Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Bình Thuận: Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang
Sau 51 ngày đêm (8/3/1975-27/4/1975) liên tục tấn công và nổi dậy, quân, dân Bình Thuận và Bình Tuy đã giải phóng hoàn toàn quê hương. Trải suốt hơn 21 năm (từ năm 1954 - 1975) chiến đấu kiên cường, quân và dân Bình Thuận đã lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng 'Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang'.
Những trận chiến thắng vẻ vang
Mặc dù bị quân thù đàn áp khốc liệt, phong trào cách mạng ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn nhưng với truyền thống yêu nước, trung thành với Đảng, với dân tộc, quân và dân Bình Thuận đã kiên cường vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công oanh liệt.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh và quyết tâm giải phóng miền nam bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Xe tăng ta án ngữ trước Tòa án (đường Trần Hưng Đạo, thị xã Phan Thiết) vào ngày 19/4/1975. (Ảnh tư liệu của Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Bình Thuận)
Tháng 12/1974, quân ta giải phóng hoàn toàn hai huyện Tánh Linh, Hoài Đức. Ngày 5/4/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cùng với Bộ Chỉ huy tiền phương họp bàn kế hoạch đánh địch và hạ quyết tâm tấn công dứt điểm chi khu Thiện Giáo, giải phóng các xã dọc Lộ 8 và Quốc lộ 1, áp sát thị xã Phan Thiết, sau đó phối hợp với các lực lượng của trên giải phóng thị xã và toàn tỉnh.

Bọn ngụy quyền tỉnh Bình Thuận lẩn trốn, không kịp ra trực thăng trước sức tấn công của quân giải phóng (tháng 4/1975). (Ảnh tư liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận)
Sáng 8/4/1975, quân ta nổ súng tấn công và làm chủ chi khu và quận lỵ Ma Lâm, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết. Ngày 9/4/1975, lực lượng vũ trang của ta tiếp tục đánh chiếm các ấp: Tân Thành, Tầm Hưng, An Phú, Bình An, Bình Lâm.
Từ ngày 10-12/4/1975, Lực lượng vũ trang của Quân khu VI của tỉnh và huyện Hàm Thuận đánh chiếm một số mục tiêu then chốt của địch trên Lộ 8, từ An Phú đến Tân An, Tân Điền, Phú Long… hình thành nên một vành đai áp sát Phan Thiết.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào trung tâm thị xã Phan Thiết mùa Xuân năm 1975. (Ảnh tư liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận)
Chiều 17/4/1975, huyện Tuy Phong được giải phóng. Sáng 18/4/1975, các huyện: Hòa Đa, Phan Lý và Hải Ninh lần lượt được giải phóng. Tối 18/4/1975, quân ta tấn công vào Phan Thiết, địch nhanh chóng tan rã, bỏ vũ khí ra đầu hàng quân giải phóng.
Sáng 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Ngày 23/4, huyện Hàm Tân được giải phóng. Được sự chi viện của Đoàn 382 Hải quân, đêm 26/4/1975, Tiểu đoàn 482 của tỉnh, Đại đội 490 và một số cán bộ của huyện Tuy Phong vượt biển ra đảo Cù Lao Thu (Phú Quý). Sáng 27/4/1975, quân ta nổ súng tấn công và giải phóng Cù Lao Thu - phần đất cuối cùng của Bình Thuận.

Quân ta và nhân dân Bình Thuận nô nức xuống đường mừng giải phóng quê hương 19/4/1975. (Ảnh tư liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận)
Tận dụng địa lý, phát huy tiềm năng
Qua 50 năm giải phóng, nhất là sau 33 năm kể từ khi tái lập tỉnh, từ năm 1992 đến nay, Đảng bộ và nhân dân, các dân tộc trong tỉnh Bình Thuận đã phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ra sức xây dựng và phát triển quê hương, với những bước tiến, cùng nhiều “điểm sáng” nổi bật.

Bình Thuận với lợi thế có đường biển dài hơn 190km còn nhiều dư địa để phát triển.
Từ một tỉnh kinh tế kém phát triển, vươn lên trở thành phát triển khá. Năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,25%, cao hơn mức trung bình chung cả nước; quy mô nền kinh tế cán mốc hơn 128 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành.
Bình Thuận là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, nằm vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ, trên tuyến hành lang kinh tế bắc-nam, vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ.
Với vị trí địa lý, tỉnh có những nhân tố mới như du lịch, khai thác dầu khí ngoài khơi, thủy sản, năng lượng tái tạo,… đã và đang từng bước đưa Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới của khu vực Nam Trung Bộ.