Kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Giao Thủy (1934-2024): Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đưa Giao Thủy sớm trở thành cực động lực phía Đông Nam của tỉnh Nam Định

Phạm Quang Ái Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Giao Thủy

Một mốc son đáng nhớ đối với Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Giao Thủy đó là năm 1934, huyện Giao Thủy chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Xuân Trường. Suốt chặng đường xây dựng, khởi phát tiên phong và đi lên cùng đất nước trong chiều dài lịch sử dân tộc, đất và người Giao Thủy luôn khẳng định ý chí khai phá, tinh thần cần cù, sáng tạo và khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt (đặc tính của những khai hoang, quai đê, lấn biển). Cũng từ nguồn cội nội sinh này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Thủy tiếp tục tiên phong, nỗ lực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, đưa quê hương bứt phá mạnh mẽ, trở thành vùng quê phát triển toàn diện, đáng sống, sẵn sàng chuyển mình lên một vị thế mới để đóng góp ngày càng nhiều giá trị vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Nam Định.

Một mốc son đáng nhớ đối với Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Giao Thủy đó là năm 1934, huyện Giao Thủy chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Xuân Trường. Suốt chặng đường xây dựng, khởi phát tiên phong và đi lên cùng đất nước trong chiều dài lịch sử dân tộc, đất và người Giao Thủy luôn khẳng định ý chí khai phá, tinh thần cần cù, sáng tạo và khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt (đặc tính của những khai hoang, quai đê, lấn biển). Cũng từ nguồn cội nội sinh này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Thủy tiếp tục tiên phong, nỗ lực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, đưa quê hương bứt phá mạnh mẽ, trở thành vùng quê phát triển toàn diện, đáng sống, sẵn sàng chuyển mình lên một vị thế mới để đóng góp ngày càng nhiều giá trị vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Nam Định.

Tự hào truyền thống

Giao Thủy nằm ở cực Đông của tỉnh Nam Định, phía Đông và Đông Nam giáp với biển Đông với chiều dài bờ biển 32km từ cửa Ba Lạt - xã Giao Thiện (điểm cuối của con sông Hồng đổ ra biển) đến cửa Hà Lạn - thị trấn Quất Lâm, phía Tây Bắc giáp huyện Xuân Trường, phía Tây Nam giáp huyện Hải Hậu, phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ranh giới là sông Hồng; có diện tích tự nhiên 238,24km2, dân số 190.291 người, có 18 xã, 2 thị trấn. Dưới bàn tay lao động cần cù, sáng tạo chinh phục thiên nhiên của biết bao thế hệ người dân Giao Thủy; cùng với sự ưu ái mà thiên nhiên ban tặng, mảnh đất này đã được bồi đắp hình thành từ phù sa màu mỡ với hệ sinh thái đa dạng; trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy rộng hàng nghìn ha đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua chủ trương đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN.

Địa danh Giao Thủy xưa xuất hiện trong sử sách rất sớm từ thời Lý, bao gồm chủ yếu là đất huyện Xuân Trường ngày nay. Còn vùng đất Giao Thủy hiện nay lại hình thành muộn hơn. Từ cuối thế kỷ XV sau khi đắp đê Hồng Đức, đất đai Giao Thủy mới ngày càng mở rộng.

Từ buổi đầu khai hoang, lập đất xây dựng làng xã cũng như suốt quá trình hình thành, phát triển, người dân Giao Thủy đã đoàn kết một lòng, anh dũng kiên cường trong đấu tranh với thiên tai, địch họa, áp bức cường quyền để giữ gìn và xây dựng quê hương. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng, Giao Thủy trở thành vùng trọng yếu đánh chiếm, bình định, nơi các đảng phái phản động hoạt động ráo riết, là vùng bị địch chiếm đóng trong thời kỳ “2 năm 4 tháng” của thực dân Pháp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, cán bộ, đảng viên trong huyện vẫn kiên trung bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng để đoàn kết nhân dân, chống âm mưu chia rẽ tôn giáo, vạch trần bộ mặt phản động của kẻ thù. Kết hợp với đấu tranh chính trị, nhân dân và lực lượng vũ trang Giao Thủy trực tiếp chiến đấu, đập tan nhiều đợt càn quét, khủng bố dã man của địch.

Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất Giao Thủy thời nào cũng có những hào kiệt, danh nhân. Ngay sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với tinh thần yêu nước nồng nàn, sĩ phu và các tầng lớp nhân dân Giao Thủy đã ủng hộ và trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, hưởng ứng ủng hộ “Chiếu Cần Vương” và các phong trào yêu nước do cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh khởi xướng. Trong thế kỷ XVIII và XIX, các làng xã đều có thầy đồ, thầy khóa dạy chữ Hán và chữ Nôm; qua các cuộc thi Hương, thi Hội, thi Đình đã có nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu ở Hoành Nha (Giao Tiến) có cụ đã giữ chức Giám thủ Quốc Tử Giám.

Nhân dân Giao Thủy giàu lòng yêu nước, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giàu truyền thống cách mạng, sớm tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc. Ngay từ tháng 9/1927, Giao Thủy đã có cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Hoành Nha, Quất Lâm, Hà Cát. Đêm 29 rạng ngày 30 Tết Canh Ngọ (1930), cờ Đảng được treo trên Trường Tiểu học chợ Đồn Quất Lâm cùng với rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh. Tháng 5/1930 Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Xuân Trường - Giao Thủy được thành lập. Tháng 6/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản xã Quất Lâm được thành lập gồm 5 đồng chí đảng viên, do đồng chí Nguyễn Đình Lựu làm Bí thư. Từ đây phong trào cách mạng địa phương đã có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, ghi dấu sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ thực dân phong kiến ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Giao Thủy được gắn với phong trào cách mạng cả nước, phát triển với khí thế mới, ngày càng mạnh mẽ. Các tầng lớp nhân dân Giao Thủy được tôi luyện trong gian khó, hy sinh, “nếm mật, nằm gai”, bền gan, vững chí, một lòng sắt son với Đảng; đã tham gia Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 2.100 người con của Giao Thủy đã hăng hái tòng quân; có 575 người đã anh dũng hy sinh và 122 người bị thương trên khắp các chiến trường. Có 8.629 người đã tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và dân quân du kích. Nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 20 nghìn ngày công đào đắp hầm, hào phục vụ chiến đấu; 9.800 tấn lương thực, ủng hộ 145 lượng vàng, 10 triệu đồng công phiếu cho kháng chiến. Những đóng góp to lớn của Giao Thủy đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Giao Thủy đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tổ chức hàng trăm trận đánh, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Toàn huyện có 2.734 liệt sĩ, 1.482 thương binh, 1.242 bệnh binh, 235 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Nền tảng vững chắc

Năm 1934, huyện Giao Thủy chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Xuân Trường (ngày 20/3/1934); đến năm 1967 lại sáp nhập với huyện Xuân Trường thành huyện Xuân Thủy; ngày 1/4/1997, huyện Giao Thủy được tái lập trên cơ sở chia tách huyện Xuân Thủy theo Nghị định 19-CP của Chính phủ. Từ khi tái lập đến nay, truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Giao Thủy luôn là hành trang, động lực tinh thần, hun đúc ý chí vươn lên mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân Giao Thủy tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần đề cao trách nhiệm, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; phát huy sự chủ động, sáng tạo chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền và sự vào cuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tình cảm, trách nhiệm của con em xa quê hướng về quê hương để cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Giao Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện về phát triển KT-XH (Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 14/7/2021 về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 14/7/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025) kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Trong tổ chức thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Giao Thủy đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn, nắm bắt kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, lựa chọn đúng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và các khâu đột phá, bao gồm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển KT-XH; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tích cực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; quan tâm triển khai tích cực, hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Nhờ đó, đã đưa Giao Thủy từ một huyện thuần nông, điểm xuất phát thấp, bứt phá mạnh mẽ, trở thành vùng quê phát triển toàn diện, đáng sống, sẵn sàng chuyển mình lên một vị thế mới để đóng góp ngày càng nhiều giá trị vào sự nghiệp phát triển KT-XH tỉnh Nam Định.

Làng quê nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Xuân đang từng bước đô thị hóa, ngày càng văn minh, hiện đại.

Làng quê nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Xuân đang từng bước đô thị hóa, ngày càng văn minh, hiện đại.

Nổi bật là huyện đang bứt phá mạnh mẽ, trở thành địa phương đi đầu toàn tỉnh trong xây dựng NTM. Đến nay toàn huyện đã có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra); trong đó xã Giao Phong là một trong 9 xã của cả nước được Bộ NN và PTNT chọn thực hiện thí điểm “Mô hình xã NTM thông minh” do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1). Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.

Thông qua xây dựng NTM, kinh tế của huyện phát triển ổn định, quy mô và hiệu quả kinh tế được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều ở các xã, thị trấn giảm chỉ còn 0,76%. Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hình thành được nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân như: tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn, khắc phục manh mún để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi ngao sạch; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng công nghệ cao, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất… Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 11 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 395ha được Sở NN và PTNT cấp mã số vùng trồng; đứng đầu tỉnh về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP với 105 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có gắn mã điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ.

Bên cạnh phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực, chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều công trình, dự án trọng điểm đang triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển KT-XH trong thời gian tới. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được đẩy mạnh; từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Giao Thủy đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn, tạo tiền đề và động lực quan trọng để kinh tế của huyện bứt phá tăng trưởng.

Chất lượng giáo dục của Giao Thủy ngày càng khẳng định vị trí trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh.

Chất lượng giáo dục của Giao Thủy ngày càng khẳng định vị trí trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, phát huy truyền thống hiếu học, học giỏi và khoa bảng, chất lượng giáo dục của Giao Thủy ngày càng khẳng định vị trí trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tư tưởng, công tác dân vận, công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, phát triển đảng viên. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm với quê hương và tận tụy với nhân dân. Chăm lo công tác quốc phòng - an ninh, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để nhân dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện nhà.

Những nỗ lực vượt bậc trong xây dựng và phát triển quê hương của mỗi người con Giao Thủy đã giúp Giao Thủy hôm nay khoác lên mình một diện mạo phát triển mới, tươi sáng, đồng bộ cả ở khu vực đô thị và nông thôn, trở thành một miền quê đáng sống. Được ghi nhận qua những danh hiệu và phần thưởng xứng đáng như: Huân chương Lao động hạng Ba (các năm 2012 và 2019); Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2017; Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2019, 2023; cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Nam Định. Đặc biệt, ngày 13/8/2024 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất do đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2019 đến năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc

Định hướng phát triển

Các giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa cũng như kết quả đạt được thời gian qua và những yếu tố mới xuất hiện sẽ tạo cơ hội để Giao Thủy phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các chủ trương, định hướng: Thúc đẩy, phát triển Giao Thủy trở thành 1 trong 4 cực tăng trưởng của tỉnh và là vùng phát triển về kinh tế biển cùng với các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường. Định hướng thế mạnh là phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và thủy sản; xây dựng huyện Giao Thủy trở thành cực động lực phía Đông Nam của tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trung tâm đô thị Giao Thủy được định hướng sẽ gồm thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy và đô thị Đại Đồng. Huyện Giao Thủy nằm trên 2 trong 5 hành lang kinh tế của tỉnh gồm: Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy), đây là hành lang phát triển động lực chủ đạo, ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ (trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ cảng và logistics); Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy, là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050.

Huyện luôn quan tâm, chăm lo cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.

Huyện luôn quan tâm, chăm lo cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.

Để nhập guồng, cùng hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm để tập trung triển khai ngay trong năm 2024. Trong đó, tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI; các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện và Kế hoạch phát triển KT-XH huyện 5 năm 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển KT-XH và thu hút đầu tư; Quy hoạch các đô thị; Quy hoạch phát triển du lịch… đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ đất, nhất là quỹ đất được hình thành từ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình trọng điểm, động lực, có tính chiến lược lâu dài, góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư và phát triển KT-XH của huyện. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu được công nhận huyện đạt NTM kiểu mẫu năm 2025; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng nêu trên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị luôn phải có ý thức trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trở thành “hạt nhân” lan tỏa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa Giao Thủy phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành cực động lực phía Đông Nam của tỉnh.

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202409/ky-niem-90-nam-thanh-lap-huyen-giao-thuy-1934-2024-phat-huy-truyen-thong-que-huong-cach-mang-dua-giao-thuy-som-tro-thanh-cuc-dong-luc-phia-dong-nam-cua-tinh-nam-dinh-5984a38/