Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Ứng Hòa
Ngày 3/2, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2023), Chi bộ thôn Tảo Khê (thuộc Đảng bộ xã Tảo Dương Văn) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập. Đây là Chi bộ được thành lập đầu tiên của Đảng bộ huyện Ứng Hòa (2/1938- 2/2023).
Kiên định theo cách mạng, theo Đảng
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu, đảng viên đã cùng ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương và truyền thống cách mạng của chi bộ và Nhân dân thôn Tảo Khê từ khi thành lập đến nay.
Thời điểm ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một số thanh niên Tảo Khê có tâm huyết, mà tiêu biểu là Nguyễn Văn Lộc (tức Trương Đỗ Uông) và Ngô Văn Khải cùng nuôi chí hướng, vượt mọi khó khăn, kiên định tìm cách liên lạc với cách mạng.
Năm 1931, hai thanh niên của thôn lúc đó là Nguyễn Văn Khải và Trương Đỗ Uông rời quê hương, dự định vượt qua biên giới, sang Trung Quốc. Từ chuyến đi ấy, Nguyễn Văn Khải không trở về, còn Trương Đỗ Uông dừng lại ở Đại Từ (Thái Nguyên) làm nghề hương sư vừa giải quyết về sinh kế, vừa có thời gian tìm cách liên lạc với Đảng. Tại đây, có cơ hội tiếp xúc với một số đồng chí, ông Uông được mở rộng tầm nhìn, hiểu biết và tăng cường ý chí cách mạng.
Giữa năm 1932, ông Trương Đỗ Uông trở về Tảo Khê, tập hợp được một nhóm người cùng lứa tuổi, cùng chí hướng tổ chức thành hội đọc báo, chủ yếu để trao đổi về thời cuộc, về cách mạng, về Đảng. Sau một thời gian được tổ chức Đảng ở Kim Bảng (Hà Nam) bồi dưỡng và thử thách qua thực tiễn đấu tranh, tháng 2/1938, tại nhà đồng chí Trương Đỗ Uông (tức Nguyễn Văn Lộc) ở Tảo Khê, đồng chí Lê Hồ thay mặt tổ chức Đảng ở Kim Bảng trực tiếp tổ chức kết nạp 3 đồng chí đảng viên đầu tiên, đồng thời thành lập Chi bộ Đảng Tảo Khê, chỉ định đồng chí Trương Đỗ Uông làm Bí thư chi bộ.
Chi bộ Tảo Khê ra đời đã đánh dấu một bước mới về chất trong phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân giai đoạn 1930 - 1945, không chỉ đối với Tảo Khê mà còn ảnh hưởng tới phong trào chung trong vùng. Đây là chi bộ đảng đầu tiên trên đất Ứng Hòa và là chi bộ đầu tiên ở phía nam tỉnh Hà Đông.
Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Tảo Khê đẩy mạnh hoạt động theo 2 hướng công tác chính. Một mặt tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức giác ngộ cách mạng cho quần chúng, củng cố và phát triển phong trào ở Tảo Khê; mặt khác, thông qua các mối quan hệ quen biết, thân thuộc, chi bộ và một số quần chúng tích cực để chắp nối liên lạc, phát triển phong trào, xây dựng cơ sở đến xóm làng khác trong huyện và quanh vùng.
Với sự lãnh đạo của Chi bộ Tảo Khê, phong trào cách mạng trên địa bàn huyện đã lớn mạnh về chất, cơ sở cách mạng được xây dựng ở nhiều địa phương. Đến tháng 3/1943, 5 làng trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã có cơ sở Đảng, thành lập 3 Chi bộ Đảng và tiếp tục trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn huyện, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng của huyện Ứng Hòa.
Những mốc son lịch sử
Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ về khởi nghĩa giành chính quyền, đêm 15/8/1945, đồng chí Đỗ Mười- Tỉnh ủy viên đã triệu tập Hội nghị cán bộ khu vực nam Ứng Hòa tại Trầm Lộng để phổ biến lệnh khởi nghĩa và bàn kế hoạch thực hiện, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp các cơ sở. Cán bộ, quần chúng khẩn trương chuẩn bị, không khí sôi sục tràn ngập khắp các xóm làng.
Trưa 17/8/1945, hàng ngàn Nhân dân vùng nam Ứng Hòa với băng, cờ, khẩu hiệu, vũ khí thô sơ... đã đổ về tập trung tại Đình làng Tảo Khê. 3 giờ chiều, đồng chí Đỗ Mười thay mặt Ban Chỉ huy tuyên bố lệnh khởi nghĩa, phổ biến kế hoạch đánh chiếm phủ đường. Sau đó, đoàn quân khởi nghĩa giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập tiến lên phủ lỵ. Vào lúc 5 giờ chiều, quân khởi nghĩa đã hoàn toàn làm chủ phủ lỵ, tịch thu vũ khí của lính Bảo an bảo vệ phủ, phá kho thóc đem chia cho Nhân dân và thiêu hủy giấy tờ sổ sách.
Cuộc khởi nghĩa chiếm phủ đường đã diễn ra một cách thuận lợi, là cơ sở để chiều 17/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ ra lệnh khởi nghĩa trong toàn Xứ. Từ đó, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền liên tiếp diễn ra ở khắp các địa phương trong toàn huyện, toàn tỉnh và toàn Xứ. Trên địa bàn huyện, chỉ trong vòng 8 ngày (từ ngày 17-24/8/1945), cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ứng Hòa đã hoàn toàn thắng lợi.
Tiếp đến, sau những năm anh dũng đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc bằng "chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử đã đưa dân tộc ta sang một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH). Chi bộ và Nhân dân thôn Tảo Khê đã kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường của Đất nước, của quê hương, vượt qua bao khó khăn vẫn nguyện đi theo ngọn cờ đấu tranh giải phòng dân tộc do Đảng lãnh đạo
Trong công cuộc xây dựng CNXH, chi bộ và Nhân dân Tảo Khê đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tạo nên sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực: Kinh tế, Chính trị, văn hóa xã hội. Để có được thành quả ấy, bên cạnh việc tăng tình đoàn kết một lòng quyết tâm chiến thắng giặc dốt và giặc ngoại xâm, sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là chi bộ đóng vai trò quyết định. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu, xuyên suốt các giai đoạn đấu tranh cách mạng của chi bộ và Nhân dân thôn Tảo Khê.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN và thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Nhân dân Tảo Khê đã đoàn kết một lòng với Đảng. Từ đó phát huy cao nhất tinh thần yêu quê hương, yêu Đất nước, ý trí cánh mạng triệt để, không quản ngại hy sinh gian khổ.
Thời kỳ đổi mới, cán bộ và Nhân dân thôn Tảo Khê luôn đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Là xã được chọn điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, Chi bộ thôn Tảo Khê đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cùng các thôn trong xã thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ theo lộ trình đã được phê duyệt trong đề án và được công nhận chuẩn Nông thôn mới.
85 năm qua, dưới sự lãnh đạo Huyện ủy Ứng Hòa mà trực tiếp là Đảng bộ xã Tảo Dương Văn, chi bộ, cán bộ và Nhân dân thôn Tảo Khê đã đạt được nhiều kết quả thắng lợi. Có được điều đó là do Chi bộ luôn coi trọng truyền thống quê hương, coi đây là thế mạnh, là nguồn lực quan trọng để phát huy và đưa địa phương ngày càng phát triển.