Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 - 29-7-2019): Tiếp nối mạch nguồn cách mạng
Chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 năm 1930, ở Thanh Hóa đã có 3 chi bộ đảng cộng sản ra đời. Ngày 29-7-1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã chủ trì hội nghị hợp nhất 3 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Từ những 'đốm lửa' cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng ở Thanh Hóa ngày càng lan rộng, phát triển...
Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa). Ảnh: Minh Hiếu
Sức sống mới ở chiếc nôi cách mạng
Những ngày tháng bảy, trở lại Yên Trường, xã Thọ Lập, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu nối các thôn xóm, chạy dài cùng những kênh mương ăm ắp nước tỏa tới từng chân ruộng. Xóm làng tươi mới trong rực sắc màu cờ đỏ của những ngôi nhà kiên cố, khang trang ấm màu trù mật, của những đường hoa điểm tô thêm vẻ đẹp bộ mặt nông thôn mới (NTM).
Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân và nơi thành lập Đảng bộ tỉnh vừa được mở rộng tu bổ, tôn tạo khang trang. Trong câu chuyện về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, sự kiện chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ngay trên vùng đất Yên Trường luôn được nhắc đến.
Đó là những năm tháng Xứ ủy Bắc Kỳ đưa cán bộ về Thanh Hóa phát triển tổ chức cơ sở đảng nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Tháng 4-1930, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về Thanh Hóa bắt mối với những hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thanh Hóa. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, sau khi nhận nhiệm vụ của Xứ ủy Bắc Kỳ đã về làng Hàm Hạ (Đông Sơn) bắt liên lạc với hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở làng Hàm Hạ và kết nạp 3 đồng chí Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long vào Đảng Cộng sản. Ngày 25-6-1930, với tư cách là cán bộ cấp trên, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp quyết định triệu tập hội nghị thành lập chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), đồng thời cũng là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa. Sau khi thành lập chi bộ Hàm Hạ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lên vùng Thiệu Hóa liên lạc với các hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa) để tiếp tục làm nhiệm vụ thành lập chi bộ đảng tại đây. Ở huyện Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn kết nạp được 7 đồng chí vào Đảng. Ngày 22-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã chủ trì hội nghị thành lập chi bộ đảng và cử đồng chí Lê Văn Sỹ làm bí thư chi bộ.
Trước tình hình phong trào đấu tranh cách mạng ở Thanh Hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang rất cần sự lãnh đạo của Đảng, xuất phát từ yêu cầu cấp bách, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 29-7-1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ cộng sản gồm: Chi bộ Hàm Hạ, chi bộ Thiệu Hóa và chi bộ Thọ Xuân. Đồng chí Lê Thế Long được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt quan trọng đối với đảng bộ, nhân dân trong phong trào đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở tỉnh ta. Chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài của phong trào cách mạng do thiếu sự lãnh đạo của một chính Đảng.
Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, trong các giai đoạn cách mạng, nhân dân Yên Trường, Thọ Lập, Thọ Xuân một lòng tin yêu theo Đảng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng. Ghi nhận những đóng góp lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Lập, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp cho Đảng bộ và nhân dân xã Thọ Lập.
Trong công cuộc đổi mới, Thọ Lập luôn đi đầu phong trào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng chí Lê Văn Lực, bí thư đảng ủy xã phấn khởi cho biết: Với sự đồng lòng của cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân, với cách làm đồng bộ, sáng tạo, tháng 3-2019, xã đã đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với vinh dự đón nhận xã đạt chuẩn NTM, Trường Mầm non xã Thọ Lập cũng được công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường Tiểu học Thọ Lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm. Xã Thọ Lập được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Những thành quả trên là tiền đề để xã Thọ Lập tiếp tục duy trì, phát triển bền vững các tiêu chí, giữ vững danh hiệu đơn vị đạt chuẩn NTM; phấn đấu hoàn thành xã NTM nâng cao vào cuối năm 2019 và xã NTM kiểu mẫu trước năm 2025.
Khơi nguồn nội lực
Truyền thống cách mạng luôn là mạch nguồn nội lực của sự đoàn kết, sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa cùng với cả nước đã làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, trở thành hậu phương vững chắc, đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức thực hiện, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đảng bộ đã chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Đến năm 2018, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành một trong những địa phương tốp đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 15,16%, cao thứ 3 cả nước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 23.500 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao trên 1.600 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 8,43%.
6 tháng đầu năm 2019, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả cao so với cùng kỳ và đạt trên 50% so với kế hoạch, đặc biệt một số lĩnh vực có sự tăng trưởng đột biến, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 22,18%, là mức tăng trưởng đột phá, cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kinh tế tăng trưởng vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được cải thiện; nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự xã hội được tăng cường; quy mô, chất lượng nền kinh tế cũng như thế và lực của tỉnh không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Những thành tựu đã đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; ý thức trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt theo đuổi những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha đã được hun đúc qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử.
Đó cũng là tiền đề vững chắc để Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá, chủ động được ngân sách và sau năm 2020, có đóng góp ngân sách cho Trung ương; đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các tỉnh mạnh của cả nước và sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Việt Linh