Kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Chu Văn An (1370 – 2020): Người thầy của muôn đời

Danh nhân văn hóa Chu Văn An người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng, lòng dạ ngay thẳng, đạo đức thanh cao được người người nể trọng và là một trong những nhà giáo đầu tiên trong lịch sử nước nhà mở trường dạy học.

Tượng danh nhân, thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).Ảnh: Quocphongthudo.vn

Thầy giáo Chu Văn An đã dành cả cuộc đời thực hiện triệt để tư tưởng giáo dục cho tất cả mọi người với triết lý giáo dục nhân văn không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Từ lớp học của ông, nhiều trò đã thành tài, trở thành trụ cột cho đất nước. Căn cứ vào đạo đức, học nghiệp, ông được triều đình mời giữ chức “Tu nghiệp Quốc Tử Giám”, trông coi việc học của cả nước và trực tiếp kèm cặp cho thái tử. Ông nổi tiếng với hành động dâng “thất trảm sớ” xin vua Trần Dụ Tông trừng trị 7 gian thần làm lũng loạn triều chính. Can dám không thành, ông treo ấn từ quan về vùng núi Chí Linh (Hải Dương) tiếp tục sự nghiệp trồng người. Năm 1370, thầy giáo Chu Văn An qua đời và được thờ ở Văn Miếu. Đây là sự tôn vinh bậc nhất mà triều đại quân chủ dành cho một học giả - thầy giáo.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, thầy giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam. Đức hạnh và uy tín của ông ảnh hưởng sâu rộng, các thế hệ sau tôn ông làm người thầy muôn đời. Sự kiện UNESCO tôn vinh thầy giáo Chu Văn An là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế về những giá trị văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Như lời Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michacl Croft đã nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của doanh nhân Chu Văn An: Những triết lý của nhà giáo Chu Văn An vượt ra khỏi phạm vi trường học và dành cho cả những người làm cha, làm mẹ chứ không chỉ dành cho thầy cô giáo, học sinh. Tư tưởng giáo dục của ông đề cao sự công bằng bình đẳng, coi trọng giáo dục con người. Văn hóa đó chính là nền móng để phát triển đất nước.

Ngày nay, tiếp bước giá trị truyền thống hiếu học theo tinh thần của danh nhân Chu Văn An, mỗi người làm thầy giáo, cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn phải truyền đạt được những giá trị nhân văn giúp người học vẹn toàn cả về trí tuệ và tinh thần. Mỗi học sinh cần phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, chỉ những người học trò nào biết kính trọng và nhớ ơn thầy cô mới tìm được giá trị cốt lỗi của sự học và thành công trên con đường học vấn.

Mai Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/ky-niem-650-nam-ngay-mat-cua-danh-nhan-van-hoa-chu-van-an-1370-%E2%80%93-2020-nguoi-thay-cua-muon-doi-139523.html