Kỷ niệm buồn về một bài hát nổi tiếng
Công chúng yêu âm nhạc nước ta từ lâu đã quá quen biết nhạc sĩ Huy Du (1926-2007) - một tên tuổi lớn trong dòng nhạc truyền thống, cách mạng Việt Nam. Ông là tác giả hàng trăm bài hát nổi tiếng như 'Anh vẫn hành quân', 'Việt Nam trên đường chúng ta đi', 'Bế Văn Đàn sống mãi', 'Bạch Long Vĩ đảo quê hương', 'Cùng anh tiến quân trên đường dài'. 'Tình em', 'Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi', 'Thề quyết bảo vệ Tổ quốc'…
Nhiều năm ông là bộ đội, là người bạn tinh thần thân thiết, gắn bó với người lính Cụ Hồ. Ông cũng là tác giả bản nhạc không lời bất hủ dành cho đàn violon độc tấu có tên "Miền Nam quê hương ta ơi" không nghệ sĩ đàn vĩ cầm nào không biết và rất thích diễn tấu. Ông cũng từng là đại biểu với tư cách Phó ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3.
Hẳn bạn đọc cũng rất biết hoặc từng được nghe một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông có tên "Nổi lửa lên em": "Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé/ Lá nếp, rau rừng thêm ấm tình anh nuôi/ Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày/ Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận/ Có chị Hằng soi bóng canh thâu…". Nói đến âm nhạc trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), bên cạnh nhiều bài hát có giá trị khác, không thể không nhắc đến "Nổi lửa lên em".
Bài hát nổi tiếng là thể, nhưng đã không nhiều người biết nguyên cớ, hoàn cảnh ra đời. Nghe ca khúc này, ta cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời của những người đang chiến đấu ở tiền phương cũng như toàn thể dân tộc luôn tin ở thắng lợi cuối cùng qua một giai điệu sôi nổi, vui tươi, rộn ràng với lời ca mộc mạc, giản dị, chân thành. Nhưng tác phẩm lại được hình thành từ một kỷ niệm buồn, gắn với những số phận không được may mắn trong chiến tranh. Nhưng đây là một bi kịch lạc quan, chứa chan chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chỉ những dân tộc quật cường, yêu độc lập tự do mới có.
Tôi và nhạc sĩ Huy Du là chỗ quen thân. Ông coi tôi như em, là một người bạn vong niên. Tôi cũng xem ông như một người thầy lớn trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Chúng tôi lại ở gần nhau, cách chỉ mấy trăm mét nên thường xuyên lui tới chuyện trò, đàm đạo. Nhiều bài hát của ông đều gắn với những kỷ niệm nào đó khá thú vị và sâu sắc. Nhưng kỷ niệm liên quan đến "Nổi lửa lên em" thì cứ khiến tôi day dứt mãi, tất nhiên là cho tới tận hôm nay.
Vâng. Huy Du kể rằng đó là năm 1967. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đang ở vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. Một lần, ông cùng nhà thơ Xuân Sách, nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm vào chiến dịch Khe Sanh. Nhóm văn nghệ sĩ ở cùng một đơn vị bộ đội đóng ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Chiến sự lúc ấy rất ác liệt. Không lúc nào là không nghe tiếng máy bay của địch gầm rú, quần thảo trên bầu trời. Khói bom đạn mù mịt suốt ngày đêm.
Đơn vị này có một cô cấp dưỡng xinh đẹp, người Hà Tĩnh. Tuy là con một, lại là gái mà vẫn xung phong ra tiền tuyến và rất chịu khó, có trách nhiệm trong công việc và chăm sóc chu đáo mấy vị là dân văn nghệ. Biết các anh sắp đi thực tế là cô lại chuẩn bị đầy đủ gạo rang, cơm khô, muối và rau rừng cho họ mang theo. Cô thường xuyên lặn lội vào tận rừng sâu, vượt qua nhiều chỗ có bom nổ chậm để kiếm rau tươi về. (Bởi vậy mà trong bài hát có câu "Một cánh rau rừng còn ủ chín yêu thương. Nhớ nắm gạo rang đường ra chiến trận…").
Các văn nghệ sĩ rất cảm kích tấm lòng và ý thức trách nhiệm của cô cấp dưỡng. Quan sát cái bụng lùm lùm của cô, Huy Du biết cô đang mang bầu. Ông hỏi thăm ân cần thì được cô cho biết: Khi ấy, cô là y tá, nữ cứu thương của binh trạm. Trong một trận địch thả bom na-pan, có nhiều chiến sĩ bị thương, trong đó có một chiến sĩ trẻ là lính pháo cao xạ. Anh bị bỏng rất nặng, gần như toàn thân phải băng bó kín mít và được cáng xuống trạm của cô. Là y tá có kinh nghiệm, cô được trao nhiệm vụ thay băng, rửa vết thương và chăm sóc anh chiến sĩ. Rồi tình cảm của anh và cô nảy nở. Ít lâu sau, vết bỏng đã đỡ nhiều, anh đã có thể trở dậy, đi lại nhẹ nhàng. Nhưng chưa thể trở về trận địa chiến đấu, vẫn phải nằm lại trạm xá. Thế rồi một đêm trăng, họ đã không kìm nén được cảm xúc, đã…
Khi biết người nữ Thượng sĩ là y tá có thai, lãnh đạo trạm đã truy hỏi "tác giả" để đề nghị xử lý kỷ luật người đó. Cô một mực không "khai", cứ giữ kín trong lòng với ý nghĩ: Chỉ một mình mình bị kỷ luật, giữ cho người yêu được toàn vẹn danh dự. Cô bị giáng xuống binh nhì, khai trừ ra khỏi Đảng và chuyển sang làm cấp dưỡng. Cả đơn vị ai cũng thương cô nhưng phải tuân thủ kỷ luật chiến trường nên chỉ đành ngậm ngùi an ủi cô: "Thôi. Có đứa con là thứ quý giá nhất trên đời rồi. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Ngày chiến thắng, tất cả rồi sẽ đâu vào đó".
Huy Du vô cùng xúc động khi nghe cô gái tâm sự chuyện riêng của mình. Ông hỏi cô sao không cho anh lính pháo binh biết chuyện thì cô nói lúc ấy nếu cho anh biết, rất sợ anh sẽ nhận con và cũng bị kỷ luật. Đợi đến sau này, khi chiến tranh kết thúc sẽ hay. Cô cũng cho Huy Du biết anh đã hy sinh sau đó không lâu. Quá xúc động, ngậm ngùi, tại binh trạm, ông đã moi trong túi áo của mình bài thơ có tên "Em cũng hành quân" của người bạn tên Giang Lam tặng mình từ trước và phổ ngay được mấy câu: "Nổi lửa lên em! Nổi lửa lên em! Ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trạn đánh, núi rừng xanh dồn dập bước quân hành. Lửa bếp than hồng mang tình em rực cháy, cháy thêm nhanh…".
Trở ra Hà Nội, cũng một đêm trăng sáng, ông đã nhớ lại câu chuyện mình mới biết về cô y tá về sau là cấp dưỡng ở rừng Trường Sơn. Trong nước mắt nghẹn ngào, ông viết một mạch xong bài hát từ ý của bài thơ. Và bắt đầu bài hát đã không phải là "Nổi lửa lên em!" mà là "Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé" như ta đã biết. Có nghĩa đoạn sau tác giả lại viết trước rồi mới quay lại viết đoạn đầu. Âu cũng là một trường hợp độc đáo trong sáng tác ca khúc vậy.
Bốn năm sau - 1971, Huy Du lại có dịp trở vào mặt trận đường 9 Nam Lào. Ông khấp khởi với ý nghĩ sẽ tìm gặp bằng được cô cấp dưỡng năm xưa để trao tặng bài hát mà từ chuyện của cô đã giúp ông có cảm xúc viết nên bài hát mình rất tâm đắc. Nhưng lần này là một cô cấp dưỡng trẻ khác. Nhạc sĩ hỏi thăm thì được biết cô gái quê Hà Tĩnh năm xưa sau đó đã hy sinh bởi bom nổ chậm trong một lần vào rừng hái rau. Mảnh bom găm vào người cô khiến cái thai bị văng ra. Ông nghẹn ngào, gần như thức trắng không thể ngủ đêm hôm ấy do nhớ lại và cảm phục cô gái kiên cường, giàu bản lĩnh năm xưa. Mọi người tại binh trạm lần này đã yêu cầu ông hát "Nổi lửa lên em". Nhưng ông đã bị "gẫy" nhiều lần do không cầm được nước mắt. Và nhiều chiến sĩ khi ấy cũng cùng chung cảm xúc như ông.
Tôi từng nhiều lần hát "Nổi lửa lên em" khi chưa được nghe Huy Du kể câu chuyện trên. Và tôi chỉ nghĩ là bài hát muốn nói đến cái bếp Hoàng Cầm của bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Đến khi nghe chuyện, tôi ít nhiều ngạc nhiên khi thấy kỷ niệm thì đậm chất bi thương nhưng bài hát lại không có một chút dáng vẻ gì là buồn mà ngược lại như đã nói, rất lạc quan, sôi nổi, hảo sảng, phơi phới.
Hỏi Huy Du vì sao ông không bị câu chuyện chi phối để cho ra một bài hát buồn mang chất tưởng niệm vì liên quan đến cái chết của hai chiến sĩ trong chiến tranh thì ông cho biết: Đọc bài thơ của Giang Lam, thấy nội dung ý tứ đều toát lên vẻ lạc quan cách mạng, một thứ tình cảm rất trong sáng của những người lính trẻ bước vào cuộc chiến. Không một chút bi lụy. Họ có thể buồn lúc này, lúc khác chứ ở mặt trận, nơi tiếp giáp với quân thù thì không có tâm lý đó. Đó là đặc điểm của thế hệ trẻ Việt Nam khi ấy, luôn thường trực trong đầu ý nghĩ về sự xả thân, chiến đấu để chiến thắng, quét sạch bóng quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
"Nổi lửa lên em" biểu hiện được thần thái của những người luôn tự tin, vững vàng tâm thế của người chiến thắng. Giai điệu tuôn chảy một cách hết sức tự nhiên, dung dị. Huy Du có lần phàn nàn về sự thể hiện của một số ca sĩ đã quá "bốc" khi hát bài này nhất là câu "Nổi lửa lên em! Nổi lửa lên em!". Hát vừa như gào thét, lại cố ý kéo dài thêm trường độ tiếng "em" một cách thái quá. "Nổi lửa" ở đây vừa là ngọn lửa với nghĩa đen, vừa là ngọn lửa ở trong lòng, ngọn lửa của tình yêu nước, căm thù giặc, tình yêu thương đồng đội. Vậy nên không thể lên gân ồn ào mà cần hát sao khỏe khoắn nhưng dung dị, đúng nghĩa ngọn lửa ở trong lòng chứ không bốc lên ngùn ngụt như hỏa hoạn (!) Mới hay nghệ thuật luôn đòi hỏi sự thể hiện tinh tế là như vậy.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ky-niem-buon-ve-mot-bai-hat-noi-tieng-i673703/