Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 _ 23-9-2023): Vang mãi nhịp quân hành Nam tiến
Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức đã trắng trợn nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay sáng hôm đó, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra lời kêu gọi: 'Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược!'.
Ngày 23-9 lịch sử ấy vừa đúng 3 tuần sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, toàn dân Việt bước vào một cuộc chiến đấu mới mà không ai nghĩ sẽ kéo dài đến 9 năm sau đó. Cho đến bây giờ, sau gần 8 thập niên, nhìn lại những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, chúng ta vẫn chưa hết ngạc nhiên khi gần như ngay lập tức cả nước vào trận với cuộc hành quân Nam tiến.
Từ biên cương phía Bắc đến tận cùng phương Nam…
Trong những lần tiếp xúc với người lính cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), cụ Tô Văn Cắm (Tô Tiến Lực) vẫn nhắc lại với chúng tôi về những ngày từ Cao Bằng về Hà Nội rồi tham gia đoàn quân Nam tiến theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong 34 đội viên Đội VNTTGPQ được thành lập trong cánh rừng Trần Hưng Đạo ở Cao Bằng, khi chúng tôi gặp, cụ Tô Văn Cắm là người cuối cùng còn lại. Trong những đồng đội đầu tiên của cụ Tô Văn Cắm, về sau có những người là những tướng lĩnh lẫy lừng, như Đội trưởng đội VNTTGPQ Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 3, Quân khu Trị Thiên (Tướng Hoàng Sâm hy sinh trên chiến trường Trị Thiên năm 1968, khi mới 53 tuổi); tướng Hoàng Văn Thái tham gia từ trận đánh đầu tiên ở Phai Khắt - Nà Ngần năm 1944 cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và mang tới quân hàm Đại tướng... Rất nhiều người sau này là sĩ quan cao cấp hoặc giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền. Riêng cụ Tô Văn Cắm cứ mải miết một đời dân, một thường dân đúng nghĩa. Người lính đầu tiên ấy theo đoàn quân đi từ cánh rừng Trần Hưng Đạo cho đến ngày cách mạng thành công, và rồi khi Pháp quay lại tái chiếm, ông Cắm lại theo đoàn quân Nam tiến. Từ Cao Bằng, bước chân người lính cuốn anh lính trẻ vào những trận đánh tận Rạch Giá cực Nam vào năm 1946. Thời buổi bây giờ, khi xe tàu, đường sá rất thuận lợi nhưng nói đến khoảng cách từ Cao Bằng đến Rạch Giá cũng đủ cho người ta mịt mù hình dung, huống hồ gần 80 năm trước. Người lính Cao Bằng trong đoàn quân Nam tiến ấy chiến đấu và bị thương nặng ở Rạch Giá nên phục viên trở về Cao Bằng. Khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ông tiếp tục cầm súng ra trận. Bị thương nặng một lần nữa trong Chiến dịch Biên giới (1950), ông mới thật sự chia tay đời lính, trở lại làm một người nông dân ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình.
Không chỉ có câu chuyện người lính của đội quân đầu tiên từ Cao Bằng tham gia Nam tiến, vị chỉ huy đầu tiên của đoàn quân Nam tiến, rồi sau đó giữ chức Chính ủy Quân giải phóng Nam bộ, cũng là một người con của Cao Bằng - ông Hoàng Đình Giong. Tư liệu của lịch sử Đảng bộ Cao Bằng viết về ông: “Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 10-1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Võ Văn Đức. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng bộ đội Nam tiến vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23-11-1945, Hội nghị Quân sự Nam bộ cử đồng chí Võ Văn Đức (đồng bào Nam bộ thường gọi là Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam bộ. Tháng 12-1945, Xứ ủy Nam bộ quyết định chia Nam bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9 và cùng một đơn vị tiếp tục Nam tiến đến Cà Mau. Lúc này, tình hình Nam bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam bộ. Đồng chí chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực về Cà Mau để củng cố tổ chức. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề”.
Mãi vọng vang lời sông núi
Dẫn lại câu chuyện về vị chỉ huy của đoàn quân Nam tiến Hoàng Đình Giong và người lính trẻ từ cánh rừng Cao Bằng vào chiến đấu tại Rạch Giá để nói rằng, đoàn quân Nam tiến những ngày cùng Nam bộ kháng chiến thực sự mang một cảm hứng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Rất nhiều tấm ảnh tư liệu về chuyến tàu chở đội quân Nam tiến đầu tiên rời ga Hàng Cỏ hôm 26-9-1945 (chỉ 3 ngày sau khi Pháp nổ súng ở Sài Gòn) cho thấy không khí cả nước vì Nam bộ ngày ấy. Đoàn tàu ghé ga Nam Định nhận thêm đơn vị Ninh Bình - Nam Định, vào ga Thanh Hóa, Vinh hay Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, ga nào cũng có đơn vị Nam tiến địa phương đón sẵn.
Nhà văn Thái Vũ trong một bài viết về chuyến tàu này cho biết: Tàu vào đến ga Huế trưa 29-9-1945, chi đội Trần Cao Vân đặc cử chi đội trưởng Cao Văn Khánh dẫn một đại đội theo đoàn Nam tiến. Cao Văn Khánh chính là một học viên của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế mà chúng tôi có dịp nhắc đến. Người sĩ quan chỉ huy chi đội Nam tiến của Huế ấy, dài theo đường binh nghiệp sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Rất nhiều tư liệu giai đoạn này còn ghi lại những câu chuyện cảm động về tinh thần Nam tiến của người dân cả nước tình nguyện vào chiến đấu cùng quân dân Nam bộ. Trong cuốn Lịch sử Hải Phòng (tập 3) có chi tiết cảm động: “Ngày 17-1-1946, hai Thượng tọa Nguyễn Châu và Võ Giác Thuyên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ hai trung đội Tăng già cứu quốc chùa Bắc Mã (Đông Triều) và chùa Phương Mỹ (Thủy Nguyên) gồm toàn bộ các nhà sư xin được tạm cởi áo cà sa xung phong vào Giải phóng quân lên đường Nam tiến”.
Giáo sư Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ lúc đó, nhớ lại: “Một đêm khuya chưa ngủ, tại tổng hành dinh, chúng tôi nhận được tin làm tỉnh cả người như tiếng pháo nổ bên tai, một tin làm sung sướng như được ngàn vàng khi túng thiếu: Đoàn quân giải phóng từ Bắc, Trung vào tới tỉnh Biên Hòa trợ chiến cho Sài Gòn, Nam bộ kháng chiến! Chúng tôi mừng vui, sung sướng như người đang khát mà được một gáo nước mưa!… Cái quan trọng nhất là đoàn quân giải phóng đem vào là tình nghĩa đồng bào cả nước đoàn kết đánh quân cướp nước, là Bắc - Trung - Nam một lòng. Nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng để chiến thắng”.
(Theo: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Đội du kích Ba Tơ - Nhớ lại và suy nghĩ)
Nam tiến không chỉ diễn ra rầm rộ ở trong nước. Ở hải ngoại, bà con kiều bào phát động phong trào hướng về Tổ quốc, quyên góp tiền mua vũ khí tốt, động viên con em gia nhập các đơn vị vũ trang, tổ chức các chi đội hải ngoại, cứu quốc quân hành quân gấp về Nam bộ tham gia chiến đấu. Nhiều Việt kiều ở Pháp, trong đó có những trí thức giỏi, tình nguyện về nước tham gia kháng chiến…
Giờ đây, đọc lại những trang sử hào hùng của những năm tháng Nam tiến, càng hiểu vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố ở Hội nghị Fontainebleau: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Từ Nam tiến, thành quả Cách mạng Tháng Tám với việc khai sinh ra nước Việt Nam độc lập được giữ vững. Và không chỉ vì Nam bộ, từ phong trào này đã tạo nên sức mạnh và niềm tin cho quân dân cả nước vững bước tiến vào cuộc kháng chiến trường kỳ, đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Tối 23-9-1945, nhận được điện, Thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, kêu gọi đồng bào cả nước hết sức ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ. Ngày 24-9-1945, Chính phủ gửi điện chỉ thị Ủy ban Kháng chiến Nam bộ kêu gọi đồng bào Nam bộ kháng chiến và gửi Huấn lệnh cho quân và dân Nam bộ. Ngày 26-9-1945, qua làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bản hiệu triệu tới đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân. Cùng ngày, Chính phủ ra lời Hiệu triệu đồng bào toàn quốc đấu tranh để hủy diệt tất cả hành động xâm lược của giặc Pháp ở Nam bộ, kêu gọi đồng bào cả nước hướng về Nam bộ, bằng mọi hình thức ủng hộ, chi viện cho cuộc chiến đấu của đồng bào Nam bộ.