Phát huy truyền thống hào hùng
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của thực dân Pháp và mở ra thời kỳ mới cho công cuộc đấu tranh giành độc lập. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với chiến lược quân sự xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã đánh bại tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Trong chiến công vang dội đó, tỉnh Lai Châu đã góp một phần không nhỏ bằng sức người, sức của để làm lên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Niềm tự hào ấy không chỉ là biểu tượng của tinh thần yêu nước còn trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lai Châu xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với vị trí chiến lược, tỉnh Lai Châu trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp lương thực, thực phẩm, dân công hỏa tuyến và các lực lượng hỗ trợ cho chiến dịch. Hàng vạn lượt dân công là người dân tộc Mông, Thái, Dao, Hà Nhì… từ các bản vùng sâu, vùng xa đã vượt suối, băng rừng gùi lương thực, tải đạn tiếp tế cho mặt trận. Những con đường mòn xuyên rừng được mở ra, những gùi hàng nặng trĩu được người Lai Châu âm thầm đóng góp. Đã có 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, huy động 568.139 ngày công, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua.
Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng De Castries và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Tập đoàn cứ điểm “một pháo đài bất khả xâm phạm” của chủ nghĩa thực dân bị tiêu diệt hoàn toàn, góp phần quyết định vào việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong niềm vui chiến thắng ấy, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu phấn khởi, tự hào đã có nhiều đóng góp quan trọng và được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc tặng bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.

Cựu chiến binh Đặng Hùng Giao (bên phải) tự hào kể về những kỷ niệm khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên.
Từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng cựu chiến binh Đặng Hùng Giao (96 tuổi) ở khu 8, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên rất tự hào vì đã đóng góp một phần công sức vào thời khắc lịch sử vĩ đại của cả dân tộc. “Tôi không bao giờ quên thời khắc đón nhận tin chiến thắng trong ngày 7/5/1954, khi được nhìn thấy hình ảnh lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Đó là ký ức thiêng liêng, là biểu tượng của niềm tin và khát vọng độc lập, tự do. Dù năm tháng có qua đi, ký ức đó vẫn sống mãi trong tim tôi, như một bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. Tự hào ấy không chỉ dành cho quá khứ, mà còn là lời nhắn nhủ của thế hệ chúng tôi với lớp con, cháu mai sau: Hãy luôn gìn giữ và phát huy tinh thần Điện Biên, tinh thần vượt khó, quyết thắng, vì Tổ quốc thân yêu” - ông Giao bộc bạch.
Tự hào với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tuổi trẻ Lai Châu không chỉ tri ân quá khứ mà còn nỗ lực dựng xây tương lai, ra sức học tập và bảo vệ vững chắc vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Tao Văn Giót - Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Phát huy truyền thống hào hùng ấy, tuổi trẻ Lai Châu hôm nay đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện và cống hiến. Trong đó, tích cực tham gia nhiều phong trào thanh niên sôi nổi và ý nghĩa. Nổi bật là phong trào “Thanh niên tình nguyện” với các hoạt động như: xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ người dân vùng khó khăn. Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” cũng được đẩy mạnh, khuyến khích đoàn viên, thanh niên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Những hành động thiết thực ấy không chỉ thể hiện lòng tri ân với thế hệ cha anh mà còn khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Em Lê Thùy Linh, lớp 12 chuyên toán (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) chia sẻ: “Chúng em đang sống trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Qua những bài học của bộ môn lịch sử và các phương tiện truyền thông, em như được chứng kiến cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vinh quang của thế hệ cha ông; đặc biệt là những chiến công lẫy lừng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Em luôn tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, tự nhủ sẽ không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện và tu dưỡng thật tốt, xứng đáng với truyền thống anh hùng của cha ông, của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
Phát huy truyền thống hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lai Châu không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đổi mới và sáng tạo trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong những năm gần đây, Lai Châu đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đời sống người dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực như: nông nghiệp, hạ tầng, giáo dục và y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, công tác giảm nghèo đạt kết quả vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm còn 19,59%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và diện mạo nông thôn mới.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch và hạ tầng giao thông. Nhất là triển khai các dự án về khai thác khoáng sản, phát triển nông sản như: lúa, chè, quế, mắc-ca, dược liệu… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt các tuyến đường kết nối với các tỉnh lân cận và các khu du lịch trọng điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế.
71 năm đã qua đi, song chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ biểu tượng của tinh thần quật cường, của lòng yêu nước và ý chí độc lập dân tộc, mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Tự hào và nối tiếp với truyền thống ấy, người dân Lai Châu hôm nay luôn đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đi lên, để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của các thế hệ cha anh.
Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/chinh-tri/phat-huy-truyen-thong-hao-hung-1301865