Kỷ niệm 75 năm thành lập 'ngôi nhà chung' của đội ngũ người làm báo
Ngày 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập và Hội nghị toàn quốc năm 2025.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. (Ảnh: congluan.vn)
Ôn lại lịch sử 75 năm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong hành trình 75 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: là tiếng nói của Nhân dân, diễn đàn của xã hội, tích cực tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bối cảnh khu vực và thế giới với sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ đặt ra vô vàn cơ hội, thách thức mang tính quyết định. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tin cậy - “ngôi nhà chung” của đội ngũ những người làm báo cả nước.
Phát biểu chào mừng Lễ kỷ niệm, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết, với 75 năm tuổi đời, rất vinh dự và tự hào cho Hội Nhà báo Việt Nam khi được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nên những tôn chỉ, mục đích ngay từ thưở ban đầu.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy. (Ảnh: congluan.vn)
Ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng với sự nghiệp cách mạng của đất nước, Nhân dân ta. Đối với người làm báo và Hội Nhà báo Việt Nam, đây cũng là năm tổng kết Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 và đặc biệt là kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Để hướng tới Đại hội XIV của Đảng, nhằm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, quán triệt chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”.
Bên cạnh đó, cần tái định vị vai trò và trách nhiệm của báo chí, của Hội Nhà báo Việt Nam trong kỷ nguyên mới theo đúng định hướng, quan điểm chủ trương của Đảng là “xây dựng nền báo chí, xuất bản, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại trên nền tảng số”.
Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cần kịp thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ báo chí phát triển; đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam; phát triển các mô hình kinh tế báo chí bền vững; tiếp tục đào tạo đội ngũ người làm báo với những kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại...
Chiều cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm (2021-2024) thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025”; Hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, qua các năm triển khai, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội Nhà báo, trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thường niên bổ ích với toàn thể hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đoạt nhiều giải báo chí địa phương, giải báo chí của Bộ, ngành, đoàn thể, và đặc biệt là đoạt Giải Báo chí Quốc gia.
Nhiều đại biểu cho rằng thông qua Chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí có chất lượng cao, các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác; mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp.
Công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều bài viết giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định, phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của người cầm bút.
Thời gian tới, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2026-2030 sẽ căn cứ biến động về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, sự thay đổi về số lượng cấp Hội Nhà báo cơ sở, cơ quan báo chí trung ương, địa phương để nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm các tiêu chí phân bổ kinh phí đảm bảo khoa học và công bằng hơn nữa; thuyết minh, giải trình chi tiết với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban, ngành liên quan làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn tới.
Các đại biểu đại diện các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước đều mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% để đáp ứng yêu cầu mới; bổ sung cơ chế đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho nhà báo tác nghiệp tại vùng thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chiến lược về an ninh-quốc phòng và cho phép thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tập trung đào tạo thế hệ nhà báo kế cận…