'Kỹ sư sinh viên' mê chế tạo mô hình tàu ngầm điều khiển từ xa
Vừa học chương trình đại học, vừa tự nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều mô hình điều khiển từ xa, sinh viên Phan Trần Phú (Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) đã tạo ấn tượng lớn đối với giới trẻ về tinh thần kiên trì, sáng tạo không ngừng. Kể lại quá trình tự tay thực hiện các mô hình, chàng 'Kỹ sư sinh viên' chia sẻ, 'bỏ cuộc' là khái niệm không tồn tại trong suy nghĩ.
Chủ nhân của mô hình tàu ngầm “Made in Vietnam”
Dù học ngành xây dựng tại Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhưng Phan Trần Phú lại là một “kỹ sư" có tiếng trong giới sinh viên khi đang sở hữu bộ sưu tập các mô hình điều khiển từ xa với số lượng lớn từ xe ô tô, máy bay, tàu thuyền, chim... các loại do chính bản thân nghiên cứu, chế tạo. Gặp Phú tại căn nhà nhỏ ở quận 6, chúng tôi bất ngờ với căn phòng học tập của chàng sinh viên này giống như một nhà xưởng sản xuất thu nhỏ với các loại máy móc, thiết bị, bản vẽ, mô hình đồ chơi... Ấn tượng mạnh với chúng tôi là các phiên bản mô hình tàu ngầm được thiết kế rất giống với thực tế.
Giới thiệu với chúng tôi, Phú chia sẻ rằng, bản thân bắt đầu nghiên cứu về mô hình tàu ngầm điều khiển từ xa khi bắt đầu học đại học và chính thức bắt tay thực hiện từ tháng 3-2020. Do tài liệu nghiên cứu, các thông tin liên quan về đồ chơi mô hình này gần như không có ở Việt Nam nên Phú tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm ở các nước đã từng sản xuất mô hình này. Phú cũng tham khảo thêm nguyên lý hoạt động của tàu ngầm thật nhằm có kiến thức tổng hợp chung để bắt đầu triển khai thực hiện.
“Với mô hình tàu ngầm, chỉ cần bảo đảm các tính năng của tàu như lặn và nổi, di chuyển tiến và lùi, rẽ trái và rẽ phải, mô phỏng được quá trình phóng ngư lôi là xem như thành công. Nghĩ thì dễ nhưng quá trình thực hiện không hề đơn giản. Tôi đã mất nhiều năm mới có thể chế tạo thành công một mô hình hoàn chỉnh” – Phú kể lại.
Phú lấy cảm hứng từ hình ảnh tàu ngầm lớp kilo 636 của Việt Nam mang số hiệu “183-TP Hồ Chí Minh” để bắt tay nghiên cứu, chế tạo. Với Phú, tàu ngầm kilo là niềm tự hào về sức mạnh quốc phòng của nước ta nên chọn loại tàu này để nghiên cứu sẽ giúp tăng thêm động lực, niềm tin để thực hiện. Phú tiến hành thực hiện bản vẽ thiết kế 3D toàn thể con tàu trên máy tính, rồi chia mô hình ra thành các mô đun như: Vỏ thân tàu, hệ thống động cơ, hệ thống điện, cơ cấu lặn nổi... để vừa tìm hiểu công nghệ, vừa lựa chọn phương thức chế tạo.
Theo chia sẻ của Phú, khó khăn lớn của việc chế tạo là mô hình tàu ngầm chưa từng thực hiện ở trong nước nên từng công đoạn phải tự thử nghiệm lựa chọn vật liệu, linh kiện nhiều lần. Phú mua máy in 3D dùng để in vỏ thân tàu và tự tay làm các vật liệu để thiết kế mô hình. Do mô hình phải lặn xuống nước nên việc chống thấm nước là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, việc tìm được bộ điều khiển có sóng xuyên tốt trong môi trường nước (sóng FM) hiện nay cũng rất hiếm. Bản thân là sinh viên nên Phú vẫn phải ưu tiên học tập đầy đủ, sau đó dành trọn thời gian để nghiên cứu, chế tạo. Hằng ngày, Phú thường nghiên cứu đến tận 2-3 giờ sáng. “Thất bại thì làm lại, một vài lần chưa được thì thử nhiều lần, bởi có kiên trì thực hiện thì sản phẩm mới mang lại giá trị. Tuy chỉ là làm mô hình nhưng tôi luôn chăm chút cho sản phẩm, bởi tôi mong muốn xuyên suốt rằng, những người yêu thích môn này có thể tiếp cận được các mô hình “Made in Vietnam”, không phải mua từ nước ngoài với giá cao và rất khó khăn để bảo quản, sửa chữa” – Phú tâm sự.
Sau thời gian dài miệt mài chế tạo, qua 5 mô hình thử nghiệm, Phan Trần Phú đã cho ra đời mô hình tàu ngầm lớp kilo điều khiển từ xa với đầy đủ các tính năng cơ bản. Phú chia sẻ thêm: “Tàu ngầm kilo thật thì sẽ bắn ngư lôi từ phía mũi tàu nhưng với tàu mô hình kích thước nhỏ không cho phép mô phỏng được. Mặt khác, quy định của Việt Nam không được sử dụng thuốc phóng trong chế tạo thiết bị, mô hình nên tôi đã chọn phương án dùng khí nén và tạo hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng. Tuy điều này không giống với thực tiễn nhưng ở góc độ mô hình, tôi cố gắng giúp tàu có đủ chức năng nhất có thể”.
Từ thành công của mô hình tàu kilo, Phú tiếp tục chế tạo ra nhiều mô hình với đa dạng kiểu tàu ngầm khác như lớp Ohio, Akula..., thậm chí có loại tàu ngầm từ thế chiến thứ hai. Được bạn bè có cùng niềm đam mê đặt hàng, Phú mạnh dạn chế tạo thêm mô hình tàu ngầm, lấy chi phí để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn các mẫu mô hình. Hiện nay, với một mô hình tàu ngầm có chiều dài trung bình 60cm, Phú chỉ cần ba tuần là chế tạo hoàn thành. Mô hình có thể lặn sâu 1,5m, hoạt động khoảng 30 phút thì sạc pin, nhất là thuận lợi trong tháo lắp để bảo quản, bảo dưỡng.
Lan tỏa tinh thần nghiên cứu, sáng tạo của tuổi trẻ
Sinh ra tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, Phan Trần Phú đã bộc lộ niềm đam mê công nghệ từ nhỏ. Phú luôn đặt câu hỏi “Tại sao?” và tự đi tìm lời giải trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chế tạo ra các sản phẩm dù còn đơn sơ. Ngay trong những năm học phổ thông, Phú đã tự chế tạo mô hình mô tô bay để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Bước ngoặt chế tạo của Phú thay đổi từ khi lên TP Hồ Chí Minh học đại học. Phú có điều kiện tiếp cận toàn diện hơn với môn thể thao RC (Radio control models, nghĩa là các vật thể mô hình điều khiển bằng sóng radio từ xa). Từ đó, Phú bắt tay chế tạo nhiều mô hình hơn. Bên cạnh thành công mới nhất là mô hình tàu ngầm, Phú còn cho ra mắt mô hình chim bay (dạng khác là dơi bay, bướm bay) điều khiển từ xa và đã nhận được nhiều đơn đặt hàng. Phú cũng đang thực hiện thêm mô hình tàu thám hiểm sâu dưới nước.
Phú chia sẻ bí quyết rằng: “Tôi luôn đặt cho bản thân quyết tâm là phải tự tay làm được các mô hình và mô hình phải chuyển động chứ không phải dạng lắp ghép, trưng bày. Bí quyết lớn nhất vẫn là phải kiên trì, dám chấp nhận thất bại bởi mọi ý tưởng chế tạo đều xuất phát từ con số 0”. Theo Phú, việc đam mê nghiên cứu, chế tạo mô hình không có vạch đích, thành công chính là đã dám nghĩ, dám thực hiện, dám thử thách năng lực của bản thân.
Thầy Nguyễn Ngọc Phúc, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh, chủ nhiệm lớp của Phan Trần Phú chia sẻ rằng: “Em Phú là một điển hình về tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu khoa học của người trẻ. Đây là đức tính rất quý giá trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay thì người trẻ cần chủ động hơn trong nắm bắt xu hướng để học tập, lao động hiệu quả. Đam mê có khoa học, biết tạo ra sản phẩm thực tiễn như trường hợp của em Phú sẽ góp phần lan tỏa tinh thần nghiên cứu, sáng tạo của tuổi trẻ”.
Chia sẻ về những dự định tương lai, Phú bày tỏ: "Hiện tôi đã hoàn thành thời gian học đại học nên sẽ tập trung nghiên cứu thêm các mô hình mới phức tạp hơn. Tôi muốn lan tỏa ngọn lửa đam mê đến mọi người, nhất là các bạn trẻ hãy luôn cố gắng chinh phục thử thách bằng sự kiên trì và sáng tạo. Tôi mong rằng sẽ có nhiều người đặt tâm huyết tạo ra nhiều hơn những sản phẩm "Made in Vietnam" có hàm lượng khoa học cao, chứng minh rằng chúng ta không hề thua kém các nước khác".
Về lâu dài, Phú mong muốn có thể cộng tác hoặc được kết hợp cùng các cơ quan, đơn vị đủ tư cách pháp nhân để sáng chế, tạo ra những thiết bị công nghệ phục vụ cho cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở mô hình. “Tôi luôn tự tin về đam mê, khả năng nghiên cứu, chế tạo nhưng khoảng cách giữa mô hình và sản phẩm thật là rất xa. Tôi hy vọng sẽ có được những trợ lực tốt, cùng các đơn vị đồng hành để làm chủ các công nghệ hiện đại, quay lại phục vụ cho xã hội, đất nước” - Phan Trần Phú nhấn mạnh.