Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân quan

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao dự Lễ khánh thành Di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn, khánh thành Di tích Chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân quan và Lễ ra mắt cuốn sách 'Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân'.

Cắt băng khánh thành Bia di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn.

Cắt băng khánh thành Bia di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn.

Chiều 23/9, Thành ủy Đà Nẵng, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp tổ chức Lễ khánh thành Di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn, khánh thành Di tích Chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân quan và tổ chức ra mắt cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân”.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao dự lễ và cắt băng khánh thành Bia di tích.

Công trình Di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn thuộc thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng được xây dựng lần đầu năm 2001, ghi dấu chiến công tiêu diệt đồn Lệ Sơn ngày 19/9/1952 của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Lực lượng vũ trang Liên khu 5 và công nhận Bia di tích Chiến thắng Lệ Sơn là di tích cấp thành phố.

Qua thời gian, công trình Bia di tích cũ xuống cấp, hư hỏng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 và thân nhân cùng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm đã chung tay đóng góp xây dựng lại Bia di tích chiến thắng đồn Lệ Sơn, do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư, với tổng diện tích hơn 1000m2. Công trình gồm các hạng mục xây mới nhà bia, mở rộng sân nền, xây mới cảnh quan, cây xanh, tường rào.

Trong kháng chiến chống Pháp, đồn Lệ Sơn là cứ điểm kiên cố, do một đại đội hỗn hợp Pháp-Bảo an chiếm đóng, trang bị hỏa lực mạnh và được chi viện từ các trận địa pháo binh của địch ở Vĩnh Điện, Đà Nẵng và Ái Nghĩa. Cứ điểm Lệ Sơn có tên đội Tước khét tiếng gian ác, đã gây nhiều đau thương tang tóc cho bà con khắp vùng.

Đêm 19/9/1952, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 đã đồng loạt tấn công đồn Lệ Sơn. Sau 1 giờ chiến đấu quyết liệt, số lính địch sống sót buộc phải đầu hàng. Ta bắt sống tại chỗ 15 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị và nhiều quân trang, quân dụng.

Chiến thắng Lệ Sơn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến trường liên khu Khu 5.

* Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Hòa Bình dự lễ khánh thành Di tích chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân Quan.

Đồn Nhất án ngữ trên đỉnh đèo Hải Vân, là một bộ phận quan trọng của cụm công trình kiến trúc Hải Vân Quan - pháo đài quân sự có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) để phòng thủ cửa ngõ phía nam của Kinh thành Huế.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Bia di tích chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân Quan.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Bia di tích chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân Quan.

Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Đồn Nhất, cuối năm 1946, sau khi trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, thực dân Pháp đã tận dụng cải tạo và củng cố Đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc có tường bằng đá bao quanh, án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở để kiểm soát lưu thông trên đèo Hải Vân, hòng chặn sự kết nối của quân ta ở Liên khu 5 với chiến trường Bình Trị Thiên.

Thực hiện Nghị quyết Quân sự của Hội nghị Liên khu ủy 5 lần thứ hai, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định triển khai Chiến dịch Hè Thu 1952, với chiến trường chính là toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó xác định Đồn Nhất- Hải Vân quan là một trong những cứ điểm chiến lược cần phải tiêu diệt.

Đêm 24, rạng sáng 25/9/1952, Đại đội 6 tăng cường của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5, với sự hỗ trợ của du kích xã Hòa Liên đã chủ động tấn công trực tiếp và tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất.

Bia di tích Chiến thắng đồn Lệ Sơn và Bia di tích chiến thắng Đồn Nhất-Hải Vân Quan là những công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa to lớn, làm giàu thêm tư liệu về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng.

Các công trình này không chỉ là biểu tượng cho ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước mà còn là tượng đài khắc ghi sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

* Chiều tối cùng ngày (23/9), đồng chí Nguyễn Hòa Bình dự Lễ giới thiệu cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân” tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chi nhánh tại Đà Nẵng.

Lễ ra mắt cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân”.

Lễ ra mắt cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân”.

Cuốn sách được biên soạn dựa trên cuốn sách Lịch sử Tiểu đoàn 59 Trung đoàn chủ lực 803 Liên khu V, được bổ sung thêm nhiều bài viết, tư liệu quý giá vừa được tìm hiểu, khảo cứu qua lời kể của các cán bộ, chiến sỹ và nhân chứng lịch sử.

Đây là một tài liệu lịch sử quan trọng, góp phần lưu giữ nguồn sử liệu chính thống về Tiểu đoàn 59 năm xưa, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về truyền thống anh hùng của cha anh, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối những trang lịch sử chói lọi đó bằng các hành động cụ thể và xứng đáng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở thời đại mới.

Cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân” là ấn phẩm có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời thể hiện sự tri ân đối với những người con ưu tú của Tổ quốc đã cống hiến xương máu và cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

* Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Hòa Bình thăm và tặng quà ông Huỳnh Năm, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu 5.

THANH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-don-nhat-hai-van-quan-post716571.html