 8 cụm chiến đấu, mỗi cụm đều có 1 đồng chí ủy viên thường vụ huyện ủy phụ trách. Trong mỗi cụm, nam thanh niên từ 16 đến 45 tuổi và nữ từ 17 đến 35 tuổi đều vào dân quân tự vệ. Sau 3 đợt động viên, tuyển quân năm 1979, đã có hơn 1.000 nam nữ thanh niên nhập ngũ. Thời kỳ đó, toàn dân huyện Vị Xuyên thực hiện ngày làm việc 10 giờ, 8 giờ sản xuất và công tác, 2 giờ huấn luyện quân sự và làm công tác phục vụ chiến đấu. Xã Minh Tân có cụ già 72 tuổi, em bé 12 tuổi và nhiều phụ nữ địu con đi vác đạn. Ở xã Đạo Đức, 60 dân quân trong 5 ngày đã vận chuyển được 8 tấn chông sắt lên trận địa.

Sau khi rút quân ra khỏi biên giới phía Bắc ngày 18-3-1979, phía địch vẫn chốt giữ nhiều điểm cao có lợi trên đường biên giới, tiếp tục khiêu khích vũ trang ở huyện Vị Xuyên. Những trận đánh bảo vệ các điểm cao như 1800A, 1800B, 1875, 1558, 1668, 685… trở nên nổi tiếng bởi sự khốc liệt của đạn pháo, nhất là khu vực Bắc suối Thanh Thủy (xã Thanh Thủy). Giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở Vị Xuyên là giai đoạn 1984-1989. Ước tính, thời điểm đó, bình quân một người dân nơi đây chịu 30 quả đạn pháo, cối. Thời điểm ác liệt nhất, chỉ trong 3 ngày, quân Trung Quốc bắn hơn 100.000 quả đạn pháo từ Vị Xuyên đến thị xã Hà Giang. Trong 5 năm, phía Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đại bác…

Đổi thay trên “vùng đất chết”

Chúng tôi về Thanh Thủy lúc trời đã xế chiều khi học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thanh Thủy vừa kết thúc giờ học. Các em bán trú mang chổi ra dọn dẹp sân trường, cổng trường. Em Bồn Thị Nhung và bạn là Đặng Thị Mây, cùng lớp 6A, chia sẻ, dù nhà cách trường khoảng 8km, nhưng được sự chăm lo của thầy cô, chính quyền nên điều kiện học tập, ăn, ở bán trú rất tốt. Các em yên tâm học hành và chỉ về thăm cha mẹ vào dịp cuối tuần.

Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Vị Xuyên Nguyễn Hữu Việt cho biết, Vị Xuyên là một trong những huyện “động lực” của tỉnh Hà Giang. Những năm qua, thu nhập của người dân được nâng lên nhờ trồng các loại cây có thế mạnh như chè, thảo quả, cam…

Trong thành tựu chung của huyện Vị Xuyên, địa phương đã cơ bản triển khai tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp và xóa bỏ phong tục lạc hậu). Hiện nay, huyện Vị Xuyên duy trì ổn định hơn 2.800ha chè đạt chuẩn VietGAP, hơn 90ha cam đạt chuẩn VietGAP, hơn 2.800ha thảo quả; 28 trang trại, 50 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2023, huyện Vị Xuyên có 16 sản phẩm nông sản, hàng hóa đặc trưng được lên sàn thương mại điện tử phổ biến, 23 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3-4 sao.

Theo các bậc cao niên ở xã Thanh Thủy, từ năm 2015 trở lại đây, địa phương phát triển nhanh hơn so với những năm trước. Cửa hàng tạp hóa, chợ, siêu thị được mở khắp, đời sống nhân dân được nâng lên. Vì thế mà những người như ông Vàng Văn Xuyên (62 tuổi, dân tộc Tày, thôn Giang Nam), ông Bồn Văn Bằn (57 tuổi, thôn Nậm Ngặt) cảm thấy hạnh phúc khi nhớ lại những tháng ngày phải sơ tán lên huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) mấy chục năm trước. Năm 2001, trở về quê hương, ông Xuyên cùng gia đình và ông Bằn khai hoang, phục hóa đất đai để phát triển kinh tế. Hai ông khẳng định, cuộc sống bây giờ tốt hơn gấp 5-6 lần so với trước; trong các thôn không còn hộ đói.

“Lúc trở về thôn, chúng tôi không có quần áo tươm tất, lấy chỗ này vá chỗ kia để có cái mặc. Bây giờ nhà có xe máy, có bếp gas, bếp từ thay bếp củi”, ông Xuyên chia sẻ.

Ông Bằn tiếp lời: “Thôn lúc đó chỉ có 24 hộ, nhưng hiện có tới 64 hộ với kinh tế khá giả. Thay đổi lớn nhất ở Thanh Thủy là kinh tế. Sau cuộc chiến, bộ đội về rà phá bom mìn nên nhân dân mở rộng diện tích đất canh tác, không còn cảnh làm ngô, ăn sắn, rồi mang đi bán để mua mắm muối như trước. Gia đình tôi cũng chuyển đổi giống cây trồng, cung cấp cây giống cho các hộ trong xã, thu nhập khá hơn trước”. Ông Bằn cũng mong rằng, sắp tới xã được quan tâm đầu tư khu trung chuyển hàng hóa với nước bạn. Cùng với tuyến đường cao tốc được mở rộng, bà con sẽ làm ăn tốt hơn nữa…

Theo ông Trương Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, những năm qua, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã Thanh Thủy không ngừng tăng lên. Hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn đang tạo đà phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết công văn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn. Thanh Thủy hiện cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với những địa danh của cuộc chiến năm xưa như Chè chốt 468 của chàng trai trẻ Lý Đức Dân (dân tộc Tày); chè ở các thôn Nà Toong, Cốc Nghè, Nặm Ngặt và Lùng Đoóc…

Thương hiệu Chè chốt 468 là sản phẩm OCOP của xã và đã vươn ra thị trường cả nước. Lý Đức Dân cho biết, chốt 468 ở thôn Nặm Ngặt là điểm chiến đấu ác liệt. Năm 2017, đài hương 468 được khánh thành nên ý tưởng đặt tên cho sản phẩm của anh ra đời từ đó. “Chè chốt 468 vừa để tri ân, vừa để các thế hệ trẻ sau này nhớ tới công lao của các thế hệ đi trước”, Đức Dân bộc bạch.

Trước khi chia tay, ông Trương Tuấn Anh thông tin thêm, năm 2023, xã nhà đã được tỉnh công nhận là đô thị loại 5. Từ đây, các công trình điện, đường, trường, trạm sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện để Thanh Thủy tiếp tục phát triển hơn nữa.

ĐỖ TRUNG - QUỐC KHÁNH - TRẦN LƯU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-niem-45-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-17-2-1979-17-2-2024-bien-gioi-mua-xuan-bai-2-suc-song-vi-xuyen-post726920.html