Kỷ niệm Quốc khánh Thụy Sĩ và 50 quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ
Tối 5/8, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm 730 năm Quốc khánh Thụy Sĩ (1291-2021); 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ (1971-2021) đã diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình.
Tối 5/8, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm 730 năm Quốc khánh Thụy Sĩ (1291-2021); 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ (1971-2021) đã diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình.
Dự Lễ kỷ niệm có Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis, đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-6/8/2021.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam dự Lễ kỷ niệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng gửi lời chúc mừng đến Chính phủ, Nhân dân Thụy Sĩ nhân kỷ niệm Quốc khánh Thụy Sĩ; nhấn mạnh, trải qua 730 năm xây dựng, phát triển, Thụy Sĩ đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia với nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế cũng như về chất lượng cuộc sống.
Bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ ngày càng phát triển tốt đẹp đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, với 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, hiện Thụy Sĩ đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 863,5 triệu USD cho phép hai nước có cái nhìn lạc quan về tương lai tươi sáng của thương mại hai chiều khi đại dịch được kiểm soát và kinh tế toàn cầu được phục hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu; cùng với đó là những yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, bệnh dịch... Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để gắn kết các quốc gia với nhau, thúc đẩy cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ, Việt Nam đang nỗ lực hết mình đẩy lùi đại dịch. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ hy vọng ngày càng có nhiều đoàn cấp cao của Thụy Sĩ cũng như các bạn bè Thụy Sĩ thăm Việt Nam, ngày càng có nhiều người Thụy Sĩ kết nối với Việt Nam.
Phát biểu chia sẻ về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia Việt Nam-Thụy Sĩ trong 50 năm qua, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis nhấn mạnh, thời điểm chính thức bắt đầu chặng đường chung của hai nước là năm 1971, khi Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ song phương với Việt Nam.
Tuy nhiên, hai nước lại có lịch sử chung lâu đời hơn thế. Một thế kỉ trước đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của những thương gia, nhà khoa học và nhà khám phá Thụy Sĩ vốn yêu thích phiêu lưu.
Và với nhiều người Thụy Sĩ, Việt Nam còn là Tổ quốc. Một trong những người Thụy Sĩ được nhiều người Việt Nam biết đến nhất là Nhà khoa học Alexandre Yersin, ngay từ thế kỉ XIX, ông đã rời Thụy Sĩ để đến Việt Nam, sinh sống, nghiên cứu khoa học và mất tại Nha Trang năm 1943.
Nhấn mạnh tinh thần cởi mở, dám đương đầu thử thách là những giá trị khiến hai đất nước Việt Nam-Thụy Sĩ thêm gần nhau sau nhiều thập kỷ, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao bày tỏ vui mừng được có mặt trong dịp này; khẳng định, thế giới đổi thay nhưng mối liên hệ gắn bó giữa hai đất nước vẫn còn nguyên vẹn và luôn được duy trì trong khuôn khổ các trao đổi thương mại.
Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đã ủng hộ việc thiết kế và xây dựng "Phòng Hội thảo Geneva" đặt trong tòa nhà mới của Học Viện Ngoại giao Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu hàng đầu về quan hệ quốc tế.
Tên phòng hội thảo là Geneva, thành phố của Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở Liên hợp quốc nhằm mang tới tinh thần quốc tế, tính cởi mở, trao đổi như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp của hai nước Việt Nam-Thụy Sĩ./.