Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024): Sự cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình
Việc ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam vào năm 1954 là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, tạo tiếng vang lớn và là sự cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, các chuyên gia, học giả Lào và Campuchia đã chia sẻ suy nghĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiệp định. Xin trân trọng giới thiệu.
Ông Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia:
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một sự kiện lịch sử làm bùng lên phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào là tấm gương đoàn kết, dẫn đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ.
Thất bại tại Điện Biên Phủ của chế độ thực dân đã gây chấn động trong lòng nước Pháp và trên toàn thế giới. Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia tại Hội nghị Geneva năm 1954. Hiệp định Geneva có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với Việt Nam và các nước Đông Dương mà còn đối với toàn thể các dân tộc bị áp bức dưới chế độ thực dân. Hiệp định là nguồn cổ vũ lớn lao để nhân dân các nước thuộc địa vững tin vào chân lý, từ đó vùng lên đánh đổ chế độ thực dân trên khắp địa cầu.
Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva xuất phát từ đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khát vọng hòa bình, chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Geneva phản ánh kết quả của cuộc đấu tranh gian khổ và sự hy sinh to lớn của Quân đội và nhân dân Việt Nam.
Hiệp định Geneva là một dấu ấn lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, cho thấy tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cẩm nang chứa đựng nhiều kinh nghiệm sâu sắc, cho thấy bản sắc riêng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, là kinh nghiệm cho việc đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Tình đoàn kết sắt son giữa quân dân ba nước Campuchia-Việt Nam-Lào đã vượt qua gian lao, thử thách trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập từ thực dân Pháp. Quan trọng hơn nữa, ngày nay, nhân dân ba nước tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị, khẳng định lập trường đoàn kết trên các diễn đàn quốc tế. Qua đó, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác tại Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, xây dựng đường biên giới hòa bình và phát triển.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, cũng như việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn và đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã giúp GDP của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua.
Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva là dịp để nhắc lại lịch sử đấu tranh anh dũng và tự hào của nhân dân Việt Nam, đồng thời làm sâu sắc thêm giá trị của chiến thắng to lớn đặc biệt này. Tôi tin rằng, quá trình hiện thực hóa tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi.
Thắng lợi của các dân tộc bị áp bức
Ông Syvanh Homsayadeth, Phó Tổng Biên tập Báo Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào:
Nhìn lại 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva, chúng ta biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối cũng như sự hy sinh rất to lớn của quân và dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta luôn ghi nhớ tình đoàn kết thủy chung trong sáng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc.
Hiệp định Geneva là thắng lợi của ba nước Đông Dương và cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với Chiến thắng Điện Biện Phủ, Hiệp định Geneva đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Mặc dù 70 năm đã trôi qua nhưng những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva vẫn còn nguyên giá trị. Hiệp định đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do.
Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định Geneva đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Thắng lợi tại Hội nghị Geneva bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hiệp định Geneva là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường và bền bỉ của quân và dân Việt Nam với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là bài học quý báu về đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên một sức mạnh vô địch. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Những bài học nổi bật nêu trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneva đã được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển. Trong gần 40 năm tiến hành Đổi mới, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhưng việc ký kết Hiệp định Geneva vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam và Lào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó là mối quan hệ phát triển bền vững từ quan hệ truyền thống thân thiết trở thành quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp.
Đó là mối quan hệ thể hiện những ước vọng tha thiết của nhân dân hai nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa hai quốc gia. Đó là mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững mang tính xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, các chặng đường, đưa tới những thắng lợi lịch sử của hai nước Việt Nam và Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.