Kỷ niệm 60 năm Phong trào Đồng khởi giải phóng một phần nông thôn, đồng bằng tỉnh Khánh Hòa (7-11-1964 - 7-11-2024): Sống mãi hào khí Đồng khởi

Thành quả to lớn của phong trào Đồng khởi giải phóng một phần nông thôn, đồng bằng tỉnh Khánh Hòa (1964 - 1965) là mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh. Thời gian đã lùi xa 60 năm, song trong ký ức của những nhân chứng lịch sử, khí thế sục sôi của phong trào Đồng khởi năm xưa mãi là hào khí không thể nào quên!

Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong làm công tác giao liên

Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến thăm bà Huỳnh Thị Hạnh (tổ Đông Môn 3, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh), 1 trong 2 người còn lại của Đội Thiếu niên Tiền phong huyện Diên Khánh tham gia phong trào Đồng khởi 60 năm trước. Năm nay, bà Hạnh đã 75 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều do bệnh tim từ di chứng của những lần địch tra tấn bằng điện trong 3 lần bị bắt trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, song khi nhắc đến những ký ức về phong trào Đồng khởi, bà Hạnh vẫn nhớ như in từ những ngày đầu tham gia. “Năm Đồng khởi tôi mới 15 tuổi. Trước ngày Đồng khởi nổ ra, nhà tôi có nuôi 4 con bò. Tôi là đội viên trong Đội Thiếu niên Tiền phong của huyện Diên Khánh. Đội có trên dưới 15 người, nhà nào cũng nuôi từ 3 đến 5 con trâu, bò. Vận dụng đặc điểm này, chúng tôi được đồng chí bí thư chi đoàn giao nhiệm vụ làm công tác giao liên giữa cơ sở cách mạng trong lòng địch ở vùng tứ thôn Đại Điền với bộ đội và các đội công tác trên các căn cứ trong núi. Hàng ngày, chúng tôi lùa trâu bò ra cánh đồng, đi vào sát chân núi để báo thông tin, mang gạo, muối cho bộ đội. Các đồng chí nam mang theo cả đạn và lựu đạn lấy cắp được của lính ngụy vào giao cho bộ đội. Chúng tôi đi theo cách mạng bắt đầu như thế đấy”, bà Hạnh kể.

Bà Huỳnh Thị Hạnh đọc hồi ký về Đồng khởi do mình viết cho chồng nghe.

Khi Đồng khởi nổ ra, bà Hạnh tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Phá ấp chiến lược, đấu tranh chính trị, binh vận, đào giao thông hào, vót chông, tiếp tế lương thực cho bộ đội… Thế nhưng, dấu ấn khó quên nhất trong ký ức của bà là những ngày trước khi sự kiện nổ ra, bà và các đồng chí trong đội được giao nhiệm vụ lùa trâu bò vào bìa rừng, rồi dẫn bộ đội vào làng để chuẩn bị Đồng khởi. “Mấy ngày đó trời mưa lớn lắm. Chúng tôi lùa bò đi trước, bộ đội trà trộn theo sau nên các chuyến dẫn đường đều hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo, không có chuyến nào bị địch nghi ngờ, phát hiện”.

Địch lùa lên máy bay, dọa thả ra biển vẫn không nao núng

Với bà Trần Thị Lượng (hiện ở Tổ dân phố Phước Lộc, phường Phước Long, TP. Nha Trang), ký ức bà nhớ nhất đó là tham gia đoàn đấu tranh chính trị, binh vận đầu tiên. Năm đó, bà mới tròn 17 tuổi. Khi quân ta đánh trận mở màn, giải phóng Đại Điền, địch rút chạy về trung tâm quận lỵ và điên cuồng bắn pháo sang vùng giải phóng. Bà Lượng đã hòa vào dòng người kéo sang quận lỵ để đấu tranh chính trị, yêu cầu địch không được bắn phá vào làng mạc, đồng ruộng. “Đoàn chúng tôi là đoàn đầu tiên kéo sang quận lỵ để phản đối địch bắn pháo. Hôm đó, trời mưa rất lớn, nước ngập cả cầu Thành, nhưng đoàn chúng tôi vẫn lội qua để tiến vào quận lỵ. Sau một hồi giằng co với đám lính canh, với tinh thần đấu tranh quyết liệt, khôn khéo của đoàn chúng tôi, cuối cùng đám lính canh cũng phải mở cổng để chúng tôi vào gặp tên đồn trưởng. Tên đồn trưởng đứng trên bục. Chúng tôi đứng thành hàng phía trước, nắm tay hô đồng thanh “Không được bắn pháo vào làng. Không được bắn pháo vào đồng ruộng!”. Thấy tinh thần đấu tranh của quân ta ngày càng quyết liệt, tên đồn trưởng dọa ra lệnh bắn, rồi lại dọa cho máy bay chở ra thả ngoài biển, nhưng chúng tôi lại hô vang “Không sợ. Không sợ”. Rồi bọn chúng đã điều một chiếc máy bay trực thăng đến thật, cho lính lùa một số người trong đoàn đấu tranh lên, chở đi. Tôi và khoảng 15 chị em nữa bị chúng đẩy vào máy bay. Lúc này, mấy chị lớn tuổi hô to “không sợ, không sợ”, rồi tất cả cùng hô theo. Vào những giây phút sau khi máy bay cất cánh, chúng tôi xác định sẵn sàng hy sinh chứ quyết không chịu dừng lại hành động đấu tranh. Thế rồi, địch cũng phải xuống nước, chúng đáp máy bay xuống cánh đồng ở xã Diên Phú, thả cho chúng tôi về. Trước khi mở cửa máy bay, một tên lính còn giả nhân giả nghĩa, nói: “Vì nước lụt ngập cầu, sợ bà con không quay về được nên mới dùng máy bay chở bà con về”, bà Lượng nhớ lại.

Bà Trần Thị Lượng xem lại tấm ảnh kỷ niệm lần gặp mặt Chi bộ hợp pháp xã Diên Sơn chụp cách đây 14 năm.

Gặp lại một trong “Tứ nữ anh hùng” năm xưa

Hiện nay, trong “4 cô Nam, Nữ, Đồng, Điền” trung dũng trong phong trào Đồng khởi và những năm tháng chống Mỹ, chỉ còn lại mỗi bà Lê Thị Nữ. Năm nay, bà đã bước sang tuổi 85. Gặp bà Nữ tại nhà riêng ở thôn Tây 1, xã Diên Sơn, nghe chúng tôi đọc 2 câu thơ: “Bốn cô Nam, Nữ, Đồng, Điền/Quân thù khiếp sợ, dân làng mến thương”, bà bùi ngùi xúc động, và rồi những ký ức về Đồng khởi lại ùa về.

Bà Huỳnh Thị Hạnh (bên trái) và bà Lê Thị Nữ trò chuyện ôn lại kỷ niệm những ngày tham gia Đồng khởi.

Trước khi Đồng khởi nổ ra, bà Nữ là Bí thư Chi đoàn, Phó Bí thư Chi bộ xã Diên Sơn. Năm 1963, bà bị địch bắt, tra tấn, giam giữ cho đến đầu năm 1964 mới được Tòa án Tỉnh đường tha bổng do không có chứng cứ kết tội. Ngay sau đó, để chuẩn bị cho Đồng khởi, theo chỉ đạo của cấp trên, bà đã cùng chi bộ lãnh đạo xây dựng lực lượng du kích, mở rộng phong trào đấu tranh, vận động nhân dân đấu tranh chống địch lập ấp, bố trí nơi ém quân cho bộ đội về làng… Chiều 7-11-1964, bà cùng chi bộ đã lãnh đạo, chỉ huy lực lượng du kích xã Diên Sơn bắt sống, rồi tiêu diệt tên Quan Lác, một CIA nguy hiểm phụ trách an ninh xã. “Sau khi giải phóng Đại Điền, tối 8-11-1964, ta thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng ở xã Diên Sơn và Diên Điền. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Diên Sơn do đồng chí Trần Đức làm Chủ tịch, tôi và đồng chí Nguyễn Thị Sướt làm Phó Chủ tịch. Ký ức đêm ra mắt chính quyền cách mạng, người dân kéo đến mít tinh rất đông, với khí thế chiến thắng hào hùng…, tôi không thể nào quên”, bà Nữ kể lại.

Thành quả của phong trào Đồng khởi 1964 - 1965 ở Khánh Hòa nói chung, huyện Diên Khánh nói riêng là một chiến công rất đáng tự hào, trở thành mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh. Phong trào Đồng khởi đã góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch, tạo ra thế và lực mới đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào một giai đoạn mới. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh giành những thắng lợi to lớn ở giai đoạn sau, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian đã lùi xa 60 năm, những nhân chứng lịch sử, người từng tham gia nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, song trong ký ức của mỗi người về phong trào Đồng khởi năm xưa vẫn mãi là hào khí không thể nào quên!

THẾ ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202411/ky-niem-60-nam-phong-trao-dong-khoi-giai-phong-mot-phan-nong-thon-dong-bang-tinh-khanh-hoa-7-11-1964-7-11-2024-song-mai-hao-khi-dong-khoi-1d82190/