Kỹ sư có 'giấc mơ lớn'
Đầu năm 2020, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) công nhận danh hiệu kỹ sư đầu ngành cho các kỹ sư đang làm việc trong PV GAS. Chu Thiên Ân và Trương Quang Huy là hai kỹ sư trẻ đến từ Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã vinh dự được công nhận danh hiệu cao quý này trong đợt đầu tiên.
Trương Quang Huy và Chu Thiên Ân, hai kỹ sư có nhiều thành tích nổi bật ở KCM, cùng tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM năm 2010. Thiên Ân đầu quân cho KCM ngay khi tốt nghiệp đại học, nhưng phải đến 3 năm sau người bạn đồng môn Quang Huy mới trở thành đồng nghiệp. Họ dần khẳng định năng lực cá nhân qua những sáng kiến, cải tiến, mang lại những lợi ích thiết thực cho KCM trong tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng công việc.
Thiên Ân xuất sắc với sáng kiến “Tính toán lại chiều dài free span tối đa cho phép cho công trình PM3 - Cà Mau theo tiêu chuẩn DNV RP F105”, ước tính giảm chi phí hơn 35 tỉ đồng khi không phải sửa chữa free span không cần thiết. Hay sáng kiến “Đồng bộ kết quả khảo sát ROV với kết quả phóng PIG để xác định tọa độ các điểm khuyết tật theo kết quả phóng PIG của đường ống PM3-Cà Mau. Ứng dụng xác định vị trí điểm khuyết tật mà không cần phóng PIG và lắp đạt Marker”, tiết giảm khoảng 22 tỉ đồng khi áp dụng thực tế công tác sửa chữa, bảo dưỡng.
Còn Quang Huy nổi bật với các sáng kiến được các nhà chuyên môn đánh giá cao vì tính thực tiễn. Sáng kiến “Thiết kế, lắp đặt, cài đặt chế độ điều khiển Web Server cho các Heater H-1741/H-1781/H-1782 dự phòng trong điều kiện thời tiết mưa bão hoặc không điều khiển được từ màn hình Local”, ước tính hiệu quả kinh tế đem lại 3,5 tỉ đồng/mỗi lần dừng Heater. Sáng kiến “Giải pháp lập trình DCS Honeywell thu thập dữ liệu giám sát và tự động hóa các quá trình tính toán để tối ưu công nghệ nhà máy GPP Cà Mau” làm lợi khoảng 5 tỉ đồng. Nhiều sáng kiến khác góp phần cải hoán, tăng tuổi thọ của thiết bị, bảo đảm thiết bị luôn trong trạng thái sẵn sàng, nâng cao độ tin cậy của cụm cấp khí cho khách hàng của Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.
Trương Quang Huy chia sẻ câu nói trong cuốn sách Dork Diaries (Nhật ký Dork): “Hãy mơ những giấc mơ lớn, vì giấc mơ nhỏ không tạo nên phép màu”. Những thành tích cả hai kỹ sư đạt được không những là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân luôn rèn luyện, học tập, nỗ lực sáng tạo, mà còn để cả hai ấp ủ giấc mơ lớn hơn: Trở thành kỹ sư đầu ngành.
Kỹ sư đầu ngành là sự định hướng lâu dài trong quá trình công tác và là một tổng thể bao gồm kiến thức, kỹ năng, phương pháp, tư duy xử lý các vấn đề kỹ thuật, sáng tạo trong công việc, từ việc định hướng nâng cao sự hiểu biết, kiến thức chuyên môn thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu quốc tế và thi lấy các chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn, cho đến việc nâng cao kỹ năng xử lý các tồn tại của hệ thống hiện hữu, phát huy tính sáng tạo, cải tiến để tối ưu hóa hệ thống thiết bị, nâng cao hiệu suất làm việc và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu khoa học để bắt kịp những tiến bộ của khoa học công nghệ mới.
Để đạt được các bước đó, mỗi kỹ sư phải luôn tuân thủ nguyên tắc “xây dựng mục tiêu rõ ràng cho từng bước”, kết hợp với việc chia nhỏ từng mục tiêu, kiên trì hoàn thành từng bước cụ thể cũng như việc phân bổ và kiểm soát thời gian. Đầu tiên là việc nâng cao kiến thức chuyên môn thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn, cũng như là các khóa đào tạo kỹ năng, thi lấy các chứng chỉ quốc tế. Kế tiếp là áp dụng hiệu quả các kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được vào thực tiễn công việc. Một phần quan trọng không kém đó là phát huy tính sáng tạo trong công việc, luôn suy nghĩ làm sao để hệ thống được cải tiến, hoạt động tốt hơn. Hằng năm, hai kỹ sư phấn đấu để có các sáng kiến cải tiến mới, nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Được công nhận là kỹ sư đầu ngành đầu tiên của PV GAS là một cột mốc đáng nhớ và vinh dự lớn lao trong sự nghiệp của hai kỹ sư Thiên Ân và Quang Huy. Nó thể hiện sự bắt kịp xu thế “thay đổi tư duy để thích ứng, tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới”, xu thế phát triển mới với sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội trong tiến trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.
PV GAS đã và đang chú trọng việc xây dựng và phát triển nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật cao cho đội ngũ kỹ thuật nhằm ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực, tối ưu hóa công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất.
Quang Huy tâm sự: “Tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, người làm kỹ thuật chúng tôi phải thay đổi tư duy, phát triển năng lực bản thân, đẩy mạnh ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ vào công việc, đẩy mạnh sự sáng tạo, sáng kiến, cải tiến để góp phần vào sự phát triển của KCM nói riêng và PV GAS, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung”.
Giàu nhiệt huyết cống hiến, trưởng thành qua sự rèn luyện, học tập, nỗ lực không ngừng, tuổi trẻ ngành Dầu khí sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển chung của ngành Dầu khí.
PV GAS đã và đang chú trọng việc xây dựng và phát triển nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật cao cho đội ngũ kỹ thuật nhằm ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0 mang lại hiệu quả thiết thực, tối ưu hóa công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất.
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ky-su-co-giac-mo-lon-573082.html