Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4): Đập tan 'cánh cửa thép', tiến công giải phóng Sài Gòn (bài 2)
>>> Bài 1: Mở toang 'cánh cửa thép' hướng Đông
Bài 2: Dồn địch trên hướng Đông Nam, bảo vệ các cây cầu tiến vào Sài Gòn
Với thế và lực dâng cao, các lực lượng của ta tiến công mạnh mẽ hướng Đông Nam, nhất là Căn cứ Nước Trong, giải phóng Long Thành ngày 28-4-1975, tiến vào Biên Hòa, bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An, sẵn sàng tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền chế độ Sài Gòn.

Cựu chiến binh Vũ Đức Ninh giới thiệu tấm bia ghi tên các liệt sĩ của Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 hy sinh trong các trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An. Ảnh: N.Hà
Những người trực tiếp tham gia trận địa giữ cầu ngày ấy giờ đã ở “tuổi xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc nhớ lại sự kiện cách đây nửa thế kỷ với họ vẫn như vừa mới hôm qua…
Hướng Đông Nam - tầm nhìn chiến lược
Nửa thế kỷ nhìn lại, những người từng tham gia trận chiến trên hướng Đông Nam đều khẳng định tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Theo đại tá Nguyễn Quốc Chính, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 11, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, rạng sáng 26-4, quân ta bắt đầu tiến đánh một số điểm tại chi khu và quận lỵ Long Thành. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt; nhiều đồng chí hy sinh; địch quyết tâm tử thủ quận lỵ Long Thành (khu vực tháp nước Long Thành ngày nay) nên nã đạn xối xả về phía quân ta.
Trước tình thế đó, Trung đoàn 101 đã họp, phối hợp cùng đơn vị pháo 100mm đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của đơn vị bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và các khu vực xung quanh khiến địch rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Đại đội 5 và Đại đội 7 (Trung đoàn 101) xung phong đánh chiếm mục tiêu, phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy - nhà Quận trưởng Long Thành.
Hơn 3 ngày chiến đấu ác liệt chiếm giữ cầu Ghềnh, cầu Hóa An và Căn cứ Thiết đoàn 15, Hốc Bà Thức (từ đêm 26 đến ngày 29-4-1975), cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 113 đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để quyết giữ và bảo vệ tuyến đường huyết mạch cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong niềm vui chiến thắng, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 113 hy sinh, gửi lại tuổi xuân, xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc.
Quyết tử thủ nên địch phản kháng liên tục, lợi dụng nhà cao tầng, các ngõ ngách ném lựu đạn, bắn vào đội hình của ta. Chỉ huy đơn vị ra lệnh cho đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận lợi, nã đạn vào trung tâm chỉ huy, uy hiếp tinh thần và áp sát mục tiêu kiên cố. Quân địch trong trung tâm chỉ huy hoảng loạn, một số tháo chạy ra ngoài. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, đến chiều 28-4-1975, quận lỵ Long Thành (huyện Long Thành ngày nay) hoàn toàn được giải phóng.
Ông Phạm Văn Công (ngụ ấp Hàng Gòn, xã Lộc An, huyện Long Thành) kể lại, vào thời điểm quân ta tấn công hướng Đông Nam giải phóng Long Thành, ông là thành viên Đại đội 2 Biệt động thị trấn Long Thành đánh vào Chi khu Quân sự Long Thành. Trước ngày 26-4-1975, đại đội của ông nhận lệnh từ cấp trên sẽ xuống đường cùng quân chủ lực phối hợp giải phóng Long Thành.
“Chiều 26-4-1975, pháo kích của ta dội mạnh vào Long Thành, quân chủ lực xông lên chiếm cầu Nước Trong và một số địa điểm Căn cứ Nước Trong như Trường Thiết giáp (Trường trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp phân hiệu miền Nam ngày nay); Trường Lục quân (Trường Sĩ quan lục quân 2 ngày nay). Đại đội Biệt động 2 có nhiệm vụ phối hợp quân chủ lực đánh chiếm Long Thành theo 2 hướng lên Căn cứ Nước Trong và về Căn cứ Thành Tuy Hạ. Địch hoang mang, bỏ vũ khí chạy tán loạn, chiều 28-4-1975, Chi khu Long Thành được giải phóng” - ông Công kể.
Bảo vệ những cây cầu, trận địa
Trên đường tiến quân vào Sài Gòn, nhiệm vụ quan trọng của các chiến sĩ đặc công là chiếm giữ, bảo vệ 14 cây cầu và các vị trí quan trọng. Trong đó, trận đánh giữ cầu Ghềnh và cầu Hóa An cuối tháng 4-1975 có ý nghĩa mở thông đường cho đại quân cách mạng tiến nhanh giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Các cựu chiến binh kể lại các kỷ niệm khi chiến đấu bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.
Theo cựu chiến binh Vũ Đức Ninh (ngụ khu phố 2, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa), một trong những nhân chứng trực tiếp bước ra từ cuộc chiến, cầu Ghềnh và cầu Hóa An nằm ngay trung tâm thị xã Biên Hòa (thành phố Biên Hòa ngày nay), có vị trí cực kỳ quan trọng với địch kể cả giao thông và vận chuyển binh khí, kỹ thuật nên địch quyết giữ. Cuộc chiến đấu chiếm giữ, làm chủ cầu Ghềnh và cầu Hóa An thực sự là cuộc giao tranh ác liệt trong những ngày cuối tháng tư lịch sử.
Thời điểm đó, ông Ninh là cán bộ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 113, Bộ Tư lệnh Miền (Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công ngày nay), nhận nhiệm vụ của cấp trên bằng mọi cách phải chiếm cầu Ghềnh.
Những ngày cuối tháng 4, bị thất bại nhiều nơi, địch đổ dồn phòng thủ quốc lộ 1 và thị xã Biên Hòa. Ngoài ra, cầu Ghềnh và cầu Hóa An lại gần Sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chế độ Sài Gòn nên địch dễ dàng phản công với lực lượng áp đảo.
“Người dân xung quanh giúp đơn vị bằng cách đào công sự, tháo cánh cửa nhà lát công sự cho sở chỉ huy. Khí thế các cánh quân giải phóng đang dần áp sát Sài Gòn khiến bà con phấn khởi, ai cũng mong chờ ngày giải phóng” - ông Ninh nhớ lại.
Theo nhiều cựu chiến binh, vào đêm 26 rạng sáng 27-4-1975, Tiểu đoàn 23, Tiểu đoàn 174 cùng lực lượng tinh nhuệ đã xuất kích đánh cầu Ghềnh và cầu Hóa An. Khoảng 30 phút sau, các mũi tiến công đánh bật địch trên cầu và bắt đầu giai đoạn khó khăn nhất là giữ cầu. Nhưng đến 8h ngày 27-4-1975, địch bắt đầu nã đạn pháo, tăng cường viện binh bằng một tiểu đoàn cùng lực lượng trực thăng nhằm chiếm lại cầu Ghềnh.
Với ông Ninh, đây là trận giằng co sinh tử mà ông không bao giờ quên được khi pháo kích địch từ Thủ Đức bắn lên, Châu Thới bắn sang, Long Bình bắn tới, đất trời rung chuyển. Pháo vừa im thì bộ binh địch tiến vào bắn đạn áp đảo. Cuộc chiến đấu giằng co ác liệt, nguyên ngày 27-4-1975, Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 đã đánh bật 4 đợt phản công của địch. Đồng thời, 41 chiến sĩ của Tiểu đoàn 23 hy sinh anh dũng, trong đó có liệt sĩ Bùi Văn Yên, hy sinh ngay chốt ga tàu, thuộc phường Bửu Hòa ngày nay.
Cựu chiến binh Phạm Xuân Lự, chiến sĩ Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn 305, một trong những đơn vị bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An, cho biết trong trận chiến đấu bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An, đơn vị của ông đi sau tải thương, chữa trị thương binh. Trên đường tiến về giải phóng miền Nam, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Phương Đông đã hy sinh không kịp chứng kiến ngày thống nhất. Sáng 30-4-1975, đơn vị được điều về tiếp quản thị xã Biên Hòa trong niềm hân hoan của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Ông Lự bồi hồi kể: “Trong chiến đấu ác liệt, chính lòng dân, tình dân đã giúp chúng tôi chiến thắng. Dân đã chở che, nuôi giấu, giúp chúng tôi vượt qua thời khắc khó khăn để tiếp tục chiến đấu. Trong niềm vui ngày chiến thắng, chúng tôi luôn nhắc nhớ nhau, mình được sống là nhờ đồng đội hy sinh, đặc biệt là nhờ lòng dân, tình dân”.