Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2023): Công tác kiểm tra của Ðảng củng cố niềm tin trong nhân dân

Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 16/10/1948 là ngày truyền thống, đánh dấu mốc son đầu tiên trong chặng đường xây dựng, phát triển ngành Kiểm tra Đảng.

75 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Bình Thuận không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) với phương châm kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; tập trung những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc phức tạp; trong đó, lấy phòng ngừa, “xây” là chính. Nhờ đó, công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả giúp củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Kim chỉ nam trong kiểm tra giám sát

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, quyết định chất lượng và hiệu quả làm việc của Đảng. Người đã chỉ rõ tầm quan trọng và mối quan hệ hữu cơ giữa công tác kiểm tra với định hướng đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện. Người viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Vì vậy, để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, công tác KT, GS phải thực hiện tốt. Theo Người, “... có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ là nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; mới biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”.

Lật lại từng trang sử, vào ngày 16/10/1948 trước yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ký Quyết nghị số 29 thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra đầu tiên của Đảng. Trải qua 75 năm, ngành Kiểm tra Đảng không ngừng phát triển và trưởng thành, lớn mạnh cả về lực lượng, cơ cấu tổ chức bộ máy. Khi mới thành lập chỉ có 3 đồng chí ở cấp Trung ương, đến nay đã có hơn 6.000 cán bộ chuyên trách từ cấp huyện và tương đương trở lên cùng với hơn 12.000 cán bộ kiểm tra kiêm chức.

75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quan tâm của cấp ủy các cấp, ngành Kiểm tra Đảng luôn phát huy truyền thống, tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, kỷ cương và tận tụy. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao. Đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, chủ động cách làm; thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ, kịp thời trên tinh thần khách quan, công tâm, thận trọng, quyết liệt, lấy xây làm chính. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng luôn được đổi mới, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bám sát yêu cầu công tác xây dựng Đảng

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận đã không ngừng phát triển toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và xác định việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát góp phần khắc phục tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác. Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đồng thời, cũng đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Theo đó, Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động ban hành và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm. Nội dung kiểm tra, giám sát bám sát yêu cầu công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, tập trung những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc phức tạp, được dư luận và nhân dân quan tâm. Công tác giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên được tăng cường. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng gắn với kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ diện cấp ủy quản lý. Qua nửa nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã kiểm tra việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước… đối với 2.243 tổ chức Đảng và 6.373 đảng viên; giám sát chuyên đề 1.196 tổ chức Đảng và 4.089 đảng viên, tăng 275 tổ chức Đảng và 1.105 đảng viên so với nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát 760 tổ chức Đảng; kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng 89 tổ chức Đảng; kiểm tra thu chi ngân sách Đảng 46 tổ chức Đảng; kiểm tra việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí 775 tổ chức Đảng; giám sát chuyên đề 450 tổ chức Đảng và 468 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy các cấp. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra, tổ chức Đảng các cấp xem xét, thi hành kỷ luật đối với 8 tổ chức Đảng và 380 đảng viên (có 103 cấp ủy viên các cấp)…

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh đã góp phần giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc. Từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra, đưa Bình Thuận ổn định, phát triển về mọi mặt.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: Muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “Một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Vì vậy, thời gian đến Ủy ban kiểm tra các cấp cần phải thường xuyên hơn nữa quan tâm chăm lo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, đề xuất bổ sung các quy chế, quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm soát quyền lực, kỷ luật Đảng phù hợp với tình hình thực tế.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm ngành Kiểm tra Đảng, cán bộ ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Bình Thuận không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, tác phong công tác, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp. Từ đó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đảng bộ tỉnh hiện nay có 14 UBKT trực thuộc với 94 thành viên và 246 UBKT cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bổ sung kiện toàn 85 đồng chí ủy viên UBKT các cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra được quan tâm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-75-nam-ngay-truyen-thong-nganh-kiem-tra-dang-16-10-1948-16-10-2023-cong-tac-kiem-tra-cua-ang-cung-co-niem-tin-trong-nhan-dan-113916.html