Kỷ niệm 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Ngày 26-10, tại Hà Nội, Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Bế Xuân Trường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành; đại diện các địa phương nơi có học sinh miền Nam học tập cùng hơn 500 thầy, cô giáo đã tham gia giảng dạy học sinh miền Nam và 3.000 đại biểu là thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc.

 Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Trong diễn văn kỷ niệm, thay mặt Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ.

Các tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm.

Các tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm.

Vì vậy, cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước. Từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, có hàng chục nghìn thiếu nhi, học sinh từ Quảng Trị đến Cà Mau và vùng Tây Nguyên đã được đưa ra Bắc bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó hơn 20.000 học sinh đi bằng đường biển từ các cảng Cà Mau, Sài Gòn, Vũng Tàu và Quy Nhơn ra các cảng cửa Hội (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quý Cao (Thái Bình) và vài nơi khác. Riêng Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đón tiếp gần 2.000 thương, bệnh binh, hơn 47.000 cán bộ, chiến sĩ và 6.000 thiếu nhi, học sinh miền Nam. Ngày từ lúc bước chân lên đất Bắc, bộ đội, cán bộ và thiếu nhi học sinh miền Nam đã vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt và ấm áp của đồng bào miền Bắc.

Khi chiến tranh ở miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt, từ năm 1964 đến 1975, hơn 10.000 thiếu nhi học sinh miền Nam là con liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam được đưa ra miền Bắc, chủ yếu đi bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên quân sự và vào học ở các và một số trường học sinh miền Nam. Tổng số hơn 32.000 thiếu nhi, học sinh đã được ra Bắc, học tập và sinh hoạt ở 28 trường học sinh miền Nam ở nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, đông nhất là ở Hải Phòng, Hà Đông, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…

 TS Mai Liêm Trực phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

TS Mai Liêm Trực phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

TS Mai Liêm Trực cho biết: "Thời kỳ đầu, học sinh miền Nam được phân về ở nhờ nhà dân, ba, bốn cháu trong một gia đình ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây. Thế hệ học sinh miền Nam chúng tôi không bao giờ quên được những ngày mùa đông giá lạnh bà con đốt củi cho chúng tôi sưởi ấm vì không quen chịu được rét của miền Bắc, tối ngủ được bà con đem rơm rạ lót chỗ nằm, sáng dậy được ăn nồi khoai sắn nóng hổi, mặc dù lúc đó đồng bào còn nghèo khó, thiếu ăn thiếu mặc sau những năm kháng chiến gian khổ với nhiều mất mát, hy sinh. Sau khi các trường học sinh miền Nam nội trú được thành lập, chúng tôi đã được hưởng chế độ chu cấp đặc biệt, được ăn no, mặc ấm và điều kiện học tập tốt nhất lúc bấy giờ".

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, việc thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong sự nghiệp trồng người, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn nhưng chúng ta đã dành những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó để ưu tiên cho học sinh miền Nam. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và được sự chăm sóc, sự nuôi dạy tận tình của thầy cô giáo, cùng với sự cố gắng vươn lên của bản thân mỗi học sinh miền Nam, chúng ta đã đào tạo, rèn luyện được lớp người có tài năng và trí tuệ, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc".

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời chúc sức khỏe và mong muốn các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, dù ở trên cương vị nào, sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn là tấm gương sáng, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để thế hệ sau phấn đấu, noi theo.

Tin, ảnh: THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ky-niem-70-nam-truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-800358