Kỷ niệm ngày Khoa học & Công nghệ (18/5): Đột phá khoa học công nghệ để phát triển kinh tế
Bên cạnh nguồn ngân sách dành cho khoa học công nghệ còn hạn chế của tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, ngành hỗ trợ kinh phí sự nghiệp KH&CN cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các đề tài thiết thực, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống. Theo lãnh đạo Sở KH&CN, thời gian qua, sở phối hợp các ngành liên quan triển khai hơn 100 đề tài, dự án KH&CN các cấp (Trung ương, tỉnh, cơ sở) thuộc nhiều lĩnh vực nông lâm thủy sản, công nghệ sinh học, tiết kiệm năng lượng, công nghệ sau thu hoạch cho các huyện, thị trong tỉnh; góp phần sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình như chuyển giao thành công các mô hình: chuyển đổi cơ cấu cây trồng 2 vụ lúa + 1 vụ màu trên đất 3 lúa; thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh; sản xuất rau an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; chọn tạo giống lúa mới. Các mô hình cải tạo giống bò chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; cải tạo giống nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP… Lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học thực hiện hiệu quả nuôi cấy mô thực vật phát triển một số loài cây nông nghiệp; xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu trên lúa; chăn nuôi heo trên đệm lót lên men, giảm ô nhiễm môi trường ở Đức Linh; công nghệ sinh học rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm bằng Enzyme protease từ vi sinh vật. Nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn xã vùng cao La Dạ, Hàm Thuận Bắc... góp phần tăng năng suất cây trồng, mang hiệu quả kinh tế cho người nông dân…
Kỷ niệm ngày Khoa học & Công ngh
Nỗ lực ban đầu
Đối với doanh nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng đề tài KH&CN như Công ty cổ phần Muối Vĩnh Hảo chế tạo máy bơm nước bằng sức gió (thay thế loại bơm nước mặn sử dụng điện), hoàn thiện quy trình sản xuất muối công nghiệp theo phương pháp cô đặc nước biển ngoài trời, kết tinh phân đoạn thu hồi sản phẩm, rút ngắn thời gian thu hoạch muối từ 2 tuần/đợt còn 1 tuần/đợt. Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết áp dụng kỹ thuật sản xuất nước mắm cao đạm bằng phương pháp cô chân không, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng này, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Xã hội hóa để phát triển
Với những ứng dụng ban đầu đã có tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất ngành nghề truyền thống và một số sản phẩm lợi thế địa phương. Tuy nhiên, do hạn chế kinh phí dành cho KH&CN, cũng như nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư quỹ KH&CN nên lĩnh vực này chưa mạnh như các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Cách đây chưa lâu, trong lần làm việc với Sở KH&CN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, điều kiện phát triển KH&CN tỉnh nhà còn bất cập, nhiều cơ quan, địa phương, doanh nghiệp chưa coi trọng lĩnh vực này, khó khăn phối hợp chuyển giao KH&CN; trình độ đội ngũ cán bộ của ngành chưa ngang tầm. Các đơn vị trong ngành phải từng bước tự chủ vươn lên đáp ứng theo cơ chế thị trường trong đấu thầu các dự án KH&CN. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, kinh tế tỉnh nhà phát triển khá đồng đều những năm qua, nhưng chưa phát huy được thế mạnh KH&CN. Bởi vậy, toàn ngành phải lấy khâu đột phá từ KH&CN để thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh phát triển. Thông qua ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào các loại cây trồng, con nuôi chủ lực của tỉnh (thanh long, cao su, lúa, trôm, tôm giống…), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Do đó đòi hỏi ngành phải kiện toàn lại bộ máy tổ chức, đưa Khu thực nghiệm công nghệ sinh học rộng 7 ha ngoại thành Phan Thiết hoạt động hiệu quả, liên kết với các trường đại học, viện, trung tâm khoa học ứng dụng thực hiện nhiều dự án KH&CN, tạo sản phẩm chất lượng cao, phục vụ sản xuất, đời sống; đồng thời học hỏi kinh nghiệm các đơn vị đầu ngành này. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa KH&CN, tạo thuận lợi các đơn vị trong ngành phát triển, tiến tới tự chủ tài chính lĩnh vực đặc thù này; chú trọng phát triển thị trường KH&CN, tạo điều kiện doanh nghiệp KH&CN hình thành cung cấp giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh.