Kỷ niệm 75 năm Khởi nghĩa Thanh La: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của khởi nghĩa Thanh La - Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi sớm nhất nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa
Khởi nghĩa Thanh La nổ ra đêm 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu và Ban Chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, lực lượng vũ trang cách mạng đã mau lẹ tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La trong đêm 10-3- 1945. Đây là cuộc khởi nghĩa cấp xã giành thắng lợi sớm nhất trong cả nước.
Thắng lợi nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa Thanh La cho thấy địch đã rất suy yếu, khởi nghĩa giành chính quyền có thể nổ ra, thành công ở từng xã, huyện rồi phát triển lên phạm vi lớn. Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ quyết định mở rộng hoạt động.
Sáng 11-3-1945, sau cuộc mít tinh tuyên thệ tại sân đình Thanh La, quân khởi nghĩa với nòng cốt là lực lượng Cứu quốc quân 3 và tự vệ địa phương giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cách mạng tiến về giải phóng Đăng Châu- huyện lỵ Sơn Dương.
Đêm 12, rạng sáng ngày 13-3-1945, ta bao vây đánh đồn Đăng Châu. Sau ít phút ta hạ đồn Đăng Châu, thu hơn một trăm khẩu súng, hàng chục két lựu đạn phân phát cho các đội tự vệ, phá kho thóc của Nhật ở huyện lỵ để chia cho dân nghèo.
Mặc dù nhanh chóng chiếm được đồn Đăng Châu, nhưng Ban lãnh đạo vẫn sáng suốt nhận định: Đăng Châu là một vị trí quan trọng, án ngữ con đường từ Tuyên Quang đi Vĩnh Yên và sang Thái Nguyên, thế nào địch cũng tìm cách chiếm lại, do đó phân khu Nguyễn Huệ đã cho rút quân về Ao Búc để củng cố lực lượng, chuẩn bị đối phó.
Đúng như dự đoán của ta, ngày 14-3-1945, tên tri châu Hoàng Thế Tâm, tên tri phủ Yên Sơn Đèo Văn Phú, tên quan hai Nguyễn Văn Chung từ Tuyên Quang đem lính khố xanh chiếm lại Đăng Châu. Ta chủ động bao vây, tiến đánh đồn Đăng Châu một lần nữa và giành thắng lợi nhanh chóng. Hầu hết quân địch đều bị tiêu diệt hoặc xin hàng, một số xin đi theo cách mạng. Ta thu 70 súng cùng nhiều đồ quân dụng.
Sau khi Đăng Châu được giải phóng, ngày 16-3-1945, Phân khu Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại đình Thanh La, tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu. Đây là chính quyền nhân dân cấp châu đầu tiên của Tuyên Quang và cũng là chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên trong cả nước.
Cuộc Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi nhanh chóng, thu vũ khí, giải tán chính quyền thực dân, phong kiến, lập chính quyền cách mạng trong xã và huyện. Nguyên nhân thắng lợi chủ yếu, trước hết đó là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh được truyền đến Tuyên Quang; đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, trực tiếp là huyện Sơn Dương, xã Thanh La có truyền thống yêu nước, đoàn kết, sớm tiếp thu, tin tưởng và quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.
Thứ hai, cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ.
Thứ ba, Khởi nghĩa Thanh La là một cuộc khởi nghĩa từng phần, chớp đúng thời cơ, kết hợp chặt chẽ lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang và diễn ra trong tình thế cách mạng chung của Tổng khởi nghĩa đã xuất hiện và đi đến chín muồi.
Khởi nghĩa Thanh La là cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong thời kỳ tiền khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ đối với tỉnh Tuyên Quang mà còn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Khởi nghĩa Thanh La đã lật đổ chính quyền của thực dân Pháp - phát xít Nhật và các thế lực phong kiến tay sai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cuộc Khởi nghĩa Thanh la thể hiện tinh thần chủ động của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ và Đảng bộ địa phương, minh chứng rõ nét đường lối cách mạng của Đảng, từ khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương tiến lên Tổng khởi nghĩa và để lại những kinh nghiệm quý báu cho sự lãnh đạo của Đảng. Đối với tiến trình cách mạng Tháng Tám, cuộc Khởi nghĩa Thanh La là điểm đột phá đầu tiên vào hệ thống chính quyền tay sai ở Sơn Dương, đặt cơ sở và tạo đà tiến tới giành chính quyền ở Châu Sơn Dương, thành lập Châu Tự Do - chính quyền nhân dân cấp châu, báo hiệu một cao trào cách mạng giai đoạn mới, đó là cao trào kháng Nhật cứu nước.
Từ ngày 10-3-1945, sau khi Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, Đăng Châu được giải phóng, châu Tự Do được thành lập đã mở ra những thắng lợi liên tiếp của khởi nghĩa và tiến công ở một vùng rộng lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn các huyện của tỉnh Tuyên Quang và các huyện của các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, huyện Sơn Dương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, từ đây có thể nối liền căn cứ cách mạng ở Tuyên Quang với các tỉnh. Do hội đủ các điều kiện, ngày 21-5-1945, Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã được đón Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng về ở, làm việc, lãnh đạo cách mạng Tháng Tám.
Tiếp đó Khu Giải phóng- Trung tâm căn cứ địa cách mạng Việt Nam được thành lập gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và một phần của các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái. Tân Trào được Trung ương và Bác Hồ chọn và nghị quyết là Thủ đô Khu Giải phóng. Tại Tân Trào đã diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng quyết định vận mệnh của đất nước ta, dân tộc ta, sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đó là: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng; Quốc dân Đại hội Tân Trào; Lễ xuất quân Nam tiến của Quân Giải phóng Việt Nam.
Từ Thủ đô Khu Giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đập tan chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân lập nên Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc ta.
Tiếp đó, khi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng hầu hết các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ sở kháng chiến trở về Tuyên Quang đặt Đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Tuyên Quang đi vào lịch sử với vị trí là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến và khởi nghĩa Thanh La thành công là thắng lợi sớm nhất, trọn vẹn nhất, mở đầu cho thời kỳ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 theo đúng Đường lối cách mạng của Đảng ta.
- Đình Thanh La (thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), nơi diễn ra cuộc mít tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11-3-1945 và cuộc mít tinh tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16-3-1945.