Kỷ niệm 50 năm thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích
Ngày 8/6 tại Hà Nội, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1973-2023) và 35 năm triển khai hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA) (1988-2023).
Lễ kỷ niệm có sự tham dự của các đồng chí: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… các ngành và địa phương liên quan của Việt Nam, lãnh đạo và chuyên viên qua các thời kỳ của Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích. Cùng với đó là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper; Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Người mất tích (DPAA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Kelly McKeague.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích Lê Công Tiến cho biết trong suốt 50 năm qua, hàng nghìn chuyên gia của Việt Nam, hàng vạn cán bộ chính quyền địa phương các cấp, hàng vạn ngày công lao động của các nhân chứng, các tầng lớp nhân dân ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo này. Trong bối cảnh dịch COVID-19, một số hoạt động MIA tiếp tục được triển khai hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyên gia và người dân tham gia.
Đáng chú ý, trong 35 năm thực hiện hoạt động MIA hỗn hợp, hai bên đã tiến hành 150 hoạt động phối hợp thực địa và hiện nay, 4 đội liên hợp của chúng ta đã có mặt tại 3 miền của Việt Nam để triển khai hoạt động phối hợp thực địa lần thứ 151. Trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã trao trả hơn 1.000 bộ hài cốt, giúp phía Mỹ xác định danh tính hơn 730 trường hợp quân nhân mất tích trong chiến tranh.
Hợp tác MIA đã tạo ra một kênh thông tin giữa chính giới hai nước song song với các kênh đối thoại khác, góp phần khẳng định với giới chính trị và nhân dân Mỹ về thiện chí và sự hợp tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, đưa hai bên xích lại gần nhau hơn trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, góp phần quan trọng vào việc bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 12/7/1995.
Ông Kelly McKeague nhân dịp này đã kể lại những câu chuyện cảm động về một số gia đình quân nhân Mỹ may mắn nhận lại hài cốt của người thân nhờ có sự giúp đỡ từ phía Việt Nam, đồng thời, gửi lời cảm ơn của các gia đình các quân nhân Mỹ mất tích tới VNOSMP. "VNOSMP đóng vai trò thiết yếu giúp 729 gia đình quân nhân Mỹ có được câu trả lời cuối cùng cho những lời cầu nguyện của họ - đó là sự trở về của người thân. 1.243 gia đình quân nhân còn lại, những người vẫn đang chờ đợi câu trả lời, cũng muốn thể hiện lòng biết ơn đối với những nỗ lực mà VNOSMP đã bỏ ra để tìm kiếm thân nhân của họ".
Ông McKeague cho biết: "Lòng tin và sự cảm thông cũng đã mang lại thành quả ở cấp độ cao hơn, thể hiện qua sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam - Mỹ, qua những gắn kết ngày càng gia tăng giữa người dân hai nước, và qua sự lớn mạnh của đất nước Việt Nam ngày nay".
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, cả hai nước đều đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vòng 50 năm qua, từ một lịch sử đầy rẫy xung đột và chia rẽ, đã trở thành Đối tác toàn diện của nhau. Mối quan hệ này trải rộng khắp các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, trong chặng đường 50 năm tồn tại và phát triển của VNOSMP và 35 năm thực hiện công tác MIA hỗn hợp, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương, VNOSMP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết thiện chí và những kết quả hợp tác tốt đẹp của Việt Nam với Mỹ về vấn đề MIA trong hơn 50 năm qua đã được Chính phủ, Quốc hội Mỹ, các hội cựu chiến binh và các thành viên gia đình MIA ghi nhận và đánh giá cao. Phía Mỹ coi đây là hình mẫu cho quan hệ song phương nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung. Đó cũng là động lực để hai bên tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh khác như tẩy độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn chưa nổ, tìm kiếm, quy tập, quy tập hài cốt quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.