Kỷ niệm với nhạc sỹ Phú Quang - Người yêu Đà Lạt theo cách riêng của mình
(LĐ online) - Tôi “biết” nhạc sỹ Phú Quang và yêu nhạc của anh từ thời sinh viên. Dạo đó, Đại học Đà Lạt thập niên 90 thế kỷ trước, bọn sinh viên khoa Ngữ Văn đi đâu cũng gào lên “ Em ơi Hà Nội phố”. Thậm chí, có thầy giáo dạy môn văn học Nga là giáo viên thỉnh giảng từ Huế vào, sau khi nghe tôi hát “Em ơi Hà Nội phố”, cho luôn 8 điểm môn học chả liên quan gì đến nhạc của anh Quang cả. Sau này đi làm, thập niên 90 của thế kỹ trước, gặp mặt nhạc sỹ Phú Quang tại một địa điểm ít ai tưởng tượng ra. Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, anh đi cùng đạo diễn Lưu Trọng Ninh, làm phim “Dốc tình”. Hồi đó làm phim về địa phương nào, phải được phép của UBND cấp tỉnh. Thậm chí, còn phải “duyệt qua kịch bản phim” mới được phép quay phim trên địa bàn. Và, ca khúc nhạc phim Dốc tình là “Hoàng hôn dốc”, lời thơ của anh Lưu Trọng Văn được anh Quang phổ nhạc với tiếng hát Quang Lý đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng về một bộ phim đầy chất Đà Lạt (Tôi sẽ trở lại về lịch sử ca khúc này trong một thời điểm khác). Sau buổi gặp ‘hành chính” đó, tôi và anh Quang cùng anh Lưu Trọng Ninh trở thành anh em lúc nào không biết. Có những đêm uống Vang Đà Lạt, ba anh em say ngất ngưỡng. Ngay buổi đầu ngồi uống rượu, anh Quang nói, này Hoài, ở Đà Lạt này nhiều người giỏi lắm đấy, có cậu Đình Nghĩ, sáng tác “khá phết” (sau này tôi được biết đó là Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sỹ Đình Nghĩ, tác giả của Say trăng, Hoa Lang Bian, Trở về Đồi cỏ cháy). Cũng không biết từ khi nào, anh Quang thương tôi, đi đâu cũng gọi đi cùng mỗi khi vào Đà Lạt. Anh rời Hà Nội vào Sài Gòn kinh doanh nhà hàng, lỗ te tua, khi hỏi thăm, anh bảo, mình nghệ sỹ mà bán quán ăn, không phải sở trường, thua là phải em ạ.
Cũng hơn 20 năm phiêu bạt Sài Gòn, anh quay về “chốn cũ” - Hà Nội. Đó mới là “quê” của anh thực sự, là nơi trái tim anh đã được định mệnh đặt ở đó. Năm 2009, tôi có việc ra Hà Nội, ở tận khu du lịch Đồng Mô, cách Hà Nội 60 km, anh Quang biết tin tôi ra, bắt anh Lưu Trọng Ninh lái xe đưa anh lên Đồng Mô thăm tôi, rủ tôi và nhạc sỹ Nguyễn Tánh đi ăn bữa cơm rồi vội vã về lại Hà Nội trong đêm. Nhạc sỹ Nguyễn Tánh ngạc nhiên hết sức, vì tình cảm của các nghệ sỹ Hà Nội dành cho tôi. Tôi nói với anh Tánh, chỉ vì họ yêu Đà Lạt mà. Những lần ra Hà Nội sau này, anh luôn nhiệt tình, tôi ngồi ở đâu, anh biết là tới thăm ngay. Có lần, ăn trưa, tôi mời cả vợ chồng nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cùng dự. Anh Quang tới, tôi hát Hoàng hôn dốc, anh Đỗ Hồng Quân đệm piano, đó là điều đặc biệt cho một kẻ ngoại đạo âm nhạc như tôi.
Anh Quang có “tình cảm đặc biệt” ở Đà Lạt với một người con gái rất đẹp. Chị ấy cũng quý anh. Chị cũng là nhân vật chính trong bài hát “ Đà Lạt ngày về” : “Ngã ba đường xưa tôi đứng - Giờ hoa Anh Đào tàn phai/ Em bây giờ quá xa - Khi ngày tôi trở lại, tan về đâu về đâu những giọt sương ngày ấy..” . Cuộc tình đó, thực hay mơ tôi cũng không biết. Chỉ biết, mỗi khi ngồi với tôi, nhắc đến tên người đó, khuôn mặt anh sáng lên một cách lạ kỳ, đầy liêu trai.
Cuối năm 2019, anh vào Đà Lạt, với dự định làm một đêm nhạc Phú Quang tặng người Đà Lạt, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể thực hiện được. Anh Quang có một tình yêu đặc biệt với thông Đà Lạt, loài thông 3 lá hiếm có ở Việt Nam. Anh bảo, Đà Lạt mà không còn rừng thông thì không còn Đà Lạt, hoa có thể thiếu vắng, nhưng thông phải luôn có thành rừng. Đó có lẽ là lý do khiến anh đã sửa lời của bài thơ của anh Lưu Trọng Văn trong “Hoàng hôn dốc chăng” ? “Rừng thông vẫn rì rào, mà rừng thông nào biết, con đường vẫn quanh co, mà còn đường thờ ơ”. Với nhạc sỹ Phú Quang, Đà Lạt như một góc khuất mà khi lặng lẽ nhất của đời sống, anh lại tìm về, thả vào đó những hoài niệm riêng có, cho một thành phố nhỏ nhắn nhưng đầy bao dung này . Nay viết những dòng này, tiễn anh anh cùng với tình yêu Đà Lạt không bao giờ ngơi nghỉ trong em, trong anh và trong lòng mọi người yêu nhạc của anh. Đà Lạt luôn nhớ anh - Phú Quang ơi.