Kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng
Hôm nay, kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 – 4/10/2023), Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Hà Lâm Kỳ hồi tưởng về lần vinh dự được gặp Đại tướng tại nhà riêng trong ngày cả nước đau thương tiễn biệt Đại tướng.
Từ ngày về nhận chức Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Yên Bái) (năm 2001), tôi ao ước có một ngày cả thầy và trò được về thăm, chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh hùng dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
Nằm trong kế hoạch về thăm Thủ đô lần đó, tôi có ý cố gắng thực hiện ý tưởng đó liền điện thoại cho Đại tá Nguyễn Huyên - Bí thư Văn phòng Đại tướng. Đại tá Nguyễn Huyên, tôi có quan hệ từ năm 1989 - ấy là lần đầu tiên bạo dạn về liên hệ cho Đoàn thiếu nhi học sinh cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hoàng Liên Sơn về thăm Đại tướng. Lần tổ chức đó rất thành công. Rồi các năm sau: 1990, 1991, 1997, 2001, tôi đều có dịp làm việc với ông về chương trình đến với Đại tướng. Lần này, ông Bí thư Văn phòng Đại tướng gọi điện báo lên là Đại tướng đã đồng ý và nên đến vào ngày 1 hoặc 2 tháng 9 để còn đưa tin nhân dịp Quốc khánh.
Đoàn cán bộ, giáo viên có các thầy cô giáo: họa sỹ Nguyễn Văn Kim - Phó hiệu trưởng, Triệu Thị Bình - Đại biểu Quốc hội khóa IX, nhạc sỹ Hoàng Xô, thạc sỹ Vũ Bích Nga, Nguyễn Bích Liên. Học sinh giỏi và dân tộc thiểu số có các em: Bùi Quốc Huy, Vi Thị Thảo, Vi Thị Thúy, Nguyễn Thu Hương, Khang A Chua, Xuân Chung, Đặng Hồng Phượng, Lý Thị Nhung, Nguyễn Thị lan Anh, Trần Thúy Mười, Hoàng Thị Gương, Lương Út Huệ, Giàng Thị Giang, Xuân Đạt, Hán Thu Hằng, Thiều Thị Nghiệp - ai dân tộc gì mặc trang phục ấy. Ngoài ra, có hai chị em ruột: Tiến sỹ Hà Thị Hải Yến và Phó giáo sư -Tiến sỹ Hà Minh Sơn (Yên Bái) đang công tác tại Hà Nội cũng xin nhập đoàn.
15 giờ ngày 1 tháng 9 năm 2003, đoàn giáo viên, học sinh có mặt tại sân nhà riêng Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Theo chương trình, ông sẽ tiếp từ 15h đến 15h30 nhưng hôm nay là dịp lễ Quốc khánh, các đoàn khách đã chờ sẵn: ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Bộ Công an, Trung ương Đoàn...
15h15, Đại tướng xuất hiện trước cửa phòng khách trong bộ quân phục trắng, tấm Huân chương Sao vàng lấp lánh. Máy ảnh, máy quay phim rè rè, tách tách. Anh Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng đưa dẫn ông vào ghế giữa, đi sau là phu nhân Đặng Bích Hà và đại tá Nguyễn Huyên. Em Vi Thị Thảo thay mặt đoàn tặng hoa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhẹ nhàng nhận hoa rồi đặt xuống bàn.
Tôi báo cáo tóm tắt với Bác về tình hình phát triển của ngành văn hóa - thông tin, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Yên Bái và tặng ông chiếc khèn bè Thái rồi giới thiệu em Xuân Đạt biểu diễn đàn bầu bản nhạc "Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục. Vị Đại tướng già cả một đời chiến trận chăm chú nghe từng nốt nhạc, tôi có cảm giác tiếng đàn làm ông se lại và càng se lại khi nghĩ đến Bác Hồ. Bác ra đi khi miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất. Rồi ông khẽ vỗ tay trong tiếng vỗ tay vui vui của tất cả mọi người.
Khi biết cô giáo Triệu Thị Bình - dân tộc Dao đỏ là Đại biểu Quốc hội khóa IX, Đại tướng chủ động bắt tay khiến cô Bình bất ngờ, lúng túng. Rồi ông hỏi chuyện Lý Thị Nhung bằng tiếng Mông, hỏi Vi Thị Thảo bằng tiếng Thái, hỏi Hoàng Thị Gương bằng tiếng Cao Lan.
Đại tướng căn dặn: "Các cháu phải giỏi tiếng phổ thông, còn thầy cô giáo vùng cao phải biết tiếng đồng bào dân tộc, đó là văn hóa”. Ông cảm ơn thầy và trò đến thăm, chúc thọ. Ông khen biểu diễn bản nhạc "Vì miền Nam” hay và xúc động. Đại tướng ngẩng nhìn các em một lượt rồi lại nhẹ nhàng nói: "Mong các cháu học giỏi văn hóa, học giỏi nghệ thuật, vững chính trị, luôn vì nước vì dân, ích nước, lợi dân, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết nhà trường! Cho tôi gửi lời hỏi thăm đến các thầy cô giáo và các cháu không có mặt ở đây hôm nay”.
Tôi chủ động đưa tấm ảnh chụp chung giữa Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc năm 1951 xin Đại tướng lưu bút. Đại tướng vui vẻ cầm bút và nắn nót viết: "Chúc các cháu Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Yên Bái học thật giỏi, gương mẫu trong công tác, luôn vì nước vì dân, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ. Ngày 02/9/2003. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Tôi sung sướng nâng trên tay tấm ảnh (chuẩn bị từ nhà) có lời dặn và chữ ký của nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lừng danh thế giới thế kỷ XX rồi theo chân ông ra tiền sảnh nhà riêng chụp ảnh lưu niệm.
Đã 16h, anh lái xe ca giục phải rời khỏi thành phố nếu không sẽ vi phạm luật giao thông. Ai nấy không muốn rời Đại tướng, không muốn rời khu vườn nhà 30 Hoàng Diệu vì ở đó có một CON NGƯờI được toàn dân Việt Nam tôn kính và ngưỡng mộ.
10 năm đã đi qua mà chúng tôi chưa có dịp báo cáo với Đại tướng về sự phát triển của nhà trường. Hôm nay bàng hoàng nghe tin Đại tướng qua đời, lòng tôi buồn vô hạn. Bài viết nhỏ này như một nén tâm nhang của thầy và trò Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái cầu mong Đại tướng - nhà giáo Võ Nguyên Giáp ở cõi vĩnh hằng sống mãi cùng non sông đất nước!
Hà Lâm Kỳ ( ngày 9/10/2013)
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/301650/ky-niem-sau-sac-ve-dai-tuong.aspx