'Ký sinh trùng' - Khi mùi hương định vị thân phận mỗi người
Có nhiều cách để miêu tả người nghèo và người giàu như dáng đi, trang phục…, 'Parasite' (tựa tiếng Việt: 'Ký sinh trùng') của đạo diễn Bong Joon Ho chọn mùi hương để 'định vị' hai tầng lớp này. Một người giàu có thể không diện nổi một bộ đồ đẹp do gu thẩm mỹ, một người nghèo có thể không mang một dáng hình kham khổ nhưng chính mùi hương làm cho người giàu – người nghèo không bị nhầm lẫn.
Parasite của Bong Joon Ho nói về sự phân hóa trong xã hội loài người, cụ thể là đất nước Hàn Quốc, qua cái mùi của nhà giàu và nhà nghèo rất tinh tế, chỉ cần vài biểu cảm của nhân vật và một số câu thoại. Chỉ riêng góc này, đây đã là một bộ phim đáng xem.
“Họ giàu nhưng là những người tốt”, bà mẹ trong gia đình nghèo khó đã nói vậy. Dù tốt thế nào thì người giàu cũng nhận ra ngay và không chịu nổi cái mùi của người nghèo. Cái mùi ấy khi vào nhà giàu là đã “đi quá giới hạn” như lời của ông chủ ngôi biệt thự to tướng.
Cụ thể, đó là cái mùi ẩm thấp chui rút dưới tầng hầm. Bốn con người ẩn nấp ký sinh trong ngôi nhà sang trọng mang chung cái mùi nghèo khó không thể rũ bỏ ngoài cánh cửa nhà giàu mà đến đứa bé chừng 5 tuổi cũng nhận ra. Dù tốt và suy nghĩ đơn giản đến đâu thì người giàu cũng không đứng ngang hàng với người nghèo, họ cho phép mình đứng trên người nghèo và bịt mũi trước cái mùi nghèo.
Dù khéo giấu cỡ nào thì sự kỳ thị của người giàu dành cho người nghèo vẫn mặc nhiên hiển hiện.
Trước đó, Bong Joon Ho có tỏ ra lo lắng bộ phim ông nói về vấn đề của xã hội Hàn Quốc nên khán giả ở các quốc gia khác khó tiếp cận. Nhưng thực tế, sự phân biệt giai cấp, chia rẽ giàu - nghèo là vấn đề xưa nay của con người khắp nơi trên trái đất và ranh giới ấy rất khó xóa nhòa. Vậy nên không ngạc nhiên khi Parasite được đón nhận khắp nơi, trở thành bộ phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Cành cọ vàng và khuynh đảo các phòng vé. Khán giả của Cannes đã vỗ tay suốt 8 phút sau khi bộ phim kết thúc. Ở Việt Nam, chỉ sau buổi chiếu ra mắt đã ngập tràn những chia sẻ của khán giả trên mạng xã hội.
Cuộc sống của 2 gia đình giàu – nghèo được đạo diễn chọn tả như điển hình về sự tương phản giữa các tầng lớp trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Một bên sống trong tầng hầm nhếch nhác, tăm tối, bố mẹ mưu sinh bằng việc dán hộp bánh pizza và những đứa con không có nghề nghiệp ổn định. Một bên sống trong một căn biệt tự siêu sang, đẹp đẽ và tươi sáng. Một sự tình cờ đã dẫn đường đứa con trai nhà nghèo vào làm gia sư cho đứa con nhà nghèo, từ đó hàng loạt những yếu tố bất ngờ xảy ra. Sự phân hóa giàu nghèo đến tột đỉnh qua lối dẫn dắt trào phúng, châm biếm của Bong Joon Ho để khiến khán giả bật cười chua xót.
Bằng mưu mẹo của mình, những người nghèo đã tấn công vào nhà giàu để sống như những ký sinh trùng. Khán giả có thể thấy có hai thái độ của người nghèo trong phim, hoặc họ thoát ra khỏi hầm trú ẩn của mình lừa bọn nhà giàu vài cú để sinh sống hoặc an bài sống quanh năm trong hầm trú ẩn rỉa đồ ăn thức uống như cá rỉa mồi.
Đạo diễn có cách kể chuyện lồng ghép các tình huống thông minh, gây bất ngờ buộc khán giả không rời mắt khỏi màn hình. Tính bất ngờ góp phần tạo nên sức hấp dẫn của phim, vì vậy khán giả nhắc nhau nếu ai tiết lộ là đang gây… tội ác. Có khá nhiều ẩn dụ trong phim không khó nhận ra được đặt máy quay đầy dụng ý như hầm trú ẩn, các bậc thang… với những cảnh quay khốc liệt, ngột ngạt, gây sốc và cách miêu tả hình ảnh điển hình.
Bong Joon Ho sinh năm 1969, khoảng10 năm nay đã trở thành một đạo diễn cần phải được nhắc đến của điện ảnh Hàn Quốc. Cách Bong Joon Ho kể chuyện từ The Host, Mother, Okja, Memories of Murder… cho đến Parasite khiến khán giả dễ dàng nhận ra anh vì những điều khác biệt. Bong Joon Ho là một cái tên khác biệt, tạo ra những bộ phim nói về những vấn đề của xã hội bằng cách kể chuyện rất cá nhân.
Parasite cũng là một tác phẩm như vậy, không ngoại lệ.
Lâm Hạnh
Ảnh: CGVCC