Kỷ niệm 94 năm thành lập ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2024): Theo sát thực tế cuộc sống

Một trong những chức năng quan trọng của ngành Tuyên giáo là tham mưu Đảng về hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn tổ chức cán bộ, đảng viên, nhân dân triển khai thực hiện tốt nội dung các nghị quyết của Đảng nhằm giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển. Để thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi công tác tuyên giáo ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và theo sát thực tế cuộc sống.

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ. Ảnh: Đình Hiệp

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ. Ảnh: Đình Hiệp

Mỗi khi ôn lại lịch sử ngành lại gợi nhớ về bao thế hệ những người làm công tác tư tưởng, tuyên giáo tiếp nối nhau làm nên lịch sử Đảng ta. Chúng ta luôn ghi nhớ công lao và nhắc tới những cán bộ cao cấp uy tín, đạo đức trong sáng, giàu năng lực, trí tuệ, dồi dào kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, tư tưởng, xây dựng Đảng, như các đồng chí Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Hà Đăng, Hữu Thọ, Nguyễn Khoa Điềm...

Một trong những chức năng quan trọng của ngành Tuyên giáo là tham mưu Đảng về hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn tổ chức cán bộ, đảng viên, nhân dân triển khai thực hiện tốt nội dung các nghị quyết của Đảng nhằm giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển. Xây dựng nội dung nghị quyết, hướng dẫn toàn dân học tập, tổ chức triển khai đưa các chủ trương, đường lối trong nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng mà lực lượng tuyên giáo phải hoàn thành.

Để thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi công tác tuyên giáo ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Muốn đạt mục tiêu đi nhanh, đi trước, kịp thời, cần ứng dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số, thích ứng với thời đại công nghệ; bắt kịp với sự chuyển động mau lẹ của đời sống cơ chế thị trường, vận động của xã hội thời hội nhập toàn diện và sâu rộng.

Bộ máy của ngành được khép kín từ trung ương đến 63 tỉnh, thành phố. Vận hành theo chiều dọc, từ trên xuống dưới và ngược lại. Lực lượng chuyên trách làm công tác tuyên giáo trải rộng, có những “chân rết” hoạt động trong dân, gắn bó, phối hợp công tác chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội khác như: Mặt trận, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, tổ chức đoàn...

Ngoài kiến thức cơ bản vừa rộng, vừa chuyên sâu, lực lượng tuyên giáo không thể thiếu phẩm chất chính trị, trung thành với Đảng, chế độ; có bản lĩnh nghề nghiệp, được trang bị kỹ năng cơ bản. Cán bộ thành tài phải qua luyện rèn trong thực tiễn. Ấy là, có khả năng thu nhận thông tin, tổng hợp, phân tích, xử lý tốt thông tin. Có kỹ năng biểu đạt lưu loát, thuyết phục (thuyết trình, tuyên truyền miệng); khả năng viết (xây dựng văn bản một cách khoa học, viết báo, viết sách, viết nghị quyết). Kinh nghiệm từ hoạt động tuyên giáo trong nhiều thập kỷ qua chỉ ra rằng, muốn thực hiện hiệu quả công tác tuyên giáo, người trong ngành (nhất là lực lượng chuyên trách ở địa phương) phải kiên định với nguyên tắc gần dân, sát dân, trọng dân; luôn biết khiêm tốn, khiêm cung lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân khi cùng chung hơi thở cuộc sống; có thái độ ứng xử khôn khéo, linh hoạt, phù hợp với từng tình huống cụ thể.

Cũng như nghề báo, người làm tuyên giáo như chiếc rađa nhiều cánh, vươn cao, vươn xa, ra nhiều phía để bắt sóng thông tin, thu thập dữ liệu, tin tức; có khả năng tổng hợp, thẩm định và phân tích, đánh giá tình hình. Chất lượng tham mưu cho Đảng phụ thuộc rất nhiều vào thông tin từ cơ sở, từ thực tiễn cuộc sống. Những người học nghị quyết thường đòi hỏi người xây dựng nghị quyết phải đưa cuộc sống vào nghị quyết là thế. Và cũng không phải tự nhiên, đã từng có thế hệ đứng đầu ngành Tuyên giáo các cấp, họ không chỉ là nhà kỹ trị, nhà tư tưởng, mà họ còn là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ uy tín. Bản thân họ đã có những tố chất rất riêng để đảm trách và thực hiện tốt công việc không hề dễ dàng thuộc lĩnh vực mang tính đặc thù tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục chính trị, xây dựng nhân cách, đạo đức con người.

Bài học sâu sắc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho thế hệ mai sau là sự tận trung với nước, tận hiếu với dân, tư tưởng vì dân, lấy người dân làm trung tâm, đích đến. Ông là nhà tư tưởng, nhà văn hóa uyên thâm, dồi dào kinh nghiệm lý luận và thực tiễn. Những thước phim tư liệu quý giá ghi lại hình ảnh sống động, dù bận trăm công nghìn việc, sức khỏe không dồi dào như hồi tuổi còn trẻ nhưng ông vẫn ưu tiên dành thời gian nhất định cho những chuyến đi thực tế nhiều lĩnh vực, mặt trận, từ vùng xuôi đến miền ngược để tận thấy, cảm nhận đầy đủ hơn cuộc sống đời thường mà thẩm định những điều mình đang nghĩ, đang viết, đang đúc kết kinh nghiệm, khái quát thành lý luận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến công trường, nhà máy, xí nghiệp gặp gỡ, trao đổi với công nhân trực tiếp sản xuất; động viên bà con nông dân trên những cánh đồng; gặp mặt, lắng nghe tâm tư các tầng lớp nhân dân mỗi khi tiếp xúc cử tri; gặp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các cháu sinh viên, thiếu nhi, cụ già đến em nhỏ, thương bệnh binh, người cao tuổi, bạn bè, đồng chí, đồng đội…

Những bài nói, bài viết của Tổng Bí thư hàm chứa lối văn tối giản, mộc mạc, dễ hiểu và có sức truyền cảm, thuyết phục, tác động lan tỏa sâu sắc bởi đầy ắp sức sống cuộc đời. Tổng Bí thư để lại dấu ấn sâu sắc về công tác tư tưởng của Đảng, biểu hiện trên lĩnh vực công tác tuyên truyền, cổ động, báo chí; trên lĩnh vực xây dựng và chỉnh đốn Đảng và trong việc thực hành tư tưởng, lối sống.

Trong những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn song hành, gắn kết với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt đã được triển khai quyết liệt.

Trong đó, củng cố, xây dựng bộ máy hệ thống chính trị của Đảng trong sạch, vững mạnh hết sức được coi trọng. Hoạt động tuyên giáo nếu rời xa thực tiễn cuộc sống là Đảng xa dân, không hấp thụ được bản chất sự việc mình cần dõi theo, tìm hiểu, để phân tích chuyển thành nội dung tham mưu Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước.

Vì thế, sức sống của lực lượng làm tuyên giáo chính là biết hòa mình với đời sống xã hội, cộng đồng, dòng chảy thời đại. Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, bên cạnh thời cơ, thuận lợi là những thách thức không nhỏ. Công tác tuyên giáo tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm” của đất nước.

Một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc là lực lượng tuyên giáo không được xa rời thực tiễn cuộc sống, "miệng nói, tay làm, tai lắng nghe" để không quan liêu, chủ quan, hình thức chủ nghĩa, lý luận suông, tư duy áp đặt, mất đi sức thuyết phục trong công tác tuyên truyền.

Dự báo kịp thời diễn biến nhận thức tư tưởng, tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người dân, hiểu rõ bản chất mỗi sự việc, vấn đề dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nhằm tham mưu trúng, đúng, ứng xử thích hợp trong mọi tình huống phải luôn là yêu cầu mang tính thời sự và chiến lược đối với ngành Tuyên giáo hiện nay.

Danh Huy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-94-nam-thanh-lap-nganh-tuyen-giao-1-8-1930-1-8-2024-theo-sat-thuc-te-cuoc-song-673576.html