Kỷ niệm những lần về tết

Tháng Chạp với bao hối hả, tất bật rồi cũng đến, khiến người xa quê chao chát mong chờ ngày sum họp gia đình. Về nhà ăn tết! Vậy mà đến giữa tháng, dịch bệnh tái bùng phát tại Hải Dương và Quảng Ninh rồi lan ra các tỉnh thành làm người ta thêm sốt ruột, lo lắng tình trạng các địa phương giãn cách, mà, tàu xe ngày tết đã khó mùa dịch càng khó bội phần. Những buổi gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp cuối năm, chủ đề xuyên suốt xoay quanh tình hình dịch bệnh, số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng rồi quay sang hỏi thăm nhau con cái đi học, đi làm xa đã về hay chưa. Tin TP Hồ Chí Minh chính thức cho học sinh, sinh viên ngừng đến trường từ ngày 2/2, càng làm nhiều bậc cha mẹ rối, trong đó có tôi, vì lo con không đổi được vé về sớm hơn lịch nghỉ tết của trường trước đó. Trong khi có hàng nghìn học sinh, sinh viên Phú Yên đang học ở TP Hồ Chí Minh, mà dịch thì lây lan không báo trước.

Minh họa: HƯNG DŨNG

Minh họa: HƯNG DŨNG

Nói chuyện tàu xe ngày tết, tôi nghĩ nhiều người trải qua những kỷ niệm khó quên thời sinh viên lâu lắc với những lần rủ nhau đi tàu chui, nhảy tàu chợ, vẫy xe quá giang từng chặng… Khi học đại học ở Huế, chuyện tàu xe về tết luôn là mối quan tâm lớn của tôi khi bloc lịch mỏng dần sang tháng Chạp dù đang lúc thi học kỳ. Thường tháng về tết má cho thêm tiền, số tiền đủ mua bộ đồ mới và vé tàu từ Huế về Phú Yên, vì ba má lo đi xe qua đèo Hải Vân nguy hiểm. Năm đầu tiên, tôi nhận tiền xong theo các chị đi chợ Đông Ba sắm đồ tết, không quên mua 1 chiếc nón bài thơ thật đẹp cho má và một hũ tôm chua đặc sản. Nhưng thứ thu hút tôi nhất không ở chợ Đông Ba mà nằm rải dọc công viên Thương Bạc - cúc Huế. Những chậu cúc nhỏ chỉ chừng hơn chục gốc với bộ lá tươi mượt, mỗi gốc có 1 bông đại đóa gần bằng bàn tay xòe, bung to, vàng kiêu hãnh trong tiết trời se lạnh chớm xuân. Mấy hôm sau, chiều nào đi học về tôi lúc thì ra công viên Thương Bạc, lúc vòng về Nhà hát thành phố, chỉ để ngắm nghía, mân mê đám cúc. Bởi tôi thích màu vàng rực rỡ của loài hoa này và tết nào nhà tôi cũng có vài chậu. Khi ấy, ở Phú Yên chưa thấy có cúc đại đóa.

Trở lại chuyện về tết. Năm đó, bạn tôi rủ đi xe. Nó ở quê, học y nhưng chả hiểu khôn lanh để sẵn đâu mà mới ra Huế học mấy tháng đã biết mò ra bến xe An Cựu tìm thuê một chiếc xe Toyota 12 chỗ, rủ 12 đứa cùng về. Được xe vào đón tận ký túc xá mà giá như đi xe bến, lại không bị nhồi nhét thêm nên đứa nào cũng ưng. Chiều 23 tết, ký túc xá thưa người do sinh viên các lớp trên đã về bớt, đám tụi tôi í ới, lục tục ra xe. Tôi được ưu tiên ngồi ghế ngay sau bác tài, có được khoảng đủ rộng cho cái giỏ và chiếc nón của má mà vẫn còn chỗ để chân. Xe chạy ra khỏi thành phố thì trời tối, dừng ở Lăng Cô cho mọi người ăn cơm. Ăn xong tôi uống viên thuốc chống nôn để chuẩn bị xe vượt đèo. Xe tới chân đèo tôi đã ngáp ngủ, chắc vì mấy đêm thức học thi hơn vì thuốc. Vạ vật theo cơn dằn xóc của xe tôi cũng ngủ đến tận mờ sáng, chẳng trải nghiệm được cảm giác khi qua mấy khúc cua giật khủy tay trên đèo Hải Vân. Về tới nhà mới biết mình được đi xe miễn phí, vì thằng bạn khôn lanh đàm phán thế nào mà giá hợp đồng xe giảm đúng bằng phần tiền vé của 2 đứa. Ba má biết tôi đi xe về, la một trận rồi cấm tiệt không được có lần sau.

Năm thứ hai, vì muốn mua chậu cúc mang về chơi tết nên tôi chọn đi tàu Đồng Hới - Quy Nhơn (DQ). Ngày ấy, người ta thường gọi các chuyến tàu địa phương là tàu chợ. Mà đúng chợ thiệt. Hiếm hoi mới có 1-2 toa khách xếp ghế dãy ngang, còn là những toa vừa chở hàng, vừa chở người với hai hàng ghế chạy dọc, cửa sổ chắn lưới sắt. Các bà đi buôn chất hàng đầy sàn toa, gà vịt heo chó chẳng thiếu, thỉnh thoảng kêu quang quác. Mặc, tối đến có người treo võng đu đưa, người ngã lưng xuống sàn hoặc tựa vào ghế ngủ. Tàu DQ từ Đồng Hới về đến ga Huế tầm 6-7 giờ tối. Đi học về, tôi đủ thời gian xách giỏ ù té vẫy xe thồ, ghé quán chị Yêm ngay trước sân ga ăn dĩa cơm rồi nhẩn nha đợi tàu. Mà quên chưa kể, âm mưu rinh chậu cúc của tôi bị bạn bè dẹp tan, tụi nó bảo tôi sẽ đem về bó chổi cùn vì đi tàu chen lấn ghê lắm, làm gì còn hoa. Thôi đành chịu.

Tôi ở ký túc xá với các chị đồng hương nên cũng được chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kể cả chuyện chọn tàu DQ vé rẻ hơn và đi tàu nên ăn mặc thế nào. Kinh nghiệm ấy giờ kể lại không khỏi buồn cười, bài học thì rút ra ngay khi chuyến hành trình chưa kết thúc. Hồi đó, điều kiện kinh tế chưa cho phép sắm sửa nhiều áo quần, nên nếu học 1 buổi/ngày thì 2 ngày mặc 1 bộ quần áo là chuyện thường. Các chị bảo tôi đi tàu hãy mặc lại bộ đồ dơ, là bộ đã “cày” 2 ngày và đừng gội đầu vì đi tàu kiểu gì cũng nhớp (bẩn). Tôi nghe theo. Đến đêm, khi cả người, heo gà vịt trên toa đều mỏi mệt chìm vào giấc ngủ, lúc ấy thấm bụi đường, thêm bộ quần áo không được sạch, đầu tóc dơ nên cả người nổi ngứa ngáy khó chịu. Giấc ngủ không đến được vì sự khổ sở bởi những cơn ngứa đeo bám cả đêm.

Tàu về ga Diêu Trì tầm 3 giờ sáng, trước khi đến ga cuối Quy Nhơn. Chúng tôi lục tục xuống, vẫy xe ôm ra ngã ba Diêu Trì để đón xe về Tuy Hòa. Hôm đó vừa ra đến nơi thì gặp 1 xe đi Nha Trang đang vòng vèo bắt khách cho đủ chuyến, xe còn trống nhiều nên cả nhóm đứng ven đường đợi. Mệt phờ! Tôi có tật sáng thường đi tiểu mà tàu chợ thì… không dám vào buồng vệ sinh, nên quanh quất tìm chỗ. Con hẻm đất cách đó hơn 100m le lói ánh đèn ngó chừng an toàn, nên tôi lẳng lặng đi một mình. Hai hàng cây lòa xòa che bớt đèn đường, bên dưới cây bụi khá um tùm, thật là một nơi thích hợp cho chuyện ấy. Lúc chuẩn bị vén áo, tôi giật mình nhận ra một bóng đen im lìm đứng cách không xa, tôi bỏ chạy quên luôn cơn “buồn”. Trời dần sáng, ngã 3 Diêu Trì bắt đầu ồn ã người xe, hàng hóa, tiếng gọi bắt khách của các lơ xe... Nhóm chúng tôi lên xe, 5 giờ thì xe rời Diêu Trì, về đến nhà đã quá 7 giờ. Khỏi phải nói, bàng quang căng đến mức nín thở. Sau chuyến đi kỷ niệm ấy tôi cạch tàu DQ. Và tất nhiên, những lần đi về sau đó tôi luôn tắm gội và áo quần sạch sẽ trước khi lên tàu…

Chuyện tàu xe tết ngày xưa vất vả và cũng lắm kỷ niệm. Ngày nay phương tiện giao thông nhiều, ngành giao thông vận tải luôn chủ động các phương án tăng cường tàu xe, chuyến bay trong dịp lễ tết nên việc đi lại những dịp này dễ hơn rất nhiều so với thời những năm 90. Ấy vậy mà, như cái tật, gần tết lại trông ngóng khi nhà có người đi xa. Còn ai đi học, đi làm xa thì càng chộn rộn. Tết này, dịch bệnh đeo bám dai dẳng, diễn biến khó lường, nên nếu được thì tốt nhất là “người ơi người ở đừng về”. Tôi dặn con chuẩn bị ít thực phẩm, để tình huống xấu nhất xảy ra thì ở lại trải nghiệm tết Sài Gòn. Xác định tinh thần trước!

KHÁNH UYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252124/ky-niem-nhung-lan-ve-tet.html