Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam: Đỉnh cao mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh
Vào ngày này cách đây 50 năm (27-1-1973), Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao của Việt Nam. Nó đã tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, góp phần đi đến Đại thắng mùa xuân 1975.
Cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất và khó khăn nhất
Do liên tiếp bị thất bại nặng nề ở cả 2 miền Nam - Bắc Việt Nam, nhất là sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngồi vào đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó với đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hội nghị Paris chính thức được bắt đầu ngày 13-5-1968 giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên phố Kléber ở Thủ đô Paris (Pháp). Đây là cuộc đấu tranh ngoại giao gian khổ, dài nhất và khó khăn nhất. Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt được dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam (tháng 10-1972), hội nghị đã trải qua 201 phiên họp chung công khai và 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng.
Theo tiến trình thời gian, cuộc đàm phán trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 13-5 đến 31-10-1968, ta đấu tranh buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấp nhận việc triệu tập hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Giai đoạn 2 từ ngày 25-1-1969 đến giữa năm 1972, ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Giai đoạn cuối cùng từ tháng 7-1972 đến khi Hiệp định Paris được ký.
Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào 2 vấn đề mấu chốt nhất là đòi Mỹ rút hết quân viễn chinh cùng quân chư hầu khỏi miền Nam và đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ có quan điểm ngược lại, đòi quân đội miền Bắc cũng rút khỏi miền Nam và từ chối ký dự thảo Hiệp định do phía Việt Nam đưa ra (tháng 10-1972) để rồi mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội - Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 với ý đồ buộc phía Việt Nam ký vào dự thảo Hiệp định do Mỹ đưa ra. Nhưng Việt Nam đã đập tan cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 của không lực Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho ta.
Hiệp định Paris là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, với những điều khoản quan trọng, bao gồm: Mỹ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Quân đội Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ.
Tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ
50 năm đã trôi qua, nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định Hiệp định Paris là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đây là thắng lợi vẻ vang và cũng là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh; là chiến thắng vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; là niềm cổ vũ lớn lao, củng cố niềm tin của các dân tộc bị áp bức vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.
Để đi đến thành công tại Hội nghị Paris, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế. Chúng ta đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trông vào sức mình để tìm cách giành thắng lợi về chính trị, quân sự nhưng đồng thời cũng biết dựa vào sức mạnh đoàn kết quốc tế. Chính vì thế, trong suốt thời gian dài diễn ra cuộc đàm phán tại Paris, có thể nói không có tuần nào, tháng nào mà không có các cuộc mít tinh, biểu tình hay các hoạt động khác đoàn kết với Việt Nam diễn ra tại các nước châu Âu. Ngay tại Mỹ, các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Hãy đem chiến tranh về trong nước” diễn ra trên quy mô lớn, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân tham gia, có lúc đã làm tê liệt cả bộ máy chính quyền và các hoạt động bình thường trong xã hội. Báo chí Mỹ mô tả: “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ, mà cũng chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Phong trào chống chiến tranh phát triển ngay trong Quốc hội Mỹ, khiến cơ quan lập pháp Mỹ đã nhiều lần thông qua nghị quyết cắt giảm chi phí chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước.
Với việc Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta đã tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Việc buộc Mỹ phải rút hết trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, Hiệp định đã mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta để tiến lên “đánh cho ngụy nhào”. Hiệp định còn góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn quân, toàn dân ta tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đánh giá về sự kiện ký kết Hiệp định Paris, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cho rằng, đây là “chiến thắng vĩ đại của Việt Nam, của một đất nước từng đánh gục thực dân Pháp, đánh bại luôn đế quốc Mỹ”. Giáo sư Pierre Asselin, tác giả cuốn sách “Nền hòa bình mong manh: Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris”, thì bày tỏ: “Tôi thật sự ngưỡng mộ về tài trí của Việt Nam trong quá trình đàm phán ở Paris, nó góp phần giúp tôi hiểu được vì sao người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng”.
Trong cuốn sách “Khoảng cách thời gian vừa phải” (Decent Interval), quan chức tình báo CIA tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh là Frank Snepp thừa nhận: “Hiệp định Paris thực sự chỉ là một hình thức bỏ chạy của Mỹ. Điều duy nhất được đảm bảo sẽ xảy ra là sự triệt thoái của Mỹ ra khỏi Việt Nam vì điều này chỉ cần một hành động đơn phương của Mỹ”.
Nhà sử học Mỹ George C. Herring trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ” thì khẳng định: “Kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này… Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ”.