Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (1954 - 2024) - Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam: Bài 1: Con đường đến Hội nghị Geneva

LTS: Cách đây vừa tròn 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Hiệp định Geneva là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi, qua đó khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế, là dấu mốc lịch sử trong nền ngoại giao Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu vệt bài về Hiệp định Geneva-mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), từ ngày 8-5 đến 21-7-1954, Hội nghị Geneva bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn, kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc Việt Nam để đi tới độc lập, tự do.

Giải quyết “vấn đề xung đột Việt-Pháp” trên cơ sở thương lượng hòa bình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu là chủ trương xuyên suốt của Đảng và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay từ khi Pháp trở lại xâm lược nước ta (ngày 23-9-1945), Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nỗ lực tìm mọi cách nhằm cứu vãn “một nền hòa bình mong manh”, kiên trì đàm phán, nhân nhượng. Nhưng do dã tâm xâm lược, bản chất hiếu chiến của thực dân Pháp nên cuộc chiến tranh đã nổ ra trên toàn cõi Việt Nam.

 Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh tư liệu

Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh tư liệu

Dù cuộc chiến tranh đã nổ ra trên phạm vi toàn quốc song với mong muốn vãn hồi hòa bình, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện Chính phủ Pháp, cũng như nhiều lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, nhưng không được phía Pháp đáp ứng. Dân tộc Việt Nam hiểu rằng, sẽ không thể có thắng lợi trên bàn đàm phán nếu như không có thắng lợi quân sự trên chiến trường.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên cầm súng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với tinh thần tự lực, tự cường, chiến đấu giành thắng lợi từng bước và tiến lên giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, như Việt Bắc Thu-Đông (1947), Biên giới (1950), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)... đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào tình thế bị động, bế tắc và phải lệ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Tháng 5-1953, trước những thất bại trên chiến trường ở Việt Nam và Đông Dương, Chính phủ Pháp cử tướng Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương với hy vọng sớm có thể “uốn nắn lại tình hình” và tìm ra “một lối thoát trong danh dự”, đưa nước Pháp ra khỏi tình thế bế tắc của cuộc chiến tranh Đông Dương. Navarre sang Đông Dương với bản kế hoạch đầy tham vọng sẽ giành thắng lợi trong vòng 18 tháng, buộc Chính phủ ta phải đàm phán trong tình thế có lợi cho Pháp. Nếu không chấp nhận, quân Pháp sẽ tiến công tiêu diệt chủ lực của ta. Đây là kế hoạch chiến lược, thể hiện sự tập trung cố gắng cao nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Để đập tan cố gắng cao nhất, cũng là cố gắng cuối cùng thực dân Pháp với sự giúp sức của Mỹ, tạo cơ sở cho đấu tranh ngoại giao, Trung ương Đảng quyết định mở Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Theo kế hoạch, quân và dân ta mở các hướng tiến công lên Tây Bắc, sang Hạ Lào, Trung Lào, Thượng Lào và Tây Nguyên, buộc Navarre phải phân tán lực lượng trên khắp các chiến trường Đông Dương để đối phó, làm cho kế hoạch tập trung lực lượng cơ động đến Thu Đông năm 1954 tiến công Bắc Bộ đánh đòn quyết định của Navarre bị thất bại hoàn toàn. Mặc dù vậy, với bản chất ngoan cố và còn hy vọng vào sự viện trợ của Mỹ, thực dân Pháp đã điều chỉnh kế hoạch, chọn Điện Biên Phủ để xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, sẵn sàng “nghiền nát” chủ lực của đối phương.

Trước tình hình đó, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch tác chiến. Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử”, “trận quyết chiến chiến lược” giữa dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp xâm lược trên con đường đi tới bàn đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Cũng vào thời điểm này, tình hình thế giới đã xuất hiện các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương muốn giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực, nhất là việc hiệp định đình chiến tại Triều Tiên được ký kết đã tác động mạnh mẽ đến tình hình cuộc chiến tranh ở Đông Dương, một số ít giới cầm quyền Pháp đã nghĩ đến việc tìm lối thoát bằng con đường đàm phán. Trong bối cảnh đó, dù kiên quyết chống lại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nhưng Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẵn sàng thương lượng để giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam.

Ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp thu ý muốn đó... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”.

Tiếp đó, ngày 19-12-1953, nhân kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhắc lại lập trường của Việt Nam trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Thế nhưng, Pháp vẫn còn hy vọng vào một thắng lợi quân sự ở Điện Biên Phủ để buộc đối phương phải chấp nhận theo những điều khoản có lợi cho Pháp nên các đề nghị trên không được đáp ứng.

Trong khi cả quân ta và Pháp đang chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, tháng 1-1954, Ngoại trưởng 4 nước gồm: Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đã họp tại Berlin và quyết định sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneva để giải quyết hai vấn đề: Bàn về giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và giải quyết vấn đề chiến tranh ở Đông Dương. Ngày 26-4-1954, Hội nghị Geneva bắt đầu họp.

Trong thời gian hội nghị bàn về Triều Tiên, quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ lâm vào nguy khốn. Hàng loạt cứ điểm ở phân khu Bắc và khu Đông Mường Thanh bị quân chủ lực đối phương tiêu diệt. Ngày 1-5-1954, khu trung tâm bắt đầu bị tiến công dồn dập, đến chiều 7-5-1954, toàn bộ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đầu hàng.

Tin thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ từ Đông Dương dội về đã làm thay đổi căn bản không khí hội nghị, vấn đề Đông Dương ngay sau đó được đưa lên bàn nghị sự. Điều này cho thấy, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, tạo ra thế mạnh cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên bàn đàm phán. Trước đó, ngày 4-5-1954, theo lời mời của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Trung Quốc, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đến Geneva tham dự hội nghị.

Một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Việt Nam và Đông Dương, phái đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn bước vào hội nghị với tư thế ngẩng cao đầu, tư thế của một dân tộc chiến thắng và chính nghĩa.

(còn nữa)

LÊ VĂN THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/ky-niem-70-nam-ky-ket-hiep-dinh-geneva-1954-2024-moc-son-lich-su-cua-ngoai-giao-cach-mang-viet-nam-bai-1-con-duong-den-hoi-nghi-geneva-785842