Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Nửa thế kỷ hòa giải, hòa hợp dân tộc

Khái niệm hòa giải và hòa hợp dân tộc ở nước ta từng được bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhắc đến ở Hội nghị Paris 1973. Và trên thực tế, ngay từ lúc mới được thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc nhằm tập hợp mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, cùng nhau chống xâm lược, bảo vệ độc lập và thực hiện thống nhất nước nhà.

Cảng Sài Gòn hôm nay.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kết thức với sự kiện 30 - 4 -1975. Ngay sau ngày đó, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã tuyên bố: “Một trong những việc đầu tiên phải làm là hòa giải, hòa hợp dân tộc”.

Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ ngàn xưa. Hình ảnh mẹ Âu Cơ không chỉ là biểu tượng của tình yêu, sự hy sinh mà còn là hiện thân của những giá trị cốt lõi như lòng yêu nước, sự đoàn kết, bao dung, hòa hiếu. Vua Trần Nhân Tông, sau khi đánh tan quân xâm lược phương Bắc, đã khởi xướng tinh thần yêu thương hòa giải. Vua đã ra lệnh đốt tất cả bằng chứng có thể kết tội những người đã từng đồng lõa với giặc.

Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để người Việt Nam khắp nơi có thể trở về, xây dựng quê hương. Đó chính là “mục tiêu chung, là điểm tương đồng”. Nhiều người từng ra đi, đã trở về. Tôi rất nhớ lần vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ khi về thăm đất nước, đã tới thăm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và dự Lễ ký kết một dự án đầu tư với nước ngoài, ông nói: Trong cuộc sống, đã là con người ai cũng có lúc gặp những chuyện người khác làm mình tổn thương mình. Nhưng nếu ta cứ mãi ôm giữ ngọn lửa oán hận trong lòng và muốn trả thù thì trước khi ngọn lửa ấy chưa kịp chuyển sang người đó, thì nó đã thiêu đốt chính bản thân ta. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh.

Tròn nửa thế kỷ qua, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vượt qua bao nhiêu thử thách để có thành tựu về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Năm 2024, đánh dấu 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đã chứng kiến sự phát triển về mọi mặt của kiều bào trên toàn thế giới. Hiện có hơn 6 triệu người Việt đang sinh sống và làm ăn ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Riêng TP Hồ Chí Minh có 2, 9 triệu kiều bào. Theo Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh với gần 9,5 tỷ USD, chiếm gần 60% của cả nước.

Tại Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 có sự tham gia của 500 đại biểu kiều bào từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 70 tham luận của Kiều bào đã đóng góp ý kiến về các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, văn hóa và bảo tồn tiếng Việt cùng nhiều vấn đề khác.

Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nước ta hiện có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có 11 quốc gia là “Đối tác chiến lược toàn diện”. Điều này đặt ra những nhiệm vụ mới với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Một vài ý kiến lạc lõng đâu đó vẫn cố tình bóp méo, phân biệt bên này, bên kia chỉ là những ý kiến hiểu sai chính sách của Nhà nước ta. Đó là những người đặt nặng tâm lý “thắng - thua”. Hãy tôn trọng lịch sử!

Việc người Việt từng phải đối đầu giữa hai bên chiến tuyến, là một giai đoạn lịch sử mà dân tộc Việt Nam trải qua với bao biến cố để có được độc lập, thống nhất như hiện nay. Không có cuộc chiến tranh nào mà không có đau thương, mất mát, chia ly kẻ đi, người ở. Nhưng tất cả đã là quá khứ. Khép lại quá khứ để nhìn tới tương lai.

Ngày 26-2-2025, tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, lại nhấn mạnh: “Cần khẳng định đó là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chứ không phải thắng - thua. Ngày hòa bình, có người vui - buồn, nhưng đã 50 năm, nỗi buồn cá nhân cần hòa với niềm vui đất nước”. 30-4 là ngày dân tộc khép lại quá khứ đau thương để cùng hướng đến tương lai.

Đã có nhiều việc làm, hoạt động thiết thực để kỷ niệm sự kiện 30-4, nhưng thiển nghĩ tới một tác phẩm nghệ thuật để đánh dấu cho công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc Việt Nam: Đó là xây dựng một tượng đài về chủ đề này như là một biểu tượng của sự hàn gắn và hòa giải, giúp con người nhìn quá khứ để hướng về tương lai sau những mất mát do chiến tranh.

Đã 50 năm kết thúc chiến tranh, đến lúc nước ta cũng cần một công trình-tác phẩm nghệ thuật về hòa giải , hòa hợp dân tộc. Đây không phải là sự bắt chước mà là học tập những nét đẹp ở văn hóa thế giới. Hoặc có thể, trong không gian của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có một góc “Bảo tàng về hòa giải hòa hợp dân tộc”. Ở đó sẽ ghi lại những câu chuyện quá khứ, thể hiện khát vọng hòa bình, phát triển bền vững của đất nước trong tương lai; tổ chức các hội thảo về chủ đề này, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau. Nếu được như vậy là góp phần tích cực định vị giá trị lịch sử của Chiến thắng 30-4.

Đăng Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-nua-the-ky-hoa-giai-hoa-hop-dan-toc-10303769.html