Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2025): Lịch sử hào hùng qua những kỷ vật của các liệt sĩ

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2025), chúng tôi đến thăm nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Qua từng trang thư cũ, cuốn sổ tay đã ngả màu, bảng tuyên dương công trạng và những tấm giấy khen… các anh hùng liệt sĩ để lại trước lúc hy sinh, chúng tôi không chỉ thấy sự tàn khốc của chiến tranh, mà còn như được thấy những năm tháng chiến đấu của những người lính đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc!

Những dòng thư gửi từ mặt trận

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến nhà ông Trần Đức Lộc (ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang; cháu ruột và là người thờ cúng liệt sĩ Trần Xuân Tư) để được xem lá thư do liệt sĩ Trần Xuân Tư viết cho mẹ trước lúc hy sinh cách đây hơn 70 năm. Kính cẩn cầm lá thư trên ban thờ liệt sĩ Trần Xuân Tư đưa chúng tôi xem, ông Lộc rơm rớm nước mắt nói: “Đây là lá thư bác Tư viết cho bà nội tôi nhưng chưa kịp gửi thì bác đã hy sinh. Từ ngày được Cục Chính sách - Xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao lại vào năm ngoái, gia đình tôi luôn xem bức thư này như một báu vật”.

Ông Trần Đức Lộc đọc lá thư của liệt sĩ Trần Xuân Tư cho vợ và em gái nghe.

Ông Trần Đức Lộc đọc lá thư của liệt sĩ Trần Xuân Tư cho vợ và em gái nghe.

Lá thư liệt sĩ Trần Xuân Tư viết cho mẹ chỉ vọn vẹn trong một trang giấy nhỏ, trải qua hơn 70 năm, giấy đã ngả màu, nhưng những dòng chữ vẫn còn sắc nét rõ ràng: “Hôm nay con có ít lời kính hầu thăm mẹ được mạnh khỏe và mấy em được bình an. Từ ngày con ra đi chiến đấu đến nay, tụi Pháp có đốt phá gì đến gia đình không? Lúc con đi, trong đồn lính của tụi nó có nói gì đến gia đình, chúng nó có đi tìm con, có tra tấn mấy đứa em của con không, thì mẹ viết thư gửi lại cho con biết…”. Trong lời thư, người con ấy không chỉ hỏi han về sức khỏe của mẹ, về sự an nguy của gia đình mà còn lo lắng cho các em mình nên đã dặn dò: “Mấy em của con, mẹ đừng cho nó đi lính Pháp làm gì. Con đã chiến đấu giành hạnh phúc cho nhân loại, em của con mà đi lính cho nó là một tay sai của chúng để đánh lại dân tộc, cũng như em đánh lại anh.” Lá thư chưa kịp gửi, người chiến sĩ ấy đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Những trang viết hào khí, sắt son

Trong đợt bàn giao các di vật, kỷ vật của các liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp cho thân nhân gia đình vào tháng 7-2024, bà Phạm Thị Ngọc Mai (ở phường Vạn Thạnh, Nha Trang; là cháu gọi liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh bằng chú ruột) rất xúc động khi nhận các di vật, kỷ vật của liệt sĩ gồm: Giấy báo tử, ảnh cá nhân, giấy khen và đặc biệt là 1 cuốn sổ tay. Từ đó đến nay, những di vật, kỷ vật này được gia đình bà Mai nâng niu gìn giữ. Cuốn sổ tay gồm 36 trang giấy mỏng manh, viết trong hoàn cảnh khốc liệt, đói rét và hiểm nguy, nhưng từng dòng chữ ghi chép là kết tinh của tư tưởng, ý chí và niềm tin sắt đá của người lính trẻ. “Ta vừa phải đánh thực dân Pháp và bọn Việt gian bán nước, vừa phải đương đầu can thiệp Mỹ… Nhưng tinh thần ta đang lên, tinh thần địch đang xuống…”. Những dòng chữ đã khắc sâu niềm tin: “Kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”.

Bà Phạm Thị Ngọc Mai đọc cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh cho người thân cùng nghe.

Bà Phạm Thị Ngọc Mai đọc cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh cho người thân cùng nghe.

Hiện nay, gia đình ông Trương Thành Phong (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, cháu ruột của liệt sĩ Trương Đổi) đang gìn giữ cuốn sổ tay cùng các di vật, kỷ vật khác của liệt sĩ Trương Đổi để lại. Cuốn sổ nhỏ bằng lòng bàn tay, với gần 30 trang giấy đã ngả màu theo năm tháng, song những con chữ vẫn còn rất rõ nét. Cuốn sổ tay không chỉ ghi lại đời sống sinh hoạt, quá trình chiến đấu, mà còn là nhật ký tinh thần, với mỗi nét chữ đều thể hiện niềm tin, lý tưởng sống, khát vọng độc lập cho dân tộc. Lần giở từng trang sổ của liệt sĩ để lại, chúng tôi có cảm xúc sâu sắc nhất khi đọc 4 bài viết của tác giả: “Thời cơ đến”, “Thắng trận”, “Nam Bắc một nhà” và bài thơ “Những người không bao giờ về nữa”. Trong đó, tác giả đã ghi chép những lời dạy của Bác Hồ về thời cơ cách mạng; về ý chí kiên cường, quyết vượt qua mọi gian khó trong cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi cuối cùng; những mường tượng về cuộc sống hòa bình, độc lập, hạnh phúc của nhân dân sau khi kháng chiến thắng lợi, Nam Bắc một nhà; sự hy sinh anh dũng của những đồng đội nằm lại nơi núi rừng…

Khi cầm cuốn sổ tay của chú mình viết trước lúc hy sinh cách đây hơn 70 năm, ông Trương Thành Phong xúc động chia sẻ: “Mỗi lần đọc cuốn sổ này, tôi như thấy chú Đổi trở về! Từng con chữ trong sổ tay là tiếng nói của chú, là tình yêu nước và sự hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân…”.

Kỷ vật của những chiến sĩ kiên trung

Trong những di vật, kỷ vật của các liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp mà chúng tôi được tìm hiểu, có những chứng tích sống động của một thời hào hùng. Trong tấm bảng tuyên dương công trạng của liệt sĩ Đỗ Cất (người thờ cúng là cháu ruột - ông Đỗ Tấn Tài, trú xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh), những dòng chữ hiện lên rất rõ nét và hùng tráng về hành động dũng cảm của người chiến sĩ can trường nơi trận tuyến ác liệt: “Khi khẩu đội bạn bị thương, anh liền mau băng bó giúp; lúc súng nghẹt, anh vẫn bình tĩnh sử dụng súng bạn bắn trúng địch và rất nhanh chóng kịp thời; thấy bạn bị thương nằm sau lưng, anh liền vác đặt lại một bên rồi tiếp tục bắn địch”. Hành động nhanh, dứt khoát và không nghĩ đến bản thân. Người lính ấy đã anh dũng chiến đấu, là chỗ dựa tinh thần, là “xương sống” của tập thể.

Tấm giấy khen của liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh cũng thể hiện tinh thần vượt gian khó của người chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. “Đồng chí đau yếu, được cán bộ cho nghỉ, nhưng đồng chí không chịu mà vẫn quyết tâm xin tiếp tục được chiến đấu, dũng cảm vượt qua khó khăn, trong đêm tối trời mưa, một mình đồng chí vẫn nắm được địch tình báo cáo về ban chỉ huy” (nội dung về công lao của liệt sĩ được ghi trong giấy khen). Trong thời điểm một trận ốm có thể cướp đi sinh mạng, sự lựa chọn tiếp tục chiến đấu là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, niềm tin và tinh thần thép của người chiến sĩ cách mạng. Những tấm gương anh dũng như liệt sĩ Đỗ Cất, liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh... đã góp phần làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.

Một trang nhật ký như là "Quyết tâm thư" được liệt sĩ Trương Đổi viết trong sổ tay.

Một trang nhật ký như là "Quyết tâm thư" được liệt sĩ Trương Đổi viết trong sổ tay.

71 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng tinh thần Điện Biên Phủ vẫn sống mãi. Tinh thần đó sống trong từng lá thư gửi mẹ, trong những trang sổ tay ngời sáng lý tưởng cách mạng, trong bài thơ viết vội trước giờ xung trận, trong tờ giấy khen, tấm bảng tuyên dương của các chiến sĩ anh dũng năm xưa. Điều khiến chúng tôi xúc động không chỉ là những câu chuyện của người lính đã anh dũng ngã xuống, mà còn là cách các gia đình liệt sĩ lưu giữ, trân trọng từng di vật, kỷ vật như giữ lại một phần máu thịt của người thân. Những kỷ vật ấy không nằm trong tủ kính bảo tàng, không có thuyết minh viên, nhưng mỗi gia đình là một bảo tàng sống, nơi quá khứ còn hiện hữu, nơi ký ức chưa bao giờ phai mờ. Đó là những di vật bình dị mà thiêng liêng, như chính những con người đã ngã xuống để đất nước đứng lên!

THẾ ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202505/ky-niem-71-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2025-lich-su-hao-hungquanhung-ky-vat-cua-cac-liet-si-0973b01/