Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam….Chuyện của người trong cuộc…
Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 26-4 đến 30-4-1975.
Trên đường tiến vào Sài Gòn, đại quân ta phải chiến đấu ác liệt với kẻ thù ở những điểm chúng quyết tâm tử thủ như Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, cầu Ghềnh, cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai. Nhiều cựu chiến binh (CCB) trực tiếp bước ra từ cuộc chiến vẫn nhớ rất rõ đồng đội của họ đều là các chiến sĩ trẻ hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng đội luôn trong trái tim tôi
“Chỉ hơn 3 ngày chiến đấu, bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An từ đêm 26 đến 29-4-1975, riêng Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174, Trung đoàn Đặc công 113 (nay là Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công) đã có 53 đồng chí hy sinh. Trong đó, nhiều đồng chí chưa tìm được hài cốt…” - CCB Nguyễn Văn Chương ngụ khu phố 11A, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế trong một buổi chiều tháng 4 lịch sử.


Ông Nguyễn Văn Chương giới thiệu những kỷ niệm của thời chiến đấu
Ông Chương kể, có lẽ vì 2 từ “đồng đội” mà tôi rời quê hương Phú Thọ sau khi dạy học được 15 năm để vào sống tại Biên Hòa. Chỉ mong tìm lại được hài cốt những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến đấu ác liệt chiếm giữ và chốt chặn bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.
Theo ông Chương, đặc thù của bộ đội đặc công khi chiến đấu đánh nhanh, giải quyết nhanh, rút gọn, chiếm giữ ngay. Đêm 26, rạng sáng 27-4-1975, Tiểu đoàn 23 và 174 được lệnh đánh cầu Ghềnh, cầu Hóa An. Rất nhanh chóng, đơn vị đã chiếm được cầu nhưng lại có lệnh của cấp trên khi chiếm được phải chốt giữ cầu để cho đại quân ta vượt qua.
“Đây là điều vô cùng khó khăn vì đã quen lối đánh đặc công, nhưng giờ lại chuyển sang đánh bộ binh nên ít nhiều lúng túng, song do có lệnh nên đơn vị vẫn quyết tâm giữ cầu. Thêm vào đó, những ngày cuối tháng 4, bị thất bại nhiều nơi, địch đổ dồn phòng thủ quốc lộ 1 và thị xã Biên Hòa. Ngoài ra, cầu Ghềnh và cầu Hóa An lại sát Sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy nên chúng dễ dàng phản công với lực lượng áp đảo. Trước thực tế đó, chỉ huy đơn vị quyết định tổ chức 3 lực lượng chính; trong đó 2 lực lượng làm nhiệm vụ đánh chiếm cầu sau đó bố trí chốt giữ, không để địch chiếm lại. Lực lượng còn lại làm nhiệm vụ dọn đường, tiễu trừ thám báo” - ông Chương kể.
Hướng đôi mắt xa xăm, giọng ông Chương trầm lắng, nghẹn ngào: “Đồng đội của tôi hy sinh, có nhiều trường hợp không còn nguyên vẹn do trúng pháo của địch, chúng tôi đành phải chôn vào hố tập thể ngay gần nơi chiến đấu. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất mới quy tập được hài cốt các đồng chí về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh”.
Rất nhiều chiến sĩ đặc công hy sinh trong trận đánh này không xác định được danh tính, được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh trong các ngôi mộ chưa biết tên.
Ông Nguyễn Hữu Quang ngụ khu phố 2, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 18, Đặc công Quân khu miền Đông cho hay, trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An, nhiều đồng đội đến từ các tỉnh, thành phía Bắc hy sinh mà theo quy định thì mọi thư từ, kỷ vật trước khi vào Nam chiến đấu đều gửi lại hậu tuyến, phòng khi kẻ địch lấy được sẽ dùng tâm lý chiến, làm ảnh hưởng lòng quân tiền tuyến và cả ở hậu phương.

Ông Nguyễn Hữu Quang giới thiệu khu vực ven phường Bửu Hòa, nơi nửa thế kỷ trước người dân tích cực giúp đỡ cách mạng
Khi chiến đấu cũng như lúc hy sinh, người dân xung quanh khu vực cầu Ghềnh đã hỗ trợ chôn cất theo kiểu thời chiến. Vì thế đây cũng là khó khăn khi xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã hy sinh.
Tìm kiếm, đưa đồng đội về đất mẹ
Rời quê hương vào Đồng Nai tiếp tục dạy học từ tháng 12-1995 đến nay, ông Chương vẫn không nguôi nỗi nhớ thương đồng đội. Chính điều này đã thôi thúc ông cùng các CCB lặn lội, lần mò để mong tìm thấy hài cốt của đồng chí, đồng đội đưa về đất mẹ.
Bằng nhiều nỗ lực của cá nhân ông và các CCB nói chung, sự hỗ trợ, tạo thuận lợi của nhiều cơ quan, tổ chức, đến nay các CCB Trung đoàn 113 ngày ấy đã lập được bia ghi tên 41 liệt sĩ tại miếu Bà Chúa xứ, phường Bửu Hòa; phối hợp và được sự đồng ý xây dựng nhà bia tưởng niệm 48 liệt sĩ của Trung đoàn 113 tại phường Hóa An và Đài tưởng niệm 146 liệt sĩ hy sinh ở khu vực nhà máy nước Thiện Tân, tỉnh Đồng Nai… là những sự tri ân, biết ơn đồng đội đã hy sinh cho ông Chương, ông Quang và các CCB còn được may mắn sống, chứng kiến ngày đất nước hòa bình.


Những bước chân thần tốc tiến về ngày đại lễ
Cũng trong câu chuyện của cuộc chiến nửa thế kỷ đã qua, ông Chương bùi ngùi đọc rõ họ, tên từng đồng đội cùng tiểu đoàn đã mãi mãi nằm lại với cầu Ghềnh, cầu Hóa An, hòa máu xương vào sông nước Đồng Nai, vào rừng chiến khu Đ và vùng đất miền Đông anh dũng. Hình ảnh những liệt sĩ như Nguyễn Văn Tuất và Bùi Văn Yên, quê Phú Thọ; Nguyễn Văn Thanh, quê Ninh Bình, Mai Xuân Đoàn, Định Hóa, Thái Nguyên… cùng nhiều đồng chí nữa đã thôi thúc ông phải quyết tâm đi tìm kiếm, đưa đồng đội về quê hương.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay ông Chương và các CCB Trung đoàn 113 ngày ấy đã nỗ lực tìm thấy 4 liệt sĩ với đầy đủ họ, tên đưa về quê hương. Đồng thời tìm được nơi chôn cất liệt sĩ Bùi Văn Yên, Mai Xuân Đoàn, đang được yên nghỉ tại ấp Bình Trị Trung, Nghĩa trang liệt sĩ Dĩ An, tỉnh Bình Dương…
Còn những liệt sĩ mà ông biết rõ nơi hy sinh như Nguyễn Hồng Quảng, trung đội phó, quê Hà Bắc hy sinh ở vùng ven Dĩ An, Bình Dương; Nông Ích Nại hy sinh ở khu đập Thủy điện Trị An mà các ông đã tìm nhiều lần chưa thấy.
Càng gần đến ngày 30-4, nỗi nhớ mong đồng đội, đồng chí lại thôi thúc ông Chương và các CCB Trung đoàn 113 ngày ấy tiếp tục lên đường mong muốn tìm và đưa được hài cốt liệt sĩ về với quê hương, đất mẹ. Trước khi thực hiện những hành trình ý nghĩa, bằng giọng trầm ấm, người lính già Nguyễn Văn Chương nhắn nhủ: “Giá của hòa bình” là vô cùng lớn, phải đổi bằng xương máu, sự hy sinh của biết bao cha ông ta, những đồng chí, đồng đội vẫn còn lẩn khuất đâu đó chưa tìm thấy mộ. Vì thế, càng phải tuyên truyền sâu rộng, hiểu rõ giá trị của độc lập, cùng chung tay viết tiếp câu chuyện hòa bình, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An đã có rất nhiều liệt sĩ các quân, binh chủng, đơn vị chủ lực hy sinh. Các ông Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Quốc Hoàn và nhiều đồng đội lại lên đường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; đến các khu tưởng niệm, các nhà bia, thắp hương tri ân liệt sĩ, mong anh linh liệt sĩ phù hộ cho những người đang sống tìm thấy và đưa các liệt sĩ về, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc…