Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Đi trọn con đường cùng Tổ quốc - Bài 1: 'Việt Minh hóa' trường đào tạo sĩ quan

Tháng 6-1945, chính phủ thân Nhật có quyết định thành lập ngôi trường võ bị mang tên Trường Thanh niên tiền tuyến nhằm đào tạo sĩ quan phục vụ cho chính phủ. Thế nhưng, người tổ chức xây dựng trường lại là hai ông Tạ Quang Bửu và Phan Anh - những trí thức yêu nước đang giữ các cương vị quan trọng trong chính phủ thân Nhật.

LTS: Năm 2020, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm, nhưng một số thành viên của trường do tuổi cao sức yếu không dự được. Phần lớn học viên của ngôi trường “có một không hai” này nay đã về miền mây trắng, nhưng may mắn cho chúng tôi, trong hành trình tìm dấu lớp sinh viên trí thức của trường đã được gặp nhiều nhân chứng sống và được cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm trước khi quá muộn. Với họ, mỗi số phận đều chứa đựng một phần lịch sử của đất nước.

Những sắp xếp của lịch sử

Thật ra, việc lập trường võ bị là cách để trang bị kiến thức quân sự cho những thanh niên trí thức yêu nước nhằm chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc về lâu dài. Ngay khi trường thành lập, GS Tạ Quang Bửu đã nói rõ khi kêu gọi những cựu học sinh trường Khải Định và đồng đội Hướng đạo sinh của ông gia nhập trường: “Tình hình thế nào các anh em cũng cần có một số vốn kiến thức về quân sự, nhà trường không đặt điều kiện cho sinh viên phải phục vụ cho chính phủ hiện nay. Các anh được đảm bảo chọn con đường riêng của các anh”. GS Tạ Quang Bửu vốn là thủ lĩnh Hướng đạo sinh và ông Phan Anh là một luật sư nổi tiếng - đương kim Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ thân Nhật của ông Trần Trọng Kim thời bấy giờ. Các thành viên được chọn lọc đào tạo cũng là những thanh niên trí thức nhiệt huyết yêu nước.

Được lập ra từ tháng 7-1945, tồn tại trong 2 tháng (sau này được đổi tên và chuyển địa điểm) nhưng ngôi trường đã có 2 Bộ trưởng Quốc phòng: luật sư Phan Anh trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 3-1946), sau đó là GS Tạ Quang Bửu cũng trở thành Bộ trưởng Quốc phòng (từ tháng 8-1947 đến tháng 8-1948). Chưa hết, học viên của trường sau này có thêm 8 người trở thành tướng lĩnh và rất nhiều sĩ quan cao cấp, nhiều giáo sư, tiến sĩ với đóng góp to lớn cho đất nước.

Và điều đặc biệt hơn cả là ngôi trường dưới cái vỏ đào tạo sĩ quan quân sự cho chính phủ thân Nhật (ông Phan Tử Lăng làm giám đốc trường võ bị, cũng là Chỉ huy trưởng lực lượng Bảo an Trung kỳ của chính phủ nên không ai có thể nghi ngờ gì về tính chính thống của nó) nhưng bên trong, những người sáng lập đã khéo léo “Việt Minh hóa” ngôi trường, để rồi không chỉ những tên tuổi gắn bó với ngôi trường sau này trở thành những tướng lĩnh hàng đầu của quân đội mà còn gắn một dấu mốc lịch sử vào những ngày tháng 8 mùa thu năm 1945 ở Huế, kinh đô của triều đại phong kiến nhà Nguyễn.

Đường đến với cách mạng

Sau Cách mạng Tháng Tám, những học viên của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế lên đường tham gia kháng chiến dọc dài cùng đất nước trong hành trình vệ quốc. Giờ đây, chỉ cần kể tên tuổi của họ ra thôi cũng đủ để cho chúng ta hiểu vì sao ngôi trường này đặc biệt đến thế.

Ngoài 2 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như đã nói ở trên, đây cũng là nơi khởi hành của những vị tướng lĩnh tài ba thao lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), Tư lệnh Bộ đội Tăng - thiết giáp; Thiếu tướng Cao Pha (Nguyễn Thế Lương), Phó Tư lệnh Bộ đội Đặc công; Thiếu tướng Mai Xuân Tần (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 2); Thiếu tướng Phan Hàm (Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu); Võ Quang Hồ (Cục phó Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu); Thiếu tướng Đoàn Huyên (Tư lệnh Bộ đội tên lửa phòng không, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân); Thiếu tướng Đào Hữu Liêu (Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh)... cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội.

Càng đặc biệt nữa khi trong những trí thức - học viên của trường, có rất nhiều người xuất thân là công tử thuộc hoàng tộc hay quý tử của những danh gia vọng tộc, giác ngộ và theo cách mạng bằng chính sự hiểu biết trước vận nước như ông Tôn Thất Hoàng là con của Thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt có thân phụ là ông Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An và từng 3 lần giữ chức Thượng thư; ông Võ Sum là con quan Án sát Võ Chuẩn...

Bốn thành viên nòng cốt của khung huấn luyện Trường Thanh niên tiền tuyến, ngoài ông Phan Tử Lăng (hiệu trưởng) còn có các ông Võ Lương, Lê Khánh Khang và Lê Đình Bân; trong đó, ông Phan Tử Lăng là thủ khoa khóa sĩ quan chính quy Pháp đầu tiên. Sau này tham gia cách mạng, ông Phan Tử Lăng là đại tá, Cục trưởng Cục Quân chính Quân đội Nhân dân Việt Nam.

AN DU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-niem-78-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9-di-tron-con-duong-cung-to-quoc-bai-1-viet-minh-hoa-truong-dao-tao-si-quan-post702038.html