Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn: Nghệ thuật lấy ít địch nhiều, dựa vào dân để giành chiến thắng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tướng Võ Tiến Trung - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng: Mặc dù đã qua 70 năm, chiến thắng lẫy lừng mang tên Vườn Gòn-Đá Bàn vẫn còn nguyên giá trị, là một trong những trận đánh được quân đội ta đưa vào Học viện, nhà trường để nghiên cứu, học tập. Chiến thắng này cho thấy người chỉ huy đã vận dụng tốt nghệ thuật quân sự qua cách đánh giặc truyền thống của cha ông ta là 'lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn', dựa vào dân giành chiến thắng.
Thượng tướng Võ Tiến Trung.
Phá tan kế hoạch ly gián nhân dân với cách mạng
Thưa Thượng tướng, 70 năm trước thực dân Pháp đã xây dựng Khánh Hòa thành một căn cứ quân sự hùng mạnh với hệ thống đồn bốt, tháp canh dày đặc và sân bay dã chiến để yểm trợ cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, chúng còn thực hiện “Kế hoạch ngủ đồn” tại các tháp canh nhằm chống lại các cuộc tấn công của ta, ly gián nhân dân với cách mạng, kháng chiến. Ông đánh giá thế nào về chiến lược này của địch và cách phá giải của quân dân ta thời điểm đó?
Thượng tướng Võ Tiến Trung: Đường lối chiến lược quân sự của ta là dựa vào dân thực hiện chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích, cho nên lực lượng vũ trang luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực dân Pháp nghiên cứu rất kỹ điều này để tìm cách đối phó. Chúng tìm cách ngăn chặn chia cắt từng vùng, dồn dân thông vào hệ thống đồn bốt, các tháp canh dày đặc nhằm tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân theo kiểu “tát nước bắt cá”.
Cần nhấn mạnh, tháp canh mà Pháp xây dựng ở Khánh Hòa và một số địa phương trong cả nước thời đó rất hiểm và khó đánh. Mỗi tháp canh chúng khống chế một vùng, kiểm soát nhân dân đi lại, qua đó ngăn chặn nhân dân tiếp tế cho cách mạng, đồng thời đánh phá phong trào nếu phát hiện ra. Hơn nữa, Khánh Hòa có vị trí tầm chiến lược quan trọng. Nếu chiếm được Khánh Hòa thì chúng sẽ khống chế được vùng giải phóng của ta, chặn hướng vào nam và lên Tây Nguyên của ta. Cho chúng tổ chức lực lượng như vậy là nhằm đánh tan lực lượng chủ lực của ta, đẩy ra xa vùng chúng chiếm đóng. Chúng cho rằng lực lượng của ta không bám được vào dân, vùng kháng chiến sẽ dễ dàng bị chúng tiêu diệt.
Trước tình hình như vậy, ta phải nghĩ cách đánh như thế nào để diệt tháp canh, bởi diệt được tháp canh thì thế trận phòng thủ của địch mới rệu rã. Từ cái khó đó mà cách mạng Việt Nam, quân đội nhân dân ta đã nghĩ ra cách đánh đặc công. Cách đánh này bắt đầu từ Nam Bộ rồi mới cơ động phổ biến ra ngoài bắc trong đó có vùng Khánh Hòa. Kể từ khi có cách này chúng ta đánh và diệt được hàng loạt tháp canh của địch, tạo niềm tin chiến thắng cho nhân dân và quân đội ta, làm cơ sở cho phong trào phát triển.
Tháng 3/1951, giữa những tháng ngày kháng chiến chống thực dân Pháp gay go quyết liệt nhất, vì sao Liên khu V quyết định di chuyển Tỉnh ủy Khánh Hòa từ căn cứ Hòn Hèo lên Đá Bàn-Ninh Hòa và đưa Tiểu đoàn 59 với mật danh H64 về Khánh Hòa hoạt động, thưa ông?
Thượng tướng Võ Tiến Trung: Sau khi Pháp chiếm được Nha Trang, với thủ đoạn xây dựng hệ thống đồn bốt quây dân lại để đàn áp nên phong trào có lúc lắng xuống. Lúc đó, Hòn Hèo là vùng núi hiểm trở nhưng lại nằm độc lập, chung quanh là đồng bằng nên rất dễ bị địch cô lập, bao vây. Trong khi Đá Bàn có vị trí thuận lợi hơn bởi nằm trong dãy núi chạy từ Tây Nguyên xuống biển, khó bị chia cắt, bao vây nên ta quyết định lên Đá Bàn. Nhờ vị trí thuận lợi của Đá Bàn mà lực lượng của ta dễ dàng bám dân. Thực tế Đảng bộ, chính quyền đã tổ chức các tổ, các cơ sở bám dân xuống tận vùng nông thôn, khu vực ven rừng để tổ chức lực lượng và từ đó phong trào mới được khôi phục.
Còn về Tiểu đoàn 59 đã rất vang dội sau khi đánh thắng nhiều trận ở Đà Nẵng, Gia Lai. Đây cũng là tiểu đoàn cơ động, chủ lực của quân khu. Khi đưa tiểu đoàn này về đây thì có thể nói hướng chiến trường ta hoạt động mạnh chính là ở đây. Để kẻ địch không nắm được tình hình, ta phải đổi mật danh thành H64. Nhờ thế Tiểu đoàn 59 cơ động rất nhanh vào các vùng chiến trường nào cũng đều bất ngờ, tiếp tục lập nhiều chiến công lớn.
Bài học về phát huy sức mạnh của thế trận lòng dân
Để đối phó với tình hình các đồn, bốt ở Tân Phong, Nhỉ Sự, Ninh Ích, Cầu Lớn bị ta tiêu diệt, quân Pháp quyết định sử dụng lực lượng quân số đông đánh phá vào căn cứ Đá Bàn - nơi cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa và các căn cứ cách mạng của ta đang đóng. Thượng tướng đánh giá thế nào về tương quan lực lượng, cũng lựa chọn cách tác chiến của Tiểu đoàn 59 trước âm mưu và kế hoạch của địch?
Thượng tướng Võ Tiến Trung: Đúng là sau khi ta tiêu diệt một loạt tháp canh, quân Pháp thấy rằng nguy cơ mặt trận bảo vệ Khánh Hòa sẽ vỡ. Mà mặt trận bảo vệ Khánh Hòa vỡ thì thế trận phía nam, miền trung của chúng cũng sẽ vỡ theo. Do đó địch tập trung lực lượng đổ bộ lên Đá Bàn hòng tiêu diệt đầu não của ta. Thực dân Pháp xác định khi “nhổ” được căn cứ Đá Bàn thì phong trào cách mạng ở đó sẽ tan rã, Pháp sẽ làm chủ hướng Đá Bàn kéo về Ninh Hòa và vào tới Nha Trang từ đó thế trận của chúng sẽ được bảo vệ.
Tôi cho rằng kế hoạch này của thực dân Pháp rất hoàn hảo. Nếu ta không phát hiện sớm, không vận động nhân dân, không tổ chức lực lượng đánh tan kế hoạch đó thì sẽ ảnh hưởng đến cách mạng. Bởi lúc bấy giờ lực lượng của ta rất mỏng, yếu mà địch có tới 4.000 quân tiến từ 3 hướng, trong đó có cả hướng vu hồi (từ phía sau) đánh vào Đá Bàn. Nhưng nếu so sánh thì phía ta hoàn hảo hơn vì ta có cách đánh và thế trận tốt hơn.
Thứ nhất, do lực lượng ta ít (có một tiểu đoàn và tăng cường 1 đại đội cộng với lực lượng địa phương) mà địch có tới 4.000 quân nên Tiểu đoàn 59 đã chọn cách đánh rất phù hợp là phục kích. Theo đó, ta tổ chức lực lượng quấy rối, tập kích, bắn tỉa, phối hợp hệ thống chông mìn với lực lượng vũ trang địa phương để ngăn chặn, làm địch mệt mỏi, rệu rã tinh thần, buộc phải rút ra Đá Bàn.
Thứ hai, Đá Bàn có rất nhiều điểm nhưng vì sao Tiểu đoàn 59 lại chọn Vườn Gòn làm điểm phục kích trên đường địch rút ra? Trong đánh giặc thì phục kích là chiến thuật bảo an nhất, nhưng phục kích không đúng, chọn địa hình không khéo thì rất dễ từ phục kích chuyển sang bị động tấn công. Dù rất gần đồn địch nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của người dân xã Chí Hòa, sự điều binh tài tình của chỉ huy nên Tiểu đoàn 59 đã đưa quân thành công vào vị trí phục kích mà không bị lộ khiến địch không ngờ tới.
Do Vườn Gòn có địa hình cực kỳ hiểm trở nên khi địch lọt vào thì không có đường thoát, ta diệt gọn địch và thu được nhiều vũ khí. Tôi cho rằng đây là một sáng tạo rất đặc biệt của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu khi nghiên cứu và chọn địa hình hiểm trở và chọn lối đánh rất phù hợp là khoét sâu vào điểm yếu của địch, tạo được sức mạnh của ta đó là phục kích. Trận đánh này vang dội là vì diệt gọn một lực lượng lớn quân chủ lực của Pháp khiến tâm lý địch hoang mang, dao động, dẫn đến kế hoạch đánh chiếm phá hủy căn cứ Đá Bàn bị phá sản nhanh chóng.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, nghiên cứu truyền thống đánh giặc trong lịch sử tôi cho rằng Ban chỉ huy Tiểu đoàn 59 và cá nhân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã nghiên cứu rất kỹ, vận dụng hiệu quả cách đánh giặc của ông cha ta - “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, dựa vào dân để chiến thắng. Ông cha nói biết địch biết ta thì trăm trận trăm thắng. Ở đây, chúng ta biết kỹ về điểm mạnh, điểm yếu của địch nhưng đồng thời cũng hiểu và phát huy được sức mạnh của ta chính là sức mạnh và ý chí của nhân dân: Nhân dân phối hợp, nhân dân dẫn đường, nhân dân bao giấu lực lượng, nhân dân cứu chữa thương binh, nhân dân cùng tham gia đánh giặc. Đấy là yếu tố mà lực lượng vũ trang của ta ở Khánh Hòa đã phát huy một cách sáng tạo, kết hợp chặt chẽ nên đã tạo nên sức mạnh hơn hẳn địch để rồi đánh thắng địch.
Như Thượng tướng đã nói ở trên sức mạnh lớn nhất của ta quyết định chiến thắng ở trận Vườn Gòn-Đá Bàn chính là thế trận lòng dân. Thế hệ sau cần học hỏi gì ở chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn, thưa ông?
Thượng tướng Võ Tiến Trung: Lúc tôi làm Giám đốc Học viện Quốc phòng, khi nghiên cứu nhiều trận đánh trong đó có trận Vườn Gòn-Đá Bàn, điều tôi rút ra là trong các trận đánh làm sao chúng ta có thể có được một niềm tin chiến thắng lớn đến như vậy? Làm sao để nhân dân tin chúng ta có thể chiến thắng? Bài học từ chiến thắng này chính là một khi lòng dân ủng hộ quân đội, ủng hộ cách mạng, ủng hộ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chúng ta nhất định sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Do đó, thời chiến cũng như thời bình phải giữ được lòng dân, xây dựng được lòng dân, xây dựng được niềm tin chiến thắng nơi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Bên cạnh đó, để xây dựng được chiến tranh nhân dân thì phải có nền quốc phòng toàn dân, từ thời bình này chúng ta phải chuẩn bị nền quốc phòng toàn dân với các biện pháp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Khi đất nước có chiến tranh thì lực lượng bảo vệ Tổ quốc là toàn dân tộc trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Để có được lòng dân thì ngay từ thời bình chúng ta phải chăm lo cho nhân dân, để nhân dân tin tưởng vào chế độ và đặc biệt để nhân dân cảm thấy họ được làm chủ và đang bảo vệ Tổ quốc này. Có như vậy, khi chiến tranh xảy ra thì mới có những thanh niên dũng cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mới có những bà mẹ động viên con mình vào quân đội để bảo vệ đất nước.
Cũng từ chiến thắng này, chúng ta phải nghiên cứu, học tập, vận dụng các chiến thuật, chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch, nghệ thuật tác chiến như thế nào để phù hợp với khả năng lực lượng của quân ta; làm sao có thể khoét sâu điểm yếu của địch nhưng phát huy được điểm mạnh của ta để dẫn đến các chiến thắng cuối cùng.
Thế hệ sau tưởng nhớ tới các anh
Ngày 20/4 năm nay, tròn 70 năm chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn, Thượng tướng muốn chia sẻ gì đối thế hệ trẻ về sự kiện này?
Thượng tướng Võ Tiến Trung: Tôi được biết dịp này tỉnh Khánh Hòa sẽ khánh thành Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn. Tôi nghĩ Khu lưu niệm chiến thắng được xây dựng không chỉ vinh danh Tiểu đoàn 59 và những người đã hy sinh ở trận đánh này, sâu xa hơn, chúng ta xây dựng để tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao những người đã đổ xương máu bảo vệ Tổ quốc, để tạo thành địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ biết và tưởng nhớ đến các bậc tiền bối. Qua đó, thế hệ sau biết được ngày trước ông cha ta đánh giặc như thế, dũng cảm như thế, phối hợp như thế, có những trận đánh lừng danh như thế. Qua đó thế hệ trẻ học hỏi và nhận thức về trách nhiệm của bản thân hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay và sau này.
Một điều tôi cũng muốn chia sẻ là truyền thống uống nước nhớ nguồn là truyền thống rất tốt đẹp của người Việt Nam. Tôi nghĩ tưởng niệm ngày kỷ niệm là một điều rất cần thiết để chúng ta cho thế hệ mai sau biết giữ lấy đạo lý tốt đẹp đó. Nhưng cho đến nay tôi vẫn tự hỏi tại sao những công lao mà Tiểu đoàn 59 cống hiến cho cách mạng lớn như thế mà chưa được tuyên dương anh hùng?
Có thể quy định về công tác thi đua khen thưởng còn có bất cập hoặc do chính sách từng thời kỳ có những điều bất hợp lý. Tôi đã nhiều lần đưa ra kiến nghị này trong bài viết về trận Vườn Gòn-Đá Bàn. Thà chậm, còn hơn không; Tôi nghĩ bây giờ là là thời điểm mà Nhà nước cần xem xét, phong anh hùng cho Tiểu đoàn 59, Tiểu đoàn trường Nguyễn Lựu và các liệt sĩ trong Tiểu đoàn. Chúng ta tôn vinh họ để thế hệ trẻ biết và tôn vinh những người xả thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Điều này là đúng đạo lý và hoàn toàn xứng đáng nên tôi ủng hộ. Rõ ràng nhiều người hy sinh rất dũng cảm, có những công lao rất dũng cảm mà chưa được tuyên dương tương xứng.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!