Kỷ niệm 72 năm ngành Công Thương với những cống hiến cho đất nước
Ngày 14/5/2023, ngành Công Thương tròn 72 năm hình thành và phát triển với những cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước.
Dòng chảy lịch sử của ngành Công Thương có những thời khắc không thể nào quên. Sự có mặt của Bộ Kinh tế quốc gia - bộ tiền thân của của Bộ Công Thương - ngay trong tổ chức bộ máy của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nét hết sức độc đáo, minh chứng cho tầm nhìn xa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chủ động phát huy và động viên nhân tài và vật lực để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo đó, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Bộ Kinh tế quốc gia bao gồm nhiều ngành kinh tế, trong đó có các chuyên ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Ngày 14 /5/1951, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Sự kiện này đã chính thức mở ra những trang sử vẻ vang của ngành Công Thương.
Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958 Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960 Bộ Công nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng tách thành các Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than và Tổng cục Hóa chất. Năm 1981, Bộ Điện và Than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với một bộ phận của Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia thành Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1990 Bộ Công nghiệp nặng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Mỏ và Địa chất, Tổng cục Hóa chất, Tổng cục Dầu khí, Tổng cục Điện tử và Tin học. Năm 1990 Bộ Thương nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội Thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại và năm 1991 đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Đến năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng. Ngày 31/7/2007, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “ Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam ”. Quyết định quan trọng này nhằm phát huy vai trò và truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam, động viên cán bộ, công nhân của ngành đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy đến nay, Ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 72 năm hình thành và phát triển cũng như có những đóng góp to lớn đối với đất nước. Có thể khẳng định, mỗi thành công của cách mạng Việt Nam đều mang đậm dấu ấn thành tích của ngành Công Thương Việt Nam qua các thời kỳ.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ngành Công Thương luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, quản lý bao trùm nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước cũng như chăm lo đời sống cho nhân dân. 72 năm qua, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, đáp ứng từng giai đoạn phát triển của đất nước, Bộ Công Thương đã trải qua nhiều lần tách – nhập bộ máy. Nhưng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi có thể không giống nhau, Công Thương vẫn là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Bối cảnh phát triển mới đặt ra cho ngành Công Thương những cơ hội để cơ cấu lại ngành, tập trung vào các vấn đề về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành; tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo… Phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo xanh, sạch; tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện được những mục tiêu này cũng chính là cách tốt nhất để thế hệ người Công Thương hôm nay tri ân những thế hệ đi trước cũng như khẳng định trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên lộ trình phát triển mới của đất nước với những tầm nhìn đến 2030, đến 2045.