Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954 - 13/7/2024): Chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh

Huyện Thạch Thất - vùng đất cổ, nơi 'Địa linh nhân kiệt' của xứ Đoài, tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954 - 13/7/2024) là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện cùng ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước; tiếp tục ra sức thi đua, chung sức, chung lòng xây dựng Thạch Thất ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Huyện Thạch Thất ngày càng phát triển văn minh và hiện đại. Trong ảnh: Một góc thị trấn Liên Quan. Ảnh: Quang Thái.

Huyện Thạch Thất ngày càng phát triển văn minh và hiện đại. Trong ảnh: Một góc thị trấn Liên Quan. Ảnh: Quang Thái.

Giữ vững truyền thống yêu nước

Thạch Thất là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với sự thay đổi nhiều lần về tên gọi và địa giới hành chính, song truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, kiên cường cách mạng của nhân dân trong huyện luôn được giữ vững và ngày càng bồi đắp thêm.

Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn Tây, ngày 15-6-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa và giành chính quyền huyện trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời điểm ấy, mặc dù nhiều xã trên địa bàn huyện bị địch tạm chiến, lập tề, chúng tổ chức hàng trăm đợt càn quét, vây bắt cán bộ, đảng viên, tra tấn, đánh đập nhân dân, nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, bản lĩnh cách mạng kiên cường của quân và dân huyện.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), trên địa bàn huyện hầu như ngày nào cũng có lính ngụy mang vũ khí về đầu hàng, nhiều Ban tề mang triện và sổ sách nộp cho Ủy ban Kháng chiến. Xác định thời cơ đã đến, ngày 13-7-1954, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và Mặt trận Việt Minh, từ mọi ngả đường quân, dân các xã trong huyện, với khí thế cách mạng dâng cao đã đổ về đánh chiếm bốt Chi Quan - căn cứ đầu não cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn huyện, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân và tay sai trên quê hương Thạch Thất, góp phần quan trọng tiến tới Giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10-1954.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Thạch Thất tự hào là địa phương có tỷ lệ thanh niên nhập ngũ cao của cả nước. Nhiều gia đình có từ 5 đến 7 người cùng ra trận, cả 2-3 thế hệ trong một gia đình cùng chung một chiến hào đánh Mỹ. Hàng trăm thanh niên đã viết đơn bằng máu, tình nguyện xin đi chiến đấu; nhiều người đã trở thành những tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội và công an nhân dân. Để tiếp sức cho miền Nam đánh Mỹ, huyện đã cử một đại đội dân quân đi chi viện cho chiến trường Quảng Trị và hơn 800 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu ở các chiến trường miền Nam.

Cùng với đó, Huyện ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”. Toàn huyện đóng góp 265.966 tấn lương thực, 2.610 tấn thực phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam; huy động gần 8.000 dân quân tự vệ, biên chế thành 44 đại đội, xây dựng 107 trận địa; huy động hàng vạn ngày công, đào đắp hàng chục vạn khối đất đá, xây dựng trận địa, hầm hào và phục vụ chiến đấu tại sân bay Hòa Lạc. Lực lượng vũ trang của huyện đã phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực trực tiếp chiến đấu 127 trận, tiêu biểu là trận đánh ngày 23-7-1966 bắn rơi 1 máy bay và bắt sống 2 giặc lái Mỹ; hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chính trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, mặc dù thời gian đã trôi qua, song những chiến công oanh liệt trong đấu tranh chống xâm lược mãi mãi là những bài học lịch sử quý báu, nhằm bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện Thạch Thất, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…

Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội

Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ một huyện với quy mô dân số nhỏ, đến nay, Thạch Thất đã có gần 230.000 người và từ một chi bộ có 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện có 72 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 9.500 đảng viên. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 23.349 tỷ đồng, bằng 55,8% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.266 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch năm thành phố giao, 68% kế hoạch năm huyện giao và bằng 222% so với cùng kỳ năm 2023… Huyện tập trung chỉ đạo duy trì sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp làng nghề và các làng nghề; chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc tại 7 cụm công nghiệp đang hoạt động và Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá (giai đoạn 2).

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng được quan tâm, nhất là việc tập trung xử lý các trường hợp vi phạm mới phát sinh trên địa bàn. Hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thạch Thất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; lập đồ án quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; quy hoạch tổng mặt bằng Nhà lưu niệm Bác Hồ và khu vực phụ cận tại xã Cần Kiệm... Các điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp đất giãn dân, đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa… từng bước được giải quyết.

Đồng thời, công tác giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện về chất lượng; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm… Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 03-CTr/HU ngày 31-3-2021 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, đến hết năm 2023, huyện Thạch Thất có 5 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Đồng Trúc, Hạ Bằng) và 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu). Năm 2024, huyện Thạch Thất phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phùng Xá, Lại Thượng) và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Đồng Trúc, Hạ Bằng)…

“Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới khang trang hơn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn huyện đạt 100 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, hiện toàn huyện chỉ còn 22 hộ nghèo, bằng 0,039% và hộ cận nghèo còn 1.680 hộ, bằng 2,95%...”, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức thông tin.

Với những chiến công và thành tích đạt được; nhiều tập thể, cá nhân trong huyện đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý. Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954 - 13/7/2024), huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước; tiếp tục ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu học tập, lao động và công tác, quyết tâm, chung sức, chung lòng xây dựng huyện Thạch Thất ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-huyen-thach-that-13-7-1954-13-7-2024-chung-suc-xay-dung-que-huong-ngay-cang-giau-dep-van-minh-671707.html